Ngài Ba mươi ở miếu trâu - Truyện ngắn của Nhụy Nguyên

23/01/2022 08:30 GMT+7

.

Dy ngồi lước bớt sống lá dong để gói bánh. Mấy tháng trước chồng Dy nghe con giới thiệu việc gác kho và soát xe ra vào công ty đang cần người; nghĩ cũng rỗi mùa màng, vô làm tạm kiếm tiền về sửa mái nhà, rồi thong dong nghỉ ngơi ăn tết, nên đồng ý. Thế nhưng mọi chuyện chuyển xoay chóng mặt. Dịch bùng phát, công ty thiếu người, họ nói chồng Dy ở thêm, rồi kẹt; đứa con lập cho cái facebook để gọi điện, nhìn mặt Dy và con thêm nhớ. May là vùng dịch hẹp dần, khoảng xanh loang ra. Nhiều công nhân về quê đã tìm việc khác, bên công ty trả lương gấp đôi cho chồng Dy để kiêm việc; thì ở thêm thời gian nữa gom góp cũng là dịp hiếm, vậy là vợ chồng lại xa nhau nữa. Dy đành năm đầu tiên thử gói bánh một mình.

Cha gọi, giọng khàn và nhỏ. Dy bỏ dở xấp lá dong, lau tay đến bên giường. Chái nhà dột này tính sửa; mấy tháng lương gom cũng đủ rồi song chồng chưa về đành dói tạm qua mùa mưa vừa rồi. Giờ tết nắng trong như mật ong rọi xuống tóc cha óng ánh. Ông thích nằm đây, ngồi dậy là nhìn ngay vườn rau xanh mướt mát. Ăn ít mà bán cũng rẻ, có điều để đất trống thì cỏ mọc, Dy đã vun xới mảnh vườn như hồi cha còn cầm cuốc được. Dy là con út trong nhà, chị làm dâu làng bên, mấy ông anh khai hoang ở các vùng đồi từ hồi mới cưới, giờ đất đai mênh mông. Dy chăm sóc mẹ cha hơn con mọn, nên anh em nhường hết vườn nhà này.

Thằng Beo chạy xộc đâu về đến ngay bên giường hỏi:

- Ông, miếu thờ cả trâu cả hổ sao chỉ gọi miếu trâu?

Cha Dy cười, xoa đầu nó gật gật.

- Ra sau giếng múc nước và lấy khăn cho mẹ.

Thằng Beo nghe lời mẹ chạy liền. Bao nhiêu chuyện cha kể từ hồi Dy còn nhỏ như thằng út bây giờ, Dy còn nhớ như in. Ông bảo chuyện về trâu cọp xưa lắm, cha nghe cố bây kể lại chứ tiếc không được chứng kiến.

Thằng Beo bưng thau nước vô, nắng rọi vào lấp lóa.

- Không được xồng xộc vào miếu trâu nghe chưa Beo, chơi bên ngoài sân thôi.

- Sáng ni con nhặt được mấy quả ngô đồng còn nguyên, để mơi mốt cha về làm xe bò cho con chơi.

- Ì. Được rồi. Đi đi, hồi về ông khỏe ông kể chuyện trâu bắng cọp cho mà nghe.

Miếu trâu nằm bên đền Thành hoàng làng. Không biết đền miếu xây từ bao giờ, chỉ biết cây ngô đồng thì xưa lắm rồi. Mỗi khi trái rụng thường vỡ ra, hiếm lắm mới có trái khô còn nguyên, mà cũng phải dán keo các khía cho dính lại để tụi nít làm bánh xe trâu chơi với nhau. Đền làng thường mở vào dịp lễ tết, còn miếu thì không đóng cửa, bên trong có bệ thờ đặt bánh trái hương hoa và hai bên tả hữu là tượng trâu và tượng hổ; tượng trâu cao to dũng mãnh còn hổ nhỏ như nghé. Thằng Beo hỏi sao chỉ gọi miếu trâu là vậy. Dĩ nhiên đây là thắc mắc của ai, lọt vô tai nên về gặp ông là nó hỏi liều chớ tụi nít quan tâm chi. Chúng còn trèo lên lưng trâu lưng hổ ngồi chơi suốt khiến bóng loáng cả hai tượng đá.

