Tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức ở Quảng Ninh chưa giảm nhiều

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
19/03/2021 17:20 GMT+7

Hơn 20% trong tổng số 6.500 doanh nghiệp hoạt động tại Quảng Ninh vẫn phải trả chi phí không chính thức khi làm việc với các cơ quan chính quyền địa phương để được thuận lợi trong công việc.

Đây là con số được nêu ra trong báo cáo kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ninh (DDCI) năm 2020, được công bố sáng nay, 19.3.
Hội nghị công bố chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương của Quảng Ninh diễn ra thường niên, đây là năm thứ 6 tỉnh này tổ chức triển khai đánh giá DDCI.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận và kỷ niệm chương cho top 5 khối sở, ban, ngành và địa phương

Ảnh N.H

DDCI Quảng Ninh năm 2020 gồm 8 chỉ số thành phần: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở, ban, ngành và chính quyền địa phương; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành và chính quyền địa phương. Riêng khối địa phương đánh giá thêm chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.
Theo Ban Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh, trong năm 2020, khảo sát DDCI tiếp tục xây dựng các câu hỏi phục vụ khảo sát trách nhiệm xã hội, năng lực quản trị và năng lực quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp tỉnh.
Điểm mới năm DDCI 2020 của Quảng Ninh năm nay đó là bổ sung tiêu chí hiện tượng “đùn đẩy công việc giữa các sở, ban, ngành; đùn đẩy công việc lên cấp có thẩm quyền cao hơn” vào phần chi phí thời gian đối với khối sở, ban, ngành.
Kết quả DDCI Quảng Ninh 2020 được đo lường dựa trên tổng hợp ý kiến của khoảng 6.500 đơn vị, bao gồm các doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Đáng chú ý, trong số 6.500 doanh nghiệp được khảo sát thì có hơn 20% phản ánh vẫn phải trả chi phí không chính thức khi làm việc với các cơ quan chính quyền địa phương để công việc được thuận lợi (giảm 7% so với năm 2019); khoảng 14 % doanh nghiệp cho rằng chi phí này không giảm so với năm 2019.
Ông Nguyễn Đức Tiệp, Phó trưởng Ban Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh, cho biết thời gian tới địa phương này không bỏ tiêu chí khảo sát về chi phí không chính thức của doanh nghiệp.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát sâu về việc sở, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào? Điển hình như năm nay có thêm đánh giá hiện tượng đùn đẩy giữa các sở, ngành vào tiêu chí chi phí thời gian”, ông Tiệp nói.

Vân Đồn đứng bét bảng xếp hạng

Về kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành Quảng Ninh 2020 ghi nhận sự tiến bộ vươn lên của Ban Quản lý khu kinh tế và TP.Cẩm Phả. Đây là 2 đơn vị, địa phương dẫn dầu DDCI 2020 của tỉnh này.
Cụ thể, điểm trung vị của khối địa phương năm 2020 tăng nhẹ, từ mức 63,12 của năm 2019 lên 63,85 điểm. Sự cải thiện này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp cơ bản hài lòng hơn về hoạt động và điều hành kinh tế của khối chính quyền địa phương trong năm qua.
Tuy vậy, khoảng cách giữa địa phương đứng đầu và đứng cuối chênh lệch nhau khá nhiều: điểm số của đơn vị dẫn đầu ở mức 72,10 điểm, cao hơn tới 47,88 điểm so với đơn vị đứng cuối (24,22 điểm).
Năm 2020, TP.Cẩm Phả vươn lên vị trí thứ nhất với 72,10 điểm. Sau 1 năm rơi xuống vị trí số 7, Cẩm Phả quay trở lại vị trí dẫn đầu mà địa phương này đã từng đạt được 2 lần vào các năm 2017 và 2018.
Đứng ở vị trí thấp nhất của bảng xếp hạng DDCI Quảng Ninh 2020 tiếp tục là H.Vân Đồn với 24,22 điểm. Đây cũng là địa phương được đánh giá lần lượt là ở mức chưa tốt trong năm 2019.
Bảng xếp hạng DDCI Quảng Ninh 2020 khối sở, ban, ngành được thực hiện với 21 đơn vị tương tự như từ năm 2017 đến 2019.
Có 5 đơn vị thuộc nhóm rất tốt là: Ban Quản lý các khu kinh tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Cục Hải quan và Sở Du lịch.
Theo ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Thông qua công bố DDCI hôm nay, các sở, ngành và địa phương cần thẳng thắn nhìn nhận những việc đã làm được và chưa làm được; các điểm còn hạn chế, tồn tại trong ngành, lĩnh vực và địa phương mình để nỗ lực cải thiện kết quả, hiệu quả công việc so với chính mình và so với các đơn vị dẫn đầu. Chỉ có như vậy, Quảng Ninh mới duy trì vị trí trong nhóm tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về PCI, là điểm đến tin cậy thu hút đầu tư, ổn định kinh doanh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.