Theo một phần của thỏa thuận được công bố vào rạng sáng qua (giờ Mỹ), Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (F.D.I.C.) tiếp quản Ngân hàng First Republic (trụ sở TP.San Francisco, bang California, Mỹ) và ngay lập tức bán trao tay JPMorgan, tập đoàn dịch vụ tài chính trụ sở tại TP.New York (bang New York, Mỹ). Đây là động thái trấn an những người gửi tiền rằng tiền của họ vẫn an toàn.
Ngân hàng của người giàu
Ngày 1.5, vào thời điểm mở cửa đầu tuần, toàn bộ 84 chi nhánh First Republic ở 8 tiểu bang Mỹ chính thức hoạt động dưới tên của Tập đoàn JPMorgan. JPMorgan sẽ "tiếp nhận mọi khoản tiền gửi và phần lớn các tài sản của Ngân hàng First Republic", theo Đài CNN dẫn thông báo từ F.D.I.C. Theo thỏa thuận, JPMorgan tiếp quản 173 tỉ USD tiền cho vay, 30 tỉ USD giá trị chứng khoán và 92 tỉ USD giá trị tiền gửi. Ước tính F.D.I.C. phải chi khoảng 13 tỉ USD từ quỹ bảo hiểm của cơ quan này để chi trả những khoản tổn thất của First Republic.
Trước khi Ngân hàng Silicon Valley (SVB, trụ sở tại TP.Santa Clara, bang California) sụp đổ, First Republic là một tên tuổi danh giá khi có hầu hết khách hàng là người giàu có và đầy quyền lực. Đa số nguồn lợi nhuận của First Republic đến từ các khoản cho người giàu vay với lãi suất thấp, trong số đó có tỉ phú Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Meta Platforms.
First Republic trở thành ngân hàng Mỹ thứ 3 sụp đổ trong 2 tháng
Tính đến ngày 31.3, First Republic có tổng tài sản 233 tỉ USD. Vào cuối năm ngoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ xếp First Republic ở vị trí thứ 14 về quy mô tài sản trong số các ngân hàng thương mại trên toàn quốc. Thế nhưng, đa số các khoản vay của First Republic là không bảo hiểm, tức cao hơn mức 250.000 USD theo quy định của F.D.I.C. Vì thế, các nhà phân tích và giới đầu tư lo ngại nếu First Republic đóng cửa, các khách hàng có thể không thu hồi được tiền gửi.
Cuộc giải cứu bất thành
Kể từ khi SVB sụp đổ hồi tháng 3, mọi sự tập trung dồn vào First Republic như là mối nối yếu ớt nhất của hệ thống ngân hàng Mỹ. Bởi trước sự thất bại của SVB, các khách hàng ồ ạt rút tiền vì sợ First Republic vỡ nợ, đẩy ngân hàng vào tình thế mất đi số lượng tiền gửi hơn 100 tỉ USD trong 1 tháng, theo AP.
Sự thâm hụt khổng lồ trong thời gian ngắn buộc First Republic phải đi vay. Mọi chuyện lao dốc sau khi ngân hàng không nhận được số tiền giải cứu trị giá 30 tỉ USD từ 11 ngân hàng lớn nhất nước vào tháng 3. Vào thời điểm đóng cửa thị trường ngày 28.4, cổ phiếu First Republic giảm 97% giá trị so với đầu năm.
Tình trạng của hệ thống ngân hàng Mỹ
Tờ The New York Times lưu ý hệ thống ngân hàng Mỹ có khá nhiều vấn đề. Những thất bại gần đây của các ngân hàng và lãi suất tăng buộc nhiều ngân hàng phải kiểm soát hoạt động cho vay. Điều này khiến công việc kinh doanh gặp khó khăn trong việc mở rộng và các cá nhân khó vay tiền để mua nhà, xe như trước đây. Đó là một trong những lý do khiến nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm chạp trong những tháng qua.
Việc chính phủ tiếp quản và bán Ngân hàng First Republic đã diễn ra 7 tuần sau khi chính quyền liên bang đoạt quyền kiểm soát của SVB và Ngân hàng Signature (trụ sở tại TP.New York, bang New York). Việc sụp đổ của 2 ngân hàng trước đó là cú sốc lớn và làm dấy lên quan ngại sẽ tiếp tục có thêm những ngân hàng khu vực đối mặt nguy cơ tương tự.
Báo The New York Times dẫn lời nhiều chuyên gia nhận định rằng sự cáo chung của First Republic là phản ứng dây chuyền muộn màng của tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng Mỹ hồi tháng 3, chứ không phải là sự mở đầu cho giai đoạn mới của cuộc khủng hoảng. Họ lạc quan với dự báo sẽ không có ngân hàng cỡ trung hoặc cỡ lớn nào đang đối mặt nguy cơ phá sản tức thời. Các nhà phân tích dẫn chứng rằng trong lúc cổ phiếu của First Republic tuần trước tiếp tục lao dốc, cổ phiếu của những ngân hàng khác ở Mỹ hầu như không suy chuyển.
Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ đánh giá rằng cuộc khủng hoảng First Republic được giải quyết mà ít phải trả giá nhất cho Quỹ Bảo hiểm tiền gửi. Bộ cũng nhận định hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn trong tình thế vững vàng và ổn định.
Bình luận (0)