Quy định này sẽ hỗ trợ ngăn chặn tiền lừa đảo chuyển qua tài khoản các nhà băng mà lâu nay bị "bó tay".
Chặn tài khoản lừa đảo, không chính chủ
Anh T.H (ngụ Q.4, TP.HCM) kể, tối 6.7 sau khi người thân chuyển 10 triệu đồng qua ứng dụng ngân hàng (NH) thì phát hiện bị lừa đảo, gia đình đã nhanh chóng gọi điện cho NH với kỳ vọng ngăn chặn được dòng tiền chuyển ra khỏi tài khoản người nhận nhưng đành bất lực. Anh T.H cho biết theo thông tin anh nhận được thì những kẻ lừa đảo thực hiện chuyển tiền đi ngay qua các tài khoản NH khác, những lệnh chuyển tiền này tính theo đơn vị giây. Chính vì vậy, không có thời gian để ngăn chặn được lừa đảo.
"Tại sao NH không thực hiện phong tỏa tài khoản tạm thời ngay khi khách hàng tố cáo lừa đảo xảy ra đối với tài khoản nhận tiền. Đó là chưa kể tài khoản chuyển từ NH A qua NH B, nhưng khách hàng tố giác tội phạm lừa đảo thì chỉ được thực hiện tại NH A mà tại sao không cho báo thẳng qua NH B để rút ngắn thời gian chuyển tiền của kẻ gian", anh T.H bức xúc.
Ngoài ra, hiện tượng chuyển nhầm tiền hiện nay cũng khá phổ biến, nhưng rất gian nan khi đi đòi tiền mà người nhận tiền không chịu trả. Bà B.H (ở Lâm Đồng) kể mới đây chuyển nhầm 10 triệu đồng vào tài khoản của một người đàn ông tên Lâm. Sau khi 2 NH hỗ trợ liên lạc được thì người này nói thẳng sẽ không chuyển trả. Bà Liên bức xúc nộp đơn lên cơ quan công an để đòi lại tiền. Sau hơn 1 tháng trôi qua, sự việc vẫn trong trạng thái đang giải quyết.
Chuyên gia Huỳnh Trung Minh cho hay những quy định vừa mới triển khai sẽ phần nào hạn chế lừa đảo trong thời gian tới. Theo ông Minh, Nghị định 52 vừa ban hành có hiệu lực từ ngày 1.7 đưa ra 4 trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán, trong đó có những quy định nhằm giảm thiểu rủi ro về nhầm lẫn và lừa đảo trong giao dịch tài chính.
Cụ thể, trường hợp theo thỏa thuận giữa chủ tài khoản và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản. Điều này cho phép chủ tài khoản tự yêu cầu phong tỏa tài khoản để ngăn chặn các giao dịch không mong muốn hoặc khi họ nhận thấy có dấu hiệu bất thường. Trường hợp thứ hai là khi có quyết định hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, giúp bảo vệ tài khoản của khách hàng khỏi các hoạt động phạm pháp hoặc tranh chấp pháp lý. Trường hợp thứ ba, khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn hoặc sai sót trong giao dịch. Điều này cho phép NH phong tỏa số tiền bị nhầm lẫn hoặc sai sót, ngăn chặn việc sử dụng số tiền này trước khi vấn đề được giải quyết. Trường hợp cuối cùng, khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung, giúp bảo vệ quyền lợi của các bên trong tài khoản chung.
Theo ông Minh, các quy định trên có khả năng giúp ngăn chặn việc chuyển nhầm hoặc lừa đảo bằng cách cho phép phong tỏa ngay khi phát hiện có nhầm lẫn hoặc sai sót trong giao dịch.
Ngoài ra, Thông tư 17/2024 quy định NH được phong tỏa tài khoản thanh toán trong trường hợp phát hiện có sai lệch hoặc có dấu hiệu bất thường trong quá trình mở và và sử dụng tài khoản; trường hợp có cơ sở nghi ngờ tài khoản thanh toán của khách hàng gian lận, vi phạm pháp luật. NH thực hiện đóng tài khoản trong trường hợp phát hiện khách hàng sử dụng giấy tờ giả, mạo danh để mở hoặc sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích lừa đảo, gian lận hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác…
Cần thêm các biện pháp khác chặn lừa đảo
TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận xét: Trước đây, các NH không được phép tự ý phong tỏa tài khoản của khách hàng mà phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền như công an, tòa án… Vì thế, có những vụ việc được xác định là gian lận, lừa đảo rõ ràng, thế nhưng cả NH và khách hàng không thể xử lý được mà phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc.
Theo TS Chí, việc cho phép NH thực hiện phong tỏa tài khoản của khách hàng trong thời gian tới có thể giải quyết được tình trạng chuyển nhầm tiền cũng như hỗ trợ xử lý gian lận, lừa đảo.
Dù vậy, ông Lê Đạt Chí cho rằng các quy định chỉ tạo thêm công cụ để NH xử lý khi phát hiện lừa đảo chứ với thủ đoạn tinh vi như vừa qua thì sẽ khó ngăn chặn hay lấy lại được tiền ngay. Bởi thông qua các thủ đoạn lừa đảo, tội phạm sẽ yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào những tài khoản do chúng kiểm soát. Khi tiền vào tài khoản thì sẽ được chuyển đi ngay qua rất nhiều tài khoản ở các NH khác nhau, các tỉnh thành khác nhau với tốc độ "tên lửa". Do đó, dù NH được phép phong tỏa tài khoản thì cũng khó truy vết nhanh để có thể lấy lại được tiền ngay. "Khách hàng khi sử dụng dịch vụ NH cũng cần ý thức phòng tránh rủi ro, đảm bảo cho tài khoản an toàn vẫn là biện pháp chính", ông Chí khuyến cáo.
Theo ông Huỳnh Trung Minh, ngoài quy định trên cần kết hợp các biện pháp bảo mật khác, như xác thực đa yếu tố, giám sát giao dịch nghi ngờ, nâng cao nhận thức của người dùng về các hình thức lừa đảo phổ biến. Trong đó, các biện pháp giám sát giao dịch đáng ngờ sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc ngăn chặn lừa đảo. Chẳng hạn, tài khoản khách hàng đột nhiên nhận hoặc chuyển hàng loạt số tiền bất thường, NH có thể thông qua hệ thống giám sát nhắn tin thông báo cho chủ tài khoản để được xác nhận chính chủ.
Ngoài ra, đối với một số tài khoản vào danh sách nghi ngờ lừa đảo thì với những quy định mới ban hành, các NH có thể thực hiện phong tỏa. Tuy nhiên, những quy định này cũng sẽ vấp phải sự phản đối từ khách hàng trong trường hợp không phải lừa đảo nhưng làm cho giao dịch chậm đi.
Mặc dù Nghị định 52/2024 quy định tài khoản NH có thể bị phong tỏa trong các trường hợp nhưng NH không áp dụng biện pháp phong tỏa để xử lý trong trường hợp khách hàng chuyển nhầm tiền. Vì thế, người chuyển khoản cần liên hệ ngay với NH của mình để báo cáo về giao dịch chuyển khoản nhầm. NH sẽ tiến hành xác minh và liên hệ với NH của người nhận để hỗ trợ, đồng thời báo công an phường nơi người đó cư trú để được hỗ trợ.
Ông Nguyễn Đức Lệnh (Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM)
Bình luận (0)