Cha kể hồi ấy ngay chỗ xóm làng mình đây rừng ken dày, đường thôn chỉ lọt con trâu. Người trong thôn sợ cọp hơn ma quỷ. Ma thì cao niên trong xóm đều có góc nhìn riêng mà thuật lại với con cháu, gặp hổ cũng không ít người. Bận ấy người xóm đi rừng, thấy con voi bị trăn quấn chân; thấy người, voi ngúc ngúc cái đầu cầu cứu. Sẵn đòn xóc và gậy, mấy người đến tháo con trăn ra. Voi bước đi và hú lên. Sau mấy người làng cũng đi, họ trố mắt không tin nổi. Trời ơi, sao con voi biết họ đi chặt mây mà chúng gọi bầy tới nhổ cả đống mây trải ra sẵn đó cho mọi người. Lên rừng đẵn củi và đốt than, ai cũng gọi voi bằng ngài, gọi hổ bằng ông, chẳng dám gọi trắng ra. Có lần cả toán đi rừng nhét than căng các bì rồi, hú nhau đến vùng đất trống uống nước nghỉ ngơi. Ai đó nhắc đến ngài đến ông, có người mới đi rừng thủng thẳng, “voi thì kêu là voi, hổ thì kêu hổ, bày đặt ông với ngài”. Vậy mà tai vách mạch rừng sao đó, lúc quay lại gánh than về, cả toán lạnh người trước hai bao than của người gọi trắng voi hổ kia bị giày cho nát tươm.

Rừng thiêng màu mỡ là vậy, ai cũng chỉ biết nói giá như… giá như không có cọp. Bầy cọp không chỉ rình rập trong sâu thẳm mà tràn ra bìa rừng. Dy có lần theo chồng và cha vào rừng thả trâu. Dân xóm có lệ thả trâu hoang giữa rừng, năm chỉ vài ba lần lùa về cày, xong lại đi thả. Mấy cha con đi sâu vào rừng, cha Dy chỉ cho biết những nơi ngày xưa hay có voi và cọp, những vùng lũ trâu hay ngủ. Thả trâu ở rừng khỏi tốn công chăm, trâu cái tự nhiên sinh sôi thêm, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị cọp vồ, chủ cụt vốn.

Minh họa: Tuấn Anh

Nhà cụ Thiêm có con trâu mộng, ai đến trả cao mấy cũng không bán, là niềm tự hào của ông. Lúc nào trông nó cũng hùng dũng láng bóng, cuồn cuộn bắp, cao dềnh dàng, sừng vếch nhọn hoắt. Ông Thiêm coi nó như bạn. Cái ràn trâu toàn gỗ cứng ông đẵn từ rừng về làm, đêm nào cũng chốt kỹ sợ mất trộm. Cái lục lạc đeo ở cổ nó là vỏ đạn cối gò ra, kêu như chuông báo động. Ai lạ dám tới gần con trâu mộng “thành tinh” mà dắt đi cho được. Ông Thiêm không thả rừng, ai khuyên rằng già rồi chăn trâu chi nữa cực thân, thả rừng không khéo nó đưa về cả gia đình trâu vợ trâu con lãi hời, ông nhất khoát lắc đầu. Vậy mà thế thời thì khác, ông Thiêm ngã bệnh nằm liệt, cả nhà rối lên được tháng thì đòi bán. Ông xin con cháu đừng. Thì còn cách thả trâu ở rừng phó mặc thần cây thần cỏ chứ người nhà lo chăm ông đã khổ.

Lúc nào có người đi thăm trâu ông cũng nhờ vả tìm xem giùm con trâu mộng ra sao. Chuyện về nó ngày một nghe như thần thoại. Và điều hiển nhiên là đàn trâu làng thả rừng hiếm hoi lắm mới bị hổ bắt. Con trâu mộng đã trở thành đầu đàn, trở thành cứu tinh của mọi con trâu thả rừng, trở thành khắc tinh của cọp. Nó ngày càng hung dữ hơn với cọp, chủ động tấn công từ xa.

Chuyện cọp trong rừng ra quấy trâu quấy người cũ lắm, xóm làng kể nhiều rồi. Chẳng như chuyện về toán người tìm mật ong và trầm cắm trại. Sáng sáng họ tỏa đi, chỉ còn lại chị nội trợ. Đời nói thường hay, số chưa tận thì cứ nhăn răng mà cười. Chị đóng chặt cửa trại ở trong lo bữa, mót quá ra nhìn quanh rồi vuột tới bụi cây gần đó. Lại soi xét rồi mới ngồi xuống. Chợt nghe tiếng động, ngó về trại, toát lạnh mồ hôi hột. Một con cọp bồng bao gạo từ trong nhảy phốc ra. Sao nhanh lẹ thế. Mà nó cắp gạo làm chi. Trời trời, con cọp cũng bồng bao gạo ấy, nhảy phốc qua rào trại vào trong, lại phốc ra. Ngu rồi cũng lóe thông, chị nuôi mới hiểu con cọp đang tập dượt cho sự bắt người. Thì rõ rồi, sợ vãi! May phúc sao chị lại mót tiểu, vô tình thấy cọp, để toán người về biết mà gia cố trại lán.

