Ngăn chặn trâu bò thẩm lậu vào Việt Nam

Chí Nhân
Chí Nhân
10/12/2022 06:15 GMT+7

Tình trạng buôn lậu trâu bò qua biên giới vào Việt Nam, nghi vấn sử dụng chất tạo nạc, thời gian gần đây lại rộ lên.

“Bỏ túi” 3 - 5 triệu đồng mỗi con

Đưa trâu bò từ Campuchia, Lào qua biên giới về Việt Nam vỗ béo rồi tiêu thụ không phải là chuyện mới mà đã tồn tại nhiều năm nay. Tùy nhu cầu thị trường và sự quyết liệt của các cơ quan chức năng địa phương mà mỗi thời điểm mức độ tình trạng này khác nhau.

Theo các chuyên gia, tình trạng này tồn tại có nguyên nhân khách quan là Việt Nam có đường biên giới dài kéo theo nạn buôn lậu trâu bò diễn ra từ các tỉnh phía bắc đến khu vực biên giới Tây nam. Ở khu vực phía nam, do gần thị trường tiêu thụ lớn là TP.HCM nên trước đây nạn buôn lậu bò qua cửa ngõ An Giang, Tây Ninh đưa về các tỉnh miền Đông Nam bộ vỗ béo rồi tiêu thụ rất phổ biến. Ở các tỉnh phía bắc và miền Trung - Tây nguyên, do địa hình đồi núi nên việc đưa trâu bò qua biên giới càng thuận lợi hơn. Tình trạng này tồn tại trong nhiều năm qua do lợi nhuận cao. Một con bò đưa về Việt Nam vỗ béo và tiêu thụ thuận lợi có thể lãi từ 3 - 5 triệu đồng tùy thời điểm.

Tình trạng trâu bò nhập lậu kéo dài nhiều năm qua, mùa giáp tết lại rộ lên

minh hải

Để kiểm soát tình trạng này, tháng 5.2021, Thủ tướng đã gửi Công điện số 631/CĐ-TTg tới các cơ quan và địa phương yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn, lĩnh vực đơn vị mình phụ trách, quản lý. Tăng cường công tác nắm tình hình; phối hợp tổ chức triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi tập kết buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu bò, sản phẩm từ trâu bò từ nước ngoài qua biên giới, cửa khẩu vào Việt Nam.

Tiếp đó, đến tháng 6 cùng năm, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng có công văn về việc kiểm soát, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu bò, sản phẩm từ trâu bò từ nước ngoài vào Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của trung ương, chính quyền các địa phương đã vào cuộc triển khai các kế hoạch ngăn chặn trâu bò nhập lậu.

Tuy nhiên, gần đây nạn buôn lậu trâu bò qua biên giới lại rộ lên ở một số địa phương. Bộ NN-PTNT dẫn báo cáo của các cơ quan chuyên môn về thú y và phản ánh của các cơ quan truyền thông cho thấy thời gian qua hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép trâu bò qua biên giới khu vực miền Trung và miền Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, đặc biệt là biên giới với Lào, Campuchia. Tình trạng này làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật như lở mồm long móng, viêm da nổi cục… không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân.

Nghi vấn vỗ béo bằng chất cấm

Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn, cho biết: Hiện nay nguồn cung thịt bò trong nước mới chỉ đáp ứng được 40 - 45% nhu cầu tiêu thụ, còn tới 55 - 60% phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Chính vì vậy, phát triển chăn nuôi gia súc nhai lại, đặc biệt là chăn nuôi bò, ở nước ta đang được nhà nước ưu tiên, khuyến khích đầu tư phát triển. Tuy nhiên, khoảng trống thị trường này chính là nguyên nhân phát sinh việc thẩm lậu trâu bò sống chưa có kiểm soát và kiểm dịch vào thị trường nội địa, sẽ làm nảy sinh hai vấn đề.

Chất cấm trong chăn nuôi

Salbutamol là thuốc dùng cho người, được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh hen suyễn. Việc sử dụng Salbutamol bổ sung trong thức ăn gia súc để làm tăng tỷ lệ thịt nạc, giảm mỡ, làm thịt nạc có màu đỏ. Khoảng 10 năm trước, ngành chăn nuôi heo đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng do tình trạng sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi.

Từ lâu Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc cũng đã cấm sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi. Tại Việt Nam, tháng 11.2015, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã chính thức tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol. Tác động của Salbutamol lên vật nuôi và người sử dụng sản phẩm có tồn dư Salbutamol là gây nguy cơ rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, co thắt phế quản, phù nề, run cơ, liệt cơ, choáng váng... Salbutamol còn có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường.

Thứ nhất trâu bò này khi được đưa vào giết thịt cung cấp ra thị trường thì chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm sẽ là dấu hỏi lớn. Thêm vào đó, có nghi vấn về việc bò nhập lậu được vỗ béo bằng chất tạo nạc Salbutamol và các chất cấm khác. Vì thế, các ngành chức năng cần phải vào cuộc làm rõ. Thứ hai, chính số trâu bò nhập khẩu không kiểm soát này là nguyên nhân lây lan rất nhiều bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi trong nước, thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi và công tác phòng chống dịch bệnh. Việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường tiêu thụ và người chăn nuôi trong nước, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của ngành chăn nuôi bò của Việt Nam.

Ông Giao kiến nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ NN-PTNT, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng đàn vật nuôi nhập từ nước ngoài vào không được kiểm tra, kiểm dịch, tiêu trùng, khử độc mà vẫn có giấy kiểm dịch. Đồng thời kiểm tra trên toàn quốc về nghi vấn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trước khi giết mổ như cho ăn Salbutamol hoặc các chất cấm khác. Đề nghị xử lý nghiêm các cơ sở và cá nhân vi phạm luật Chăn nuôi, luật Thú y cũng như các quy định của pháp luật để bảo vệ sức khỏe người dân cũng như bảo vệ thịt bò sạch của người chăn nuôi nội địa.

Trước tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng thuộc bộ và các địa phương đề nghị cần bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép trâu bò vào Việt Nam tại các đường mòn, lối mở…, đặc biệt tại các vùng biên giới với Lào, Campuchia. Đề nghị các cơ quan chức năng của địa phương thành lập các chuyên án, điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò, sản phẩm từ trâu bò vào Việt Nam.

Theo đó, trong trường hợp bắt được các lô hàng trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy theo quy định. Bộ cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y trung ương đóng tại địa phương và cơ quan thú y địa phương. Cần chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép trâu, bò vào Việt Nam.

Ông Tiến cũng chỉ đạo Cục Thú y thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra tình trạng buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò và tổ chức, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về thú y triển khai giám sát dịch bệnh động vật, sử dụng chất cấm trên trâu, bò nhập khẩu và nghi nhập lậu vào Việt Nam. Trong đó chú trọng kiểm tra lâm sàng, tổ chức lấy mẫu nước tiểu để kiểm tra nhanh việc sử dụng chất cấm đối với trâu, bò nhập khẩu. Trường hợp kiểm tra nhanh mẫu nước tiểu cho kết quả nghi ngờ hoặc dương tính, phải dừng ngay việc giết mổ và gửi mẫu đến phòng thử nghiệm để xét nghiệm khẳng định, làm căn cứ xử lý theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.