Từ lâu, không còn những cuộc gọi vào sáng sớm hoặc đêm khuya. Mỗi lần nghe điện thoại vào những giờ đó, ông đều cảm thấy phấp phỏng, lo âu.
Ông nhấc máy, giọng đứt quãng a lô, a lô, a lô. Không ai trả lời. Ông đợi một chút rồi đặt máy, có lẽ lại nhầm số. Họ, những người gọi nhầm số ấy, đôi khi rất ương bướng. Họ có thể gọi đi gọi lại vài lần và khăng khăng đây chính là số của họ. Có lần, người đàn ông nọ còn lớn tiếng, đây là số của nhà tôi, rồi cứ gọi đi gọi lại, Lan, Lan, anh đây.
Bố khỉ, ông bật cười, định bước ra sân thì chuông lại đổ hồi. Lại nữa, ông lầu bầu nhưng vẫn nhấc máy.
Lần này, giọng một phụ nữ, xin lỗi, có phải số máy của ông H. không ạ.
Giọng nói lạ. Ông đáp, dè dặt, dạ, xin lỗi, tôi đang nói chuyện với ai đây ạ. Hình như có tiếng cười khẽ, Vân đây ạ. Vân, Thúy Vân, Cẩm Vân, Thanh Vân, Thụy Vân, Diệu Vân, ai trong số những Vân ông từng quen biết hôm nay vẫn còn nhớ đến ông. Hình ảnh của những Vân lướt qua tâm trí ông, hình ảnh của những thiếu nữ trẻ trung, xinh đẹp.
Minh họa: Tuấn Anh |
Ông giật mình khi nghe thấy tiếng ho, rồi giọng người phụ nữ, Vân học sau anh hai năm, đã cùng anh và anh T. tham gia chuyến thực địa tìm hiểu ngôn ngữ Mường ở HB. Ôi trời, ông kêu thầm, vừa nhâm nhẩm tên vừa cố hình dung khuôn mặt của cô sinh viên ngày ấy, rồi thở ra nhẹ nhõm. Mai Thị Vân.
Hồi ấy, giữa lúc đám con trai lớp ông quây quanh hai cô gái mới nhập học, ông còn mải mê với những trò nghịch ngợm của mình, chẳng mảy may để tâm đến họ, ngay cả trong chuyến đi ba tuần mà cô vừa nhắc.
Ông hắng giọng, lâu ngày quá, cô Vân khỏe không. Nhận ra câu hỏi có vẻ khách sáo, ông lại hắng giọng, vậy tôi có thể giúp gì cho cô Vân.
Dạ, nếu không phiền, anh tìm giúp em một bức ảnh của lớp anh hồi còn ở MT.
Ảnh ư. Ông hỏi lại.
Như không nghe thấy câu hỏi và sự ngạc nhiên trong giọng nói của ông, người phụ nữ tiếp tục câu chuyện của mình, vâng, em đã hỏi mấy người rồi mà không ai còn giữ. Em cũng hỏi anh hú họa thôi ạ. Có tin gì, anh làm ơn gọi hoặc nhắn cho em qua hộp thư điện tử. Em cần lắm ạ.
Ông nghe thấy chút nghẹn ngào trong những âm sau cùng.
Chính vì những âm sau cùng ấy mà ông không dám từ chối, dù biết chắc mình không còn lưu giữ tấm hình nào của cái thuở xa xưa ấy.
Ông bắt đầu những cuộc gọi, ngay sau ly cà phê sáng.
Trước hết là vài người ông còn giữ mối liên hệ bạn bè, rồi những cuộc gọi cho những người thân của những người ấy, cứ thế, có đến vài chục cuộc gọi trong một ngày, mỗi lần, ông lại lặp lại những kỷ niệm, lớp ấy, thời ấy, nơi ấy, thầy ấy, cô ấy, thậm chí cả những trò nghịch ngợm của chính ông.
Nhưng ông không nói lý do tìm bức ảnh vì chính ông cũng không biết.