Chồng Dy gọi điện về dặn thêm nhớ chọn hai cặp bánh ra đền Thành hoàng và miếu trâu thắp hương chiều ba mươi. Dy nói nhớ rồi, khỏi dặn. Mà Dy nào có khi mô ra miếu thắp hương, toàn cha và chồng lo việc lễ. Cha Dy ăn xong tấm bánh nếp trắng mịn đùm lá chuối, cứ ngồi vậy nhìn nắng trong vườn.

- Tết ni con dắt thằng út ra đền miếu thắp hương, ăn mặc đàng hoàng bày cho nó lạy thần. Những người những vật có ơn với làng phải kể với con cháu sao cho trọn, cái gì không nên kể thì giấu đi cũng được.

Trước thằng Beo còn có anh trai và chị nó, cũng ở Sài Gòn. Thường tết chúng thay nhau, ít nhất có một về ăn tết với gia đình. Năm này chẳng những không con cái dâu rể, mà chồng cũng vắng luôn. Thôi thì cuộc sống cũng vô thường lắm lắm, sao lường được hậu họa dịch giã khiến cả thế giới lao đao huống hồ… Rồi đến mùa cày cấy sau chồng về, có thêm chút vốn lo cửa nhà cũng là phúc.

- Ờ, cha này, con từ lâu cũng có nghi hoặc mà không rỗi hỏi cho ra nhẽ: Sao miếu trâu lại thờ cả cọp hở cha?

Cha Dy cười, bảo chè ngấm chưa múc cha một bát.

- Thờ cọp là lứa sau gán vô mà nói, chứ hồi xưa chỉ thờ trâu… Nên mới gọi miếu trâu. Bây giờ vào rừng tìm không ra cọp, cọp thành thiêng. Người làng mình thắp hương lễ lạt cho cả trâu và cọp. Thì coi như chúng đổi oán thành bạn cùng hưởng hương hoa của làng vậy.

Cũng không biết từ bao giờ để làm chứng cho sự hóa giải hận thù, mâu thuẫn, người trong xóm thường đưa nhau ra miếu trâu. Nếu nhìn theo dọc đường, đầu là cây ngô đồng, sát đền Thành hoàng, rồi đến miếu trâu. Dưới cây ngô đồng xưa có cái quán thuốc lào, bánh kẹo bỏ hũ thủy tinh bán lẻ, hương, rượu; nay bà chủ quán đã mất, giờ cũng có quán bán tạp hóa nông quê, trước đặt cái bàn. Mấy vụ tuyên bố hóa oán giải kết thường ra đây gọi cút rượu, vô miếu thắp hương xong thì rót ly cụng và uống cạn trước mặt thần và mặt trâu mặt hổ, rồi bắt tay, có vụ còn ôm nhau thắm thiết. Hẳn linh hay có gia trì phù trợ sao đó chăng, mà các cuộc này đều từ đó làm lành mãi.

- Beo! Đi mô mãi chừ mới về. Đi gọi mấy bác qua uống nước chè mới dội với ông. Rồi về ông kể cọp cho mà nghe.

Thời cha của Dy cũng thấy hổ lởn vởn ở đồng. Những ngày vào vụ cấy vụ gặt, nhà thì mang theo chiêng, phèng la, ít cũng là vung nồi. Đồng gần rừng có dựng chòi canh, đặt một người ở đó, hễ thấy cọp là đánh chiêng báo động, lập tức người người cầm các thứ đánh vang rầm. Cọp sợ chạy mất. Có đêm bà hàng xóm dậy, khi bước trở vô thì thấy hai con mắt sáng quắc nơi bụi chuối. Bà ngọng luôn, chân nhũn ra như hai sợi bún. Mà cũng kịp khấn xin ông tha mạng. Mai bà kể lại vẫn không hiểu sao con cọp vào đến tận nhà, thấy mồi ngon lành rồi vẫn tha!

