Ngân hàng chạy đua phát hành trái phiếu

Thanh Xuân
Thanh Xuân
27/07/2019 14:48 GMT+7

Các ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn.

Huy động hàng ngàn tỉ đồng

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa phát hành thành công 3.100 tỉ đồng trái phiếu dài hạn kỳ hạn 10 năm theo hình thức phát hành riêng lẻ, lãi suất cố định 7,35%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm.
Theo LienVietPostBank, lượng vốn huy động lần này nhằm tăng vốn hoạt động, cải thiện cơ cấu huy động vốn huy động với chi phí rẻ hơn so với phương thức huy động tiền gửi thông thường, từ đó nâng cao chất lượng các hệ số bảo đảm an toàn, đặc biệt là tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình điều chỉnh giảm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. LienVietPostBank vừa công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 1.116 tỉ đồng, bằng 181% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 59% mục tiêu kế hoạch năm 2019. Ngân hàng đã thực hiện thay đổi cơ cấu nguồn thu, thu nhập lãi thuần tăng mạnh, bằng 128% so với cùng kỳ năm trước nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu ra - đầu vào; thu nhập từ dịch vụ, ngoại hối cao hơn 2,5 lần so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng vừa công bố việc phát hành 5.000 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ năm 2019. Theo kế hoạch, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) sẽ phát hành 10.000 tỉ đồng trái phiếu trong năm 2019. Gần đây, nhà băng này đã thực hiện phát hành 50 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất 8,2%/năm. Trước đó, một số ngân hàng đã thực hiện phát hành trái phiếu theo từng đợt, huy động cả hàng ngàn tỉ đồng trên thị trường, chẳng hạn như ACB, HDBank… Một số ngân hàng còn tìm cách huy động vốn nước ngoài qua kênh trái phiếu. Đó là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã huy động thành công 300 triệu USD trên thị trường quốc tế qua việc phát hành trái phiếu. Đây là đợt phát hành trái phiếu đầu tiên của nhà băng này trong kế hoạch huy động vốn qua kênh trái phiếu quốc tế 1 tỉ USD trong năm 2019.

Ngân hàng tăng vốn cho vay và đáp ứng các tỷ lệ

Theo phân tích của Công ty chứng khoán MB trong 6 tháng đầu năm, các nhà băng đã huy động khoảng 18.200 tỉ đồng qua kênh trái phiếu, ở các kỳ hạn từ 3 - 5 năm
Báo cáo tài chính của Vietinbank cho thấy, tính đến hết quý 1/2019, nợ phải trả liên quan đến trái phiếu của nhà băng này lên đến 32.165 tỉ đồng. Sở dĩ ngân hàng này tăng cường phát hành trái phiếu là để tăng vốn cấp 2 trong bối cảnh vốn điều lệ chưa thể tăng được.
Kết quả khảo sát tình hình hoạt động của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cũng cho thấy, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của bốn ngân hàng thương mại Nhà nước theo chuẩn mực vốn Basel I ở mức 9,4% đã sát mức tối thiểu theo quy định, thấp hơn so với mức bình quân chung của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước (13%). Nếu các ngân hàng không tăng được vốn điều lệ thì có thể ảnh hưởng đến sự an toàn hoạt động, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Từ năm 2014 đến nay, Vietinbank không được bổ sung vốn điều lệ nên tốc độ tăng trưởng của nhà băng này trong năm 2018 chỉ đạt được 6% (mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của Vietinbank) và dư nợ tín dụng cho vay của ngân hàng này qua năm 2019 giảm so với trước.
Do những ngân hàng này chưa được phép tăng vốn điều lệ nên việc phát hành trái phiếu nhằm tăng vốn cấp 2 để có dư địa tăng trưởng tín dụng, đáp ứng Basel II cũng như đáp ứng giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.