Giữa lúc ông muốn kết thúc cuộc tìm kiếm thì một người đang sống ở Australia gửi vào hộp thư bức ảnh ông cần tìm với vỏn vẹn một dòng thư, gửi anh bức ảnh cũ. Ông viết thư cám ơn mà không thực sự biết mình đang liên lạc với ai.
Đó là một bức ảnh đen trắng bé xíu với mấy chục người ngồi chen nhau trên những bậc thềm của một ngôi nhà lớn, dường như là một hội trường. Ông mở to hết cỡ để nhìn lướt qua từng khuôn mặt. Mọi khuôn mặt đều nhòe mờ. Ông tìm ra chính mình nhờ chiếc áo sẫm màu giữa những chàng trai mặc sơ mi trắng. Hồi đó, ông thích màu nâu. Mà, cũng vì muốn khác người.
Dù không mấy hài lòng với bức ảnh, ông vẫn chuyển tiếp cho Mai Thị Vân.
Sau hai ngày chờ đợi hồi âm, ông gọi điện thoại, chào cô Vân, cô đã nhận được ảnh chưa, dạ, ngày nào em cũng mở mạng mà chưa thấy ạ… Vậy tôi sẽ gửi lại, dạ, em vẫn chưa nhận được… Tôi gửi lại ngay đây, quá tam ba bận mà cô, có một khung hình trắng trống trơn anh ạ… Vậy cô Vân có dùng Viber hay Zalo không, dạ có, em dùng mấy thứ này để trò chuyện với bà con thân thích tứ tán khắp nơi… Tôi gửi thử qua Zalo nhé, vâng, mà không hiểu sao em vẫn chưa nhận được… Hay anh ấy không còn muốn gặp em, ai hả cô, anh T ạ, anh ấy mất lâu rồi, ông ngừng lại một chút, nén một hơi thở, cố lấy giọng bình thản, chắc mạng trục trặc thôi, hình như đứt cáp ở đâu đó, dạ… Tôi thử Viber nhé, vâng, cám ơn anh… Trời Phật ơi em nhận được rồi, em đang ở rất xa HN nhưng thế nào em cũng đến thăm cám ơn anh, em không biết ai đã mách bảo cho em tìm sự giúp đỡ từ anh nữa.
Vẫn chút nghẹn ngào trong những âm sau cùng.
Không có chi, ông đáp rồi buông máy, bước ra ngoài khuôn cửa, hít thật sâu chút khí lạnh từ cơn mưa cuối mùa, cảm thấy bất an hơn là bằng lòng với công việc mình vừa hoàn tất.
***
Một cảm giác gần như sự sợ hãi giữ chặt tay bà trên chiếc remote màu đen trong khi mắt chăm chăm nhìn vào bức ảnh bé bằng nửa bàn tay đang bất động trên màn hình. Lỡ như mình không thể nhận ra T giữa những chàng trai kia…
Cuộc gặp giữa hai người gần như chỉ gói trọn trong ba tuần trên vùng đất cổ xưa HB ấy. Nhóm của họ có bảy người, bốn người năm thứ ba, trong đó có T và H, ba người năm thứ nhất, trong đó có bà. Bà được bố trí ở một căn nhà riêng nhưng sau ngày làm việc, hầu như tối nào cả bọn cũng kéo nhau sang, quây quần bên bếp lửa, trò chuyện râm ran, nhiều tối ngồi nghe K hát đến khuya muộn.
K hơi xấu trai nhưng có một giọng hát trầm ấm kỳ lạ. K là chàng Trương Chi của cả khoa ngày ấy. Nghe đâu cũng có, không những một mà hai ba nàng Mỵ Nương say mê tiếng hát của chàng.
Bài hát được yêu cầu nhiều nhất là Nụ cười sơn cước của Tô Hải. Mọi người có lý do để tin rằng nhạc sĩ đã sống ở chính nơi họ đang sống với núi, với hoa rừng, với dòng suối trong veo, với cơn mưa xuân… đã buồn bã khi phải chia tay cô gái Mường có chiếc thắt lưng xanh, chiếc khăn màu trắng, chiếc vòng sáng long lanh, có nụ cười quá xinh mà họ gặp hằng ngày trên những con đường nhỏ quanh làng bản.