Cha Dy còn chống gậy đi tới lui từ trong nhà ra ngoài sân được. Chứ như ông Thiêm ngày trước ngã bệnh là nằm một lèo luôn. Nhớ con trâu mộng. Năm đó ông Thiêm dúi tiền mấy người đi ví trâu về cày, nhờ đưa nó về xem mặt mũi giờ ra sao. Con trâu mộng trở về nhốt ràn, ông cứ nằm trong giường nghiêng người nhìn nó hoài. Ông biết, đến khi ông mất thì người nhà cũng bán nó thôi. Vậy rồi ông lại dúi tiền nhờ người dắt vô rừng thả lại. Tiếng đồn xa, con trâu mộng thành ngài bảo vệ cả động trâu thả rừng. Ai cũng nể, vô gặp đều vung cho nó phần ăn. Vụ kinh động chưa từng thấy từ khi làng mới lập là có một ngày người đi rừng gặp xác một con hổ. Người ta thấy rõ vết sừng trâu xiên vào, qua mấy ngày mở toác ra troi lúc nhúc.

Nhưng đó chưa phải là chuyện khiến người chỉ nghe thôi cũng giật mình, mà ngày ấy… Người dân đi củi ở rừng về, thấy con trâu mộng nằm kềnh, cái đầu cứ vếch lên rụi xuống. Mọi người biết có chuyện, vội thả gánh, ai lấy lăm lăm đòn xóc và dao cầm chừng bước tới.

Con trâu mộng nằm đó, điều đầu tiên ai cũng thấy rõ rành nước mắt ướt đẫm lông, và nước mắt nó vẫn đang tràn ra đau đớn, uất ức!

Những người yếu vía đã không nhìn nổi cảnh này. Tin loang về làng nhanh, thầy lang nghe qua cũng lắc đầu. Lũ cọp đã lên một kế hoạch chuẩn xác và độc. Những phân tích của người làng cho thấy rõ như quay thước phim cẩn thận. Một cái cây lớn nghiêng sà sà từ lâu rồi, không mấy ai để ý, cũng không ai nghĩ chặt lấy gỗ. Lũ cọp thì thấy. Có vẻ ít nhất cũng vài ba con trở lên, trong đó một con leo lên nằm áp trên thân cây đổ sà ấy ngụy trang thân, những con còn lại nấp gần đó sẵn sàng. Chúng hẳn phải đợi cả ngày, có thể đã thất bại vì không phải lúc nào con trâu mộng cũng qua đây. Và lúc nó ngang qua thì định mệnh ập đến. Con cọp lớn với sức nặng khủng lao xuống ngoạm chặt vào ót trâu, quăng mình qua bên kia đủ sức quật con trâu ngã. Con trâu mộng đánh nhau với lũ cọp nhiều lần rồi, nên chuyện đối mặt chúng là thường, chuyện bị những cọp cắn xé cũng thường, nó như thần trâu hiện thân với sự hung dữ trước cọp là kẻ thù một mất một còn. Lúc con trâu vừa ngã, chưa kịp quật mình dậy thì những con cọp khác lao ra. Giả thiết là trâu ngã, song cứ cho là không ngã, thì mấu chốt là ở đây: rằng những con cọp khác đã lao đến ngoạm vào hai chân sau. Chỉ hai chân sau, người làng không thấy vết cắn ở hai chân trước. Lũ cọp đã cố ý cắn, nghiến gãy hai chân sau của trâu. Và không hiểu sao chúng cũng chỉ ăn hai chân sau, ăn đến mông. Rồi để dành đó như một thứ thức ăn tươi. Con trâu vẫn sống, vẫn nước mắt trào ra. Không thể cứu nữa!

Những thợ săn trong làng hiến con trâu mộng làm mồi nhử. Họ đi từ gà gáy canh đầu. Lũ cọp sẽ ra ăn lại con trâu vào lưng buổi sớm. Họ chặt cây dựng cùm phủ nhánh lá vừa tầm bắn cọp ở phía con trâu. Cái cùm được niềng dây mây chắc chắn và còn neo những hòn đá lớn dằn xuống. Ai thợ săn cũng hiểu, nếu bắn trượt, con hổ sẽ hướng về phía tiếng súng mà lao đến như một mũi tên…

Rồi lũ cọp cũng ra. Súng trong tay chặt hơn, họ bắt đầu nheo mắt ngắm về phía đó. Con cọp, trước lúc ăn, nó đã thực hiện động tác ma mãnh: đứng dựng hai chân sau như người phóng ánh nhìn về phía ấy, ngẫu nhiên sao, hướng những người thợ săn. Người ta sẽ nghĩ, cọp lọt vào mục tiêu rồi. Nhưng. Những người thợ săn buông cò, rùng mình căn nhức tròng mắt… Mặt con cọp to như cái thúng đại. Cái mặt con cọp bự ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai trong làng từng kể chuyện tiếu lâm. Người thợ săn chỉ nhìn mấy giây liền cụp mắt xuống, như sợ cọp nhìn thấy. Ai dám chắc bắn trúng con cọp từ tầm xa này, từ góc này… “Thất kinh hại hồn!”. Họ nín thinh như tưởng niệm rồi lặng rút.

