Ngày 23.12, tại TP.HCM, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo về một số quy định về lãi suất và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 (có hiệu lực từ 1.1.2017) với sự tham gia của các chuyên gia từ văn phòng Quốc hội, giảng viên trường luật, luật sư, đại diện các ngân hàng tại TP.HCM...
Về xử lý tài sản bảo đảm, theo PGS-TS Đỗ Văn Đại (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM), BLDS 2005 không có một quy định chung nào nhưng Nghị định 163/2006/NĐ-CP có quy định: “Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm”.
Theo ông Đại, quy định tại Nghị định 163 đã gây ra nhiều cách hiểu khác nhau và gặp khó khăn trong thi hành, vì vậy BLDS 2015 đã tháo gỡ với nguyên tắc: “Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý... Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu tòa án giải quyết”. Ông Đại cũng phân tích: “BLDS 2015 sử dụng cụm từ giao tài sản bảo đảm để xử lý thay vì cụm từ thu giữ tài sản bảo đảm để khẳng định bên nhận bảo đảm không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý như quy định tại Nghị định 163”.
Ngoài ra, tại hội thảo, các chuyên gia cũng tranh luận đa chiều về lãi suất và lãi suất quá hạn. Cụ thể, quy định về lãi suất của hợp đồng vay tiền giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, BLDS 2015 quy định mức trần lãi suất cho vay cụ thể do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm và không sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố làm lãi suất tham chiếu như BLDS 2005 (là 9%). Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng cách tính lãi suất này dường như là "quà tặng" của các nhà làm luật dành cho giới ngân hàng. Ngoài ra, về lãi suất phạt quá hạn quy định trong BLDS 2015, ông Bùi Quang Tín (giảng viên Trường ĐH Ngân hàng) nêu, cách tính “khách hàng chưa trả được số tiền lãi trên nợ gốc thì họ phải thanh toán thêm khoản lãi theo lãi suất bằng 50% lãi suất thỏa thuận của hai bên cho phần tiền lãi chưa thanh toán; lãi trên nợ gốc quá hạn phải trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng...” là cách tính nghiêng về tổ chức tín dụng và đang đè gánh nặng cho khách hàng. Ông nói: “Nợ xấu ngân hàng đã không thu hồi được nhưng tính lãi đè lãi như thế này như đưa khách hàng vào đường cùng, không lối thoát”.
Thực tế, chưa đầy 1 tuần nữa bộ luật trên sẽ có hiệu lực thi hành và mục đích của hội thảo là Bộ Tư pháp sẽ đưa ra cái nhìn, cách hiểu tổng quát về những quy định liên quan. Tuy nhiên, sau khi nghe và thảo luận, đa số các chuyên gia tham dự đều nhận định họ càng cảm thấy hoang mang hơn về thực tiễn áp dụng BLDS 2015.
Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Hải cho biết những ý kiến của các đại biểu tham gia sẽ được ban tổ chức sử dụng trong quá trình góp ý sửa đổi luật chuyên ngành, Nghị định 163 sắp tới hoặc các văn bản luật hướng dẫn áp dụng quy định liên quan để giải quyết những vướng mắc mà bộ luật không và chưa xử lý được.
Bình luận (0)