K tựa lưng vào chiếc cột gỗ lớn, dạo vài nốt trên cây guitar cũ và cất lời: Nàng ơi tôi đã rút tơ lòng/dệt mấy cung yêu thương/gửi lòng trong trắng của mấy bông hoa rừng/đời đời không tàn như khúc nhạc lòng tôi… Cỏ cây hoa lá thương nhớ mãi người đi/và dâng sầu lên mi mắt người về/thơ thẩn đàn chim ngừng tiếng hót/mưa xuân đang tưới luống u sầu/buồn cho dòng nước mong xóa bóng chim uyên/và gió chiều còn xót thương/cho mối tình còn vấn vương… Một sự im vắng kỳ bí vây bọc lấy mọi người, như thể họ đang thiếp đi vậy.
T ngồi đối diện với cô.
Cô nhìn mái tóc dày dặn, khuôn mặt cân phân, đôi mắt một mí của anh qua ánh lửa, khi nhòe mờ, khi bừng sáng. Lúc ra về, anh nói nhỏ, chỉ đủ cho cô nghe thấy, em ngủ ngon nhé. Cô đã không ngủ vì lời chúc hằng đêm ấy. Cô đã cầu mong cho mỗi ngày dài thêm ra, mỗi tuần dài thêm ra và đợt thực tập kéo dài mãi.
Nhưng rồi ba tuần cũng trôi qua.
Trên chuyến xe trở về, anh ngồi bên cô. Mặc cho những đùa vui của bạn hữu, mặc cho K vừa gảy đàn vừa hát: Ai về sau dãy núi Kim Bôi/Nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ… Cỏ cây hoa lá thương nhớ mãi người đi và dâng sầu lên mi mắt người về… Hai người họ lặng im.
Tại cổng trường, khi rẽ về khu nhà của nam sinh viên, anh hẹn sẽ đem cho cô cuốn Núi đồi và thảo nguyên của Chinghiz Aitmatov.
Họ không ngờ đó là giây phút bắt đầu của một cuộc chia tay dài dặc, vĩnh viễn.
Gần như sau chuyến đi thực địa ấy, anh cùng một số sinh viên khác nhận lệnh tập trung, chuẩn bị vào chiến trường và cô phải tiếp tục việc học của mình tại nơi sơ tán, cách xa HN.
Nhiều năm sau, cô vẫn nhớ buổi sáng ấy, khi cô đứng lẫn giữa đám đông nơi cổng trường tiễn T và bạn bè anh. T nhoài người ra ngoài ô cửa của chiếc ô tô lớn màu xanh, đưa mắt tìm cô. Anh nói điều gì đó mà cô không nghe rõ. Rồi có ai trong đám đông chuyển cho cô cuốn Núi đồi và thảo nguyên. Giữa những trang sách là bức thư của anh. Bức thư chỉ vẻn vẹn một dòng chữ: Anh sẽ về. Hôn em, nằm ở trang đầu của truyện ngắn Cây phong non trùm khăn đỏ…
Hai năm sau, cô hay tin T hy sinh. Khi cô mở bức thư, màu mực đã phai gần hết. Cô gấp trang giấy trắng, đặt vào trang đầu của truyện ngắn Cây phong non trùm khăn đỏ, một câu chuyện tình yêu đẹp đẽ và cay đắng của nhà văn người Kyrgyzstan.