- Con hổ bự nớ chừ mô rồi ông?

Thằng Beo hỏi như chuyện mới hôm qua.

Cha Dy tiếp rằng ngay sáng đó, bác thợ săn xóm bên một mình một súng lên thẳng chỗ con trâu mộng. Bác đi đến tốt mịt mới về, mang theo bốn cái chân hổ treo lên gác bếp. Thanh niên đốt đuốc lốp xe rầm rầm đi gánh hổ về.

- Ông, con hổ làng đưa về thờ trong miếu đó hả?

- Không cháu.

Có một điều kỳ lạ chưa ai đến nay trả lời được, là từ hôm đó, bầy hổ vắng tanh. Không hề ai gặp con nào nữa. Đàn trâu thả động tung tăng ăn rải ra khắp bìa rừng. Những con nghé và trâu ốm vẫn thung thăng đến uống nước ở các hố bom mà chẳng còn ngần ngại sợ hổ vồ mất mạng.

- Ông lớn lên đã thấy miếu trâu. Trong cuốn sổ làng ở đền Thành hoàng còn ghi rõ tên họ người chạm tượng con trâu mộng thờ trong miếu đó.

*

Năm nay Dy sắm lễ tươm tất gồm cả những bông hoa phượng cúng tươi rói trong vườn ra đền Thành hoàng và miếu trâu dâng lễ. Dy mong chồng và con cháu an lành qua mùa dịch, sớm đoàn tụ. Thường cận tết chồng Dy vẫn tranh thủ lên thăm trâu thả rông ở rừng. Năm nào đó còn mang cả tấm bánh chưng cho nó ăn một lần cho biết mùi tết. Cha Dy nói không tận mắt được thấy, chỉ nghe kể thôi mà thấy thương con trâu mộng lạ. Thương ông Thiêm chủ nó nữa… Mà thôi, tết nhứt ai kể chuyện mủi lòng.

Dy cũng nghe nhiều bậc cao niên trong xóm và cả làng bên kể về tượng hổ, rõ ràng họ kể giống nhau. Có lẽ chuyện này động trời sao mà lan khắp. Đó là sáng sớm sau một đêm mưa dầm, con đường cát quanh xóm còn ủ nước thâm thẫm. Mụ Sinh lùa trâu lên đồng sớm. Mụ là duy nhất trong xóm tóc bạc rồi còn cưỡi trâu như trẻ nít. Mụ lùa trâu đi một đoạn thì kiểu như sực nhớ chi đó. Mụ khựng lại, mặc con trâu cứ thủng thẳng bước xa phía trước; đoạn mụ la lên thất thanh chạy vuột về: “Cọp! Cọp! Ơ… xóm. Có cọp về”. Người người lao dậy, vớ ngay thứ gì đó thủ thế. Một chốc thì ngõ xóm hơn chục đàn ông lăm lăm sẵn sàng tuyên chiến với cọp. Họ thận trọng lần theo dấu chân cọp trên đường cát. Không lẫn vào đâu được dấu chân cọp này, họ cứ lần theo thì, đến đền Thành hoàng; đúng ra là đến sân miếu trâu thì mất dấu…

- Ai tạc tượng cọp đó cha?

- … Cứ như chuyện trong mơ con ạ. Từ buổi sáng có dấu chân cọp ấy, ai cũng thủ thế, nhưng đến hôm sau trong làng cũng không có tín hiệu gì, và từ đó trở đi biệt tăm dấu cọp.

- Thì con vẫn thắc mắc về cái tượng cọp.

- Ờ… người ta kể rằng sáng mồng một mấy cụ đến miếu hành lễ, chợt thấy, chình ình tượng cọp ở góc sân. Ai nấy đang ngơ ngác thì trận mưa bất đồ trút xuống rầm rầm. Nước lênh láng. Đến nửa buổi thì mưa ngưng hẳn, mặt trời ló ra.

- Ấy là tết năm Dần, sự kiện này có chép trong sổ làng con ạ, đều không ai biết tượng cọp “đi” từ đâu tới...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.