Sáng 29.7, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM phối hợp cùng Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM tổ chức hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến BHXH.
Đại diện doanh nghiệp thắc mắc về mức lương tối thiểu trả cho người lao động |
Xuân Khánh |
Chủ đề mức lương tối thiểu vùng mới được áp dụng, mức trả cao hơn 7% lương tối thiểu vùng cho người lao động đã qua đào tạo... được các doanh nghiệp quan tâm thảo luận.
Đại diện Công ty CP Đất Xanh Capital (P.25, Q.Bình Thạnh) đặt câu hỏi: “Nghị định số 38/2022 của Chính phủ quy định về lương tối thiểu không đề cập doanh nghiệp trả mức cao hơn 7% đối với lao động đã qua đào tạo, vậy mức tối thiểu tham gia BHXH đối tượng người lao động đã qua đào tạo vẫn là mức lương tối thiểu vùng từ 1.7.2022, đúng không?”.
Công ty TNHH Mol Logistics Transportation Việt Nam viện dẫn các quy định và hướng dẫn liên quan đến mức lương tối thiểu của người lao động từ thời điểm 1.7.2022 tại Nghị định số 38/2022, đơn vị hiểu là trường hợp giữa doanh nghiệp và người lao động không tồn tại bất kỳ thỏa thuận như hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể về việc tiền lương của người lao động đã qua đào tạo phải cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng, thì doanh nghiệp không cần thực hiện việc điều chỉnh tiền lương cho người lao động nếu tiền lương tại hợp đồng lao động hiện tại đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng (không cần trả cao hơn 7%) từ 1.7.2022. “Công ty tôi hiểu như vậy, đúng không?”, đại diện công ty này thắc mắc.
Phó giám đốc BHXH TP.HCM Nguyễn Quốc Thanh giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp |
Xuân Khánh |
Trả lời câu hỏi này, Phó giám đốc BHXH TP.HCM Nguyễn Quốc Thanh, cho hay, theo Nghị định 90/2019 của Chính phủ, công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề (tức là có bằng nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học...) thì được trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đã quy định.
Với Nghị định 38/2022 có hiệu lực từ ngày 1.7.2022, nội dụng trên không quy định. Tuy nhiên, nghị định này nêu rõ mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương cho người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng.
Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp khi trả lương phải đảm bảo mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
Trước đó, Thanh Niên đã thông tin về vấn đề này. Cụ thể, ngày 17.6, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ LĐ-TB-XH ban hành công văn triển khai thực hiện Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, từ ngày 1.7.2022, chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu sẽ tiếp tục thực hiện.
Du lịch ngừng trệ, nợ BHXH, sao vẫn phải tính lãi?
Cũng tại hội nghị nêu trên, Công ty TNHH du lịch và tư vấn Hương Băng thắc mắc, từ năm 2019 khi có dịch Covid-19, doanh nghiệp ngành du lịch đình trệ 100%. Tới nay các tổng lãnh sự cũng chưa cấp visa du lịch nên du lịch outbound (khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch) vẫn chưa hoạt động. Tại sao ngành bảo hiểm biết rất rõ từ năm 2019, du lịch outbound và inbound làm không được mà việc doanh nghiệp thiếu tiền BHXH thì BHXH TP.HCM vẫn tính lãi lũy tiến?
Doanh nghiệp đề nghị BHXH chỉ tính tiền bảo hiểm ví dụ lương 4 triệu đồng, tính bảo hiểm 30% là 1,2 triệu đồng và không tính lãi trên phần thiếu BHXH của các doanh nghiệp cho đến khi các nước cấp visa và hoạt động inbound, outbound trở lại bình thường.
Lãnh đạo BHXH TP.HCM ghi nhận sự khó khăn của doanh nghiệp trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, BHXH TP sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp tất cả các vấn đề trong khả năng cho phép theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, quy định về lãi chậm đóng được Chính phủ ban hành tại khoản 3 điều 122 luật Bảo hiểm xã hội, BHXH TP.HCM là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHXH nên không có thẩm quyền không tính lãi chậm đóng BHXH cho doanh nghiệp. Từ năm 2020 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 như Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Bình luận (0)