Giờ đây, khi nhớ lại mọi điều, bà nghĩ, những ngày đi thực tập ở HB tựa như quãng dừng chân ngắn ngủi ở một trạm giao liên nào đó trong chiến tranh. Họ gặp nhau, yêu nhau rồi vội vã chia tay, kẻ Nam người Bắc, theo những nẻo đường không thể đoán định. Có phải những mối tình như thế sống lâu trong tâm tưởng người ta, đẹp hơn hay khác biệt với những mối tình khác… Có phải những gì bất thành sẽ còn lưu dấu trong ta sâu nặng hơn những gì viên mãn, đủ đầy…
Vì thế chăng mà trong những ngày này, sau bao nhiêu thời gian, bà lại ao ước được nhìn lại hình ảnh của T. Một nỗi nhớ tiếc, một niềm ân hận khuất lấp giữa bao nhiêu bận bịu, lo âu suốt những tháng năm qua đã chợt bừng thức trong một buổi chiều bình thường của ngày chớm đông…
Lạc trong những ý nghĩ miên man, bà giật mình khi nghe thấy tiếng chuông điện thoại. Giọng ông H có vẻ lo lắng, cô đã tìm thấy T giữa bọn chúng tôi chưa.
Dạ, bà đáp khẽ, nhìn tay mình vẫn đang giữ chặt chiếc remote.
Không đợi câu trả lời, ông nói, giọng phân trần, ảnh cũ và nhỏ quá, mở càng lớn thì càng mờ nhòe cô ạ. Tôi cứ mở đi mở lại, nhìn vào từng khuôn mặt, nhìn, cho đến khi có thể tìm thấy một chút gì thân quen. Ba năm sống cùng nhau giữa thời buổi chiến tranh, đủ cho một sự gắn bó… Ơn trời, sau cùng tôi cũng nhận ra một số bạn bè. Chỉ một số thôi… Tôi cũng tìm thấy T. Anh ấy ngồi giữa hàng thứ hai, hai tay đặt lên vai N, bạn thân của anh ấy. Trong một tích tắc nào đó, tôi như thấy cả hai đang cười… Họ là một cặp hơi lạ, bên cạnh vẻ thư sinh của T là một N đậm người, da ngăm đen, bên cạnh vẻ điềm đạm của T là một N thường hay đùa vui… Sau khi T đi ít lâu, N cũng vào chiến trường và mất trước ngày đình chiến chỉ vài tuần... N là con trai một, là con liệt sĩ, anh ấy ở trong diện ưu tiên… không hiểu sao. Ông im lặng khá lâu, rồi đột ngột nói thêm, tôi nghe nói, trong nhật ký của mình, N đã viết, chiến tranh là độc ác, bất luận người ta nhân danh điều gì… Ừm, người ta không tranh cãi với một người đã mất cô ạ… Tôi cám ơn cô Vân. Nhờ cô mà tôi nhớ lại nhiều điều tưởng đã quên bẵng đi sau bấy nhiêu năm tháng… Nói sống lại thì hơi văn vẻ nhưng quả vậy cô ạ… À, có thể bức ảnh chụp trước ngày chúng tôi tốt nghiệp…
Quen với lối nói đứt quãng, vừa nghĩ vừa nói của ông, bà giữ máy chờ đợi nhưng sau một tiếng ho khan, tất cả lặng tắt.
Bà mở bức ảnh.
Theo chỉ dẫn của H, bà tìm T và N.
Quả như lời H, có một chàng trai ngồi giữa hàng thứ hai đang đặt hai tay lên vai người ngồi ngay trước anh ở hàng đầu tiên. Có lẽ họ đang cười như ông H nhìn thấy. Có lý nào những chàng trai tốt nghiệp đại học ở tuổi đôi mươi lại không cười trong một bức ảnh lưu niệm.
Nhưng bà không nhìn thấy nụ cười ấy.
Bà không sao nhìn rõ khuôn mặt T.
Nó không chỉ mờ nhòe bởi bức ảnh quá cũ, quá nhỏ.
Ý nghĩ đó đau đớn như một nhát cắt bất ngờ trong tâm khảm.
Ta đã không kịp biết chút gì về anh. Quê quán, gia đình, bè bạn, sở thích… Anh đã mang theo tất cả, ở tuổi hai mươi hai, mang theo cả N, người bạn của anh, người mà giờ đây bà tin chắc chính là người đã chuyển cuốn Núi đồi và thảo nguyên cho bà, trong buổi sáng tiễn đưa T.
