Ngân hàng Nhà nước và Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu cải cách hành chính

Chí Hiếu
Chí Hiếu
25/06/2021 06:43 GMT+7

Một số nội dung của cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa đạt yêu cầu. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức còn chưa nghiêm.

Chiều 24.6, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2020 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020 của các bộ, ngành và các tỉnh, TP.
Về PAR Index, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính tiếp tục giữ nguyên vị trí lần lượt thứ nhất và thứ hai. Tiếp theo là Bộ Tư pháp. Ở chiều dưới lên, Bộ GD-ĐT thay Bộ GTVT để xếp cuối bảng trong số 17 bộ, cơ quan ngang bộ. Trên một chút là các bộ: Y tế, KH-CN, VH-TT-DL.
Trong số 63 tỉnh, thành, nhóm xếp hạng cao nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế. Đây là năm thứ tư liên tiếp Quảng Ninh dẫn đầu PAR Index. Nhóm cuối bảng là Quảng Ngãi, Phú Yên, Kiên Giang. Về chỉ số SIPAS năm 2020, tỉnh dẫn đầu cũng vẫn là Quảng Ninh. Hải Phòng xếp kế tiếp và sau đó có thêm Bắc Giang, Hải Dương. Nhóm tỉnh xếp cuối là Bình Thuận, Đắk Lắk, Cao Bằng, Quảng Bình.
PAR Index 2020 là kết quả điều tra xã hội học bằng cách phát 22.500 phiếu để cán bộ, công chức tự đánh giá và hơn 36.000 phiếu ghi ý kiến của người dân, doanh nghiệp, còn SIPAS được đo lường ở 16 lĩnh vực dịch vụ công cấp tỉnh, huyện, xã, như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, môi trường, lái xe, vận tải, xây dựng, chăn nuôi. Đáng chú ý, trong số hơn 35.000 người được khảo sát, có 5% phải đi lại nhiều lần để làm dịch vụ công.
Tình trạng này xảy ra tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. 1,23% người dân ở 57 tỉnh, thành cho biết bị phiền hà, sách nhiễu; 0,59% phải nộp thêm tiền “bôi trơn”; 4% bị trả kết quả trễ hẹn. Hơn 85% người được hỏi bày tỏ hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Người dân mong muốn nhất là tiếp tục đơn giản và rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính; tăng cường nhận hồ sơ và trả kết quả qua bưu chính công ích.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá trong năm qua, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường sự tham gia phản biện, đóng góp ý kiến của người dân, tổ chức trong quá trình xây dựng và tổ chức thực thi chính sách...
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là lãnh đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thể hiện vai trò, trách nhiệm đúng mức trong việc thúc đẩy cải cách; các nội dung công bố, công khai thủ tục hành chính và công khai kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn hạn chế; giải quyết hồ sơ chậm, muộn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn tồn tại, cần khắc phục. Một số nội dung của cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa đạt yêu cầu. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức còn chưa nghiêm.
Bên cạnh đó, triển khai xây dựng và duy trì cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin báo cáo còn chậm. Việc khai thác dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, dịch vụ bưu chính công ích kết quả, hiệu quả chưa cao. Tại địa phương, kết quả thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn ở mức khiêm tốn, tỷ lệ thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ trực tuyến mới đạt 34,2%. Tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến mức độ 3 và 4 chỉ đạt bình quân 23,03% so với tổng số hồ sơ đã được tiếp nhận (trực tiếp và trực tuyến) của các thủ tục hành chính thuộc phạm vi đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.