Theo sử sách ghi chép lại, đình Cổ Dũng tọa lạc ở trung tâm làng Cổ Dũng (xã Đông La, H.Đông Hưng, Thái Bình), là nơi lưu thờ nhị vị Thánh Vương Ả Nữ Ngọc Hoàng và Chàng Kha Đại Đế đã có công phò vua Hùng Vương thứ 18 an dân hộ quốc.
Sử sách cũng ghi, 2 vị thánh là hai chị em, cùng đi đánh giặc thời Hùng Vương. Cổ Đao Trang (tức thôn Cổ Dũng ngày nay) là nơi 2 vị đã về đóng quân cùng nhân dân địa phương chống giặc. Người em trai lo tuyển mộ quân binh, rèn quân đánh giặc, còn người chị lo cơ sở lương thực, chăm sóc nhân dân sản xuất, xây dựng căn cứ về mọi mặt.
Do thế giặc mạnh, căn cứ chống giặc của chị em bị phá vỡ, cả hai đã hy sinh anh dũng trên chính mảnh đất này. Người chị mất ngày 8.8, người em mất ngày 11.11, không rõ năm nào.
Kể từ đó, 2 ngày này trở thành 2 ngày lễ hội làng hằng năm của nhân dân địa phương.
Đình Cổ Dũng là di tích kiến trúc tôn giáo, thờ thành hoàng làng. Ngôi đình là một công trình kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn to đẹp chạm trổ tinh vi. Mỗi bức chạm là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị cả về tài năng của người thợ, về nghệ thuật tư tưởng thời đại và tôn giáo.
Trước cửa đình là chiếc sân rộng lát gạch Bát Tràng cổ, diện tích 250 m2, ngoài cùng là hệ thống tường hoa, trụ kiểu (nhưng hiện nay đã không còn). Xung quanh đình được trồng cây xanh tạo nên cảnh quan trù phú.
Ngôi đình cổ này được xây dựng theo kiến trúc triều Nguyễn, kiểu chữ đinh, có 8 gian, diện tích 170 m2 ; tòa đại bái có 5 gian, tòa hậu cung có 3 gian.
Tòa đại bái 5 gian sừng sững. Từ ngoài nhìn vào, phía trước là hệ thống cột đá vuông, mỗi cột là 1 dòng câu đối chữ nam khắc nổi, hệ thống ngưỡng ngạch đều bằng đá chạm khắc tinh vi khá công phu.
Trong 5 gian đình có 1 gian đầu xây trổ ô rỗng và 1 gian đầu kín xây cửa giả, trước đây là xây hình chữ thọ rỗng, 3 gian giữa, mỗi gian còn 2 bộ cửa ô cài rất nghiêm chỉnh.
Phía trước 5 gian đình có 6 chiếc bảng hiên, mỗi chiếc dài 1 m; 2 phía đều chạm khắc nổi, vô cùng sinh động, xen vào là những đôi thỏ, đôi chó con đang đuổi bắt nhau phản ánh sinh hoạt dân dã của thời xưa.
Kết cấu hệ thống cột kèo được làm bằng gỗ lim, tường xây gạch nung. Phần mái thiết kế tiền kẻ, hậu bảy, chạm trổ tứ linh (là 4 linh vật: long, lân, quy, phụng), tứ quý (gồm: mai - mùa xuân, trúc - mùa hạ, cúc - mùa thu và tùng - mùa đông)...
Mái đình được lợp ngói cổ ngay hàng thẳng lối. Hai bên đầu nóc mái đình được đắp nối bằng 2 con cá hóa long, đuôi được cách điệu thành hình vòng cung khép kín đặt nhẹ nhàng vào đầu con cá chép hóa long dữ tợn, miệng như muốn cắn chặt lấy đại bờ và nuốt chửng vào bụng.
Trong đình có những mảng chạm trổ ở tất cả các gian, nhưng tập trung ở các mảng lớn và đẹp nhất là ở gian giữa.
Đây cũng là những tác phẩm đặc sắc mà 2 hiệp thợ thi tài tranh giải. 4 mảng chạm đều chung một đề tài là long cuốn thủy (trong mảng chạm bố cục gồm: long ly quy phượng, chim chóc hoa lá…).
Để tưởng nhớ đến công lao của nhị vị thánh vương, hằng năm, từ ngày 10 - 12.3 âm lịch, nhân dân xã Đông La long trọng tổ chức lễ hội truyền thống với màn rước kiệu truyền thống từ đền về đình; lễ tế nam quan, nữ quan.
Tại phần hội được tổ chức nhiều trò chơi như: chọi gà, thi đấu cờ tướng, thi kéo co, đi cầu kiều, bắt vịt, múa tứ linh, giao lưu văn nghệ…
Lễ hội đã góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa, đồng thời tiếp tục củng cố và phát huy nền tảng đạo đức, tinh thần, tạo niềm tin để xây dựng mối đoàn kết của người dân địa phương.
Cạnh đó, lễ hội mang ý nghĩa giáo dục lịch sử, văn hóa và đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh lành mạnh của nhân dân.
Từ khi đình Cổ Dũng được xây dựng đến nay đã trải qua 4 lần trùng tu vào các năm: 1938, 1989, 2005 và 2008.
Ngày 14.11.1989, đình Cổ Dũng được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Bình luận (0)