Anh đã mang theo cả hình ảnh của chính anh.
***
After Life - Thế giới bên kia.
Phim của Hirokazu Koreeda, đạo diễn nổi tiếng người Nhật.
Trong bảy ngày đầu sau khi mất, dưới sự hướng dẫn của các cố vấn, mỗi người được lựa chọn cho mình một ký ức đẹp đẽ nhất, sâu sắc nhất. Ký ức đó sẽ vĩnh viễn thuộc về họ.
Trong ngôi nhà lớn, nhiều phòng, nằm giữa khu vườn rộng, họ cùng nhau lựa tìm những ký ức sẽ mang theo.
Nhiều người lập tức tìm ra kỷ niệm đáng nhớ của mình.
Cô bé xinh xắn có giọng nói ngọt ngào nhớ lại buổi dã ngoại trên núi Thủy sinh cao vọi, chàng phi công không thể quên thời khắc máy bay của anh xuyên qua đám mây mềm xốp tựa chiếc kẹo bông trong hội chợ hay cậu trai trẻ nọ nhớ những buổi sáng đi tàu điện đến trường, đưa mặt đón ngọn gió mát qua ô cửa, một chàng trai khác nhớ về cô gái có chiếc chuông nhỏ kêu rinh rinh, một bà cụ nhớ giây phút kinh hoàng của trận động đất, tất cả nằm rạp xuống bên vệ đường, bà cụ tóc ngắn vừa cười vừa nhắc lại hình ảnh cô gái mặc váy đỏ, đi giày đỏ trong điệu nhảy “Đôi giày đỏ” theo nhịp điệu bài hát “Tôi muốn một con voi lớn”, một ông cụ trầm ngâm nhớ ánh trăng màu xanh chiếu vào mắt khi đang định tự tử, cô gái làng chơi nhớ đến ao sen bên đường trong ngày lễ Thành nhân và người đàn ông không bao giờ nói anh yêu em, một cụ ông ghi dấu hình ảnh người phụ nữ bưng bát cháo nóng, thổi từng thìa một, bón cho ông khi ông đau yếu…
Có những người lưỡng lự khá lâu, như chàng trai tóc dài, ăn mặc như gã giang hồ chính hiệu. Thoạt tiên, chàng tuyên bố mình không muốn lưu giữ ký ức nào, sau đó lại muốn lưu giữ giấc mơ với biển đầy màu sắc, con tàu đang chạy và cảm giác như có ai đang đuổi theo mình, cô gái bé nhỏ xinh xắn vài lần thay đổi ký ức rồi sau cùng muốn lưu giữ giây phút tựa vào chân người mẹ khi bà lau tai cho cô…
Trường hợp khó khăn nhất là của một cụ ông mặc áo vét, đeo kính, chòm râu cắt tỉa cẩn thận. Cụ liên tục đưa tay xoa lên vầng trán của mình, day dứt vì không sao nhớ lại những kỷ niệm. Cuối cùng, các cố vấn phải tìm 71 video ghi lại cuộc đời cụ, mỗi năm một tập. Sau vài ngày liên tục ngồi trước màn hình, cụ dừng lại ở hình ảnh người vợ trẻ trung, xinh đẹp, nhẹ nhàng mang khay trà đến cho mình khi ông đang ngồi làm việc… Rồi, bất ngờ, ông nhận ra chàng thanh niên đẹp trai đang giúp mình tìm ký ức chính là vị hôn phu của vợ ông. Họ đã đính hôn trước ngày chàng trai ra trận. Anh mất năm hai mươi hai tuổi.
Hai mươi hai tuổi, T đang ngồi bên kia bếp lửa, đối diện với người thiếu nữ anh yêu, trong ngôi nhà sàn giữa vùng núi HB. Và, K đang hát, tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi/mây mờ giăng xuống núi đồi/và trong lòng mưa hơn ở ngoài trời…
Bình luận (0)