Đem thắc mắc này hỏi ChatGPT (OpenAI) thì được trả lời: "Không có mức thu nhập chung cho mọi người sống ở TP.HCM hoặc bất kỳ địa điểm nào. Mức thu nhập tối thiểu để sống phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí sống (tiền nhà, điện nước, thức ăn, giáo dục, giải trí…) cũng như nhu cầu và mục đích sử dụng tiền…".
Thông tin mà ChatGPT cung cấp có vẻ phù hợp với lý thuyết. Còn báo cáo của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) hồi tháng 10.2022 cũng đã đề cập đến mức lương/tháng mà doanh nghiệp muốn tuyển dụng và mức lương mà người lao động (NLĐ) tìm việc.
Theo đó, nhu cầu nhân lực theo mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng chiếm 6,8% tổng nhu cầu; từ 5 - 10 triệu đồng chiếm 44,33%; từ trên 10 - 15 triệu đồng chiếm 28,10%; từ trên 15 - 20 triệu đồng chiếm 8,11% ở các vị trí có trình độ chuyên môn, tay nghề cao như trưởng nhóm, bộ phận; từ trên 20 triệu đồng chiếm 12,6% cho vị trí giám đốc, trưởng phòng.
Trong khi đó, rất ít NLĐ có nhu cầu tìm việc mức 5 triệu đồng/tháng (chiếm 0,68%); mức từ 5 - 10 triệu đồng chiếm 13,14%; trên 10 - 15 triệu đồng chiếm 26,96%; trên 15 - 20 triệu đồng chiếm 18,19% và từ 20 triệu đồng trở lên chiếm tới 41,03% ở các vị trí như nhân viên kinh doanh, quản lý nhà hàng, nhân viên hành chính nhân sự.
Nhiều trung tâm giới thiệu việc làm chia sẻ với người viết rằng công việc có nhiều, song NLĐ còn ngại. NLĐ tính toán và rất cặn kẽ về khoản thu nhập với nhu cầu của mình, cho dù họ ý thức được mức lương đi kèm với kinh nghiệm, trình độ, năng lực công việc và mức lương trung bình của ngành nghề.
Đây là một thực tế mà các bên liên quan, đặc biệt là cơ quan quản lý cần lưu tâm đến và cập nhật thường xuyên. Để thông qua việc xác định lại mức lương cơ bản, thị trường lao động và các yêu cầu của ngành nghề, các bên có thể có những biện pháp triệt để nhằm cải thiện mức lương cho NLĐ nhưng vẫn hài hòa được lợi ích của doanh nghiệp.
Bình luận (0)