Đó là nhận xét của hầu hết chuyên gia đối với mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở mà Bộ Xây dựng đang đề xuất.
|
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), về nguyên tắc, ngân hàng tiết kiệm nhà ở (NH TKNO) cũng là một tổ chức tín dụng thông thường, nhưng khác biệt ở chỗ được thành lập ra chỉ chuyên cấp tín dụng (huy động vốn và cho vay) trong lĩnh vực nhà ở. NH này nhận tiền gửi có trả lãi suất của người có nhu cầu tham gia gửi tiết kiệm để mua nhà, sửa nhà nhưng chưa có đủ để làm ngay và cũng chỉ cho các đối tượng này vay với lãi suất luôn thấp hơn lãi suất thương mại trong thời gian từ 10 - 15 năm hoặc lâu hơn nữa. “Nhưng người gửi vào sẽ chưa được vay ngay lập tức mà phải qua quá trình tiết kiệm, có thể 3 - 5 năm, hoặc lâu hơn với mức tiết kiệm được từ 50 - 70% số tiền định vay thì có thể được vay bằng số tiền đã gửi vào. Số tiền vay bắt buộc sử dụng vào mục đích nhà ở”, ông Khởi cho biết.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay, việc thành lập NH TKNO sắp tới sẽ được đưa vào luật Nhà ở sửa đổi. Dự kiến đến năm 2017 NH TKNO đầu tiên sẽ được thành lập.
|
Không nên “đẻ” thêm ngân hàng
TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nghi ngờ tính khả thi của mô hình NH TKNO áp dụng vào nước ta trong vài năm tới. “Muốn hiện thực hóa được phải hội tụ đủ các yếu tố: nền kinh tế ổn định, thu nhập người dân đảm bảo được nâng lên và có hành lang pháp lý vững chắc. Nhưng với điều kiện ở nước ta thì còn nhiều thách thức vì thu nhập của người dân còn rất thấp. Bên cạnh đó, cần tính đến yếu tố trượt giá, lạm phát vì kinh tế của ta kém ổn định, lãi suất cao và nhiều biến động nên việc duy trì một mức lãi suất thấp, ổn định trong thời gian dài cả chục năm không phải là điều dễ”, ông Liêm nhận định.
Giám đốc một công ty bất động sản thẳng thừng phản đối vì theo ông, hiện nay người nghèo là những người cần hỗ trợ về nhà ở nhất thì khó tham gia trong khi những người có tiền lại hưởng lợi từ chính sách này. Quan trọng hơn, hiện nước ta có rất nhiều NH, nhưng hoạt động yếu kém, nợ xấu nhiều, phải cơ cấu lại, thậm chí sáp nhập để tồn tại. Ở các địa phương còn có Quỹ phát triển nhà ở cho người dân vay tiền tạo lập nhà ở nên không cần thiết phải “đẻ” thêm NH. Đơn cử như TP.HCM đang có Quỹ phát triển nhà ở, cho người dân vay với lãi suất rẻ hơn các NH thương mại, chỉ 6%/năm. Nguồn vốn hằng năm do ngân sách TP cấp, không phải huy động của người dân.
Theo ý kiến các chuyên gia, nếu cần cũng có thể “nâng cấp” mô hình này thêm chức năng huy động vốn, để đầu tư, cho người dân vay lại với lãi suất thấp, ổn định. “Quỹ tiết kiệm nhà ở cũng giống với ý tưởng của Bộ Xây dựng là người dân gửi vào sau 5 năm mới được rút ra hoặc vay tạo lập nhà ở với lãi suất ưu đãi. Vậy tại sao không tập trung phát triển quỹ này mà phải thành lập thêm NH trong bối cảnh NH đang thừa lượng, thiếu chất hiện nay”, một chuyên gia đặt vấn đề.
Đó là chưa kể, Bộ Xây dựng cũng đang có NH trực thuộc là NH Xây dựng Việt Nam (mới được đổi tên từ NH TrustBank - PV) nên có thể triển khai ý tưởng của Bộ mà không cần lập thêm NH.
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế TS Lê Bá Chí Nhân cũng cho rằng: “Lúc này Bộ Xây dựng nên tập trung làm sao giải ngân nhanh nhất gói 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ người dân mua nhà. Bởi sau nhiều tháng triển khai mới giải ngân được… 1,6% giá trị. Những báo cáo gần đây cho thấy rằng hàng tồn kho căn hộ lên tới đến vài chục nghìn căn. Nên đẩy nhanh gói 30.000 tỉ để giải quyết số hàng này, nếu không thị trường càng xấu đi và người có thu nhập thấp mãi mãi khó mua được nhà”.
Lê Quân - Anh Đan - Đình Sơn
>> Sẽ có ngân hàng tiết kiệm nhà ở tại VN
>> Thêm diện được mua nhà ở xã hội
>> Nhiều ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội
>> Nhà ở miễn phí bỏ không
>> Doanh nghiệp né... nhà ở xã hội?
>> Nhu cầu nhà ở xã hội chưa được đáp ứng đủ
>> Yêu cầu công bố thông tin chi tiết về các dự án nhà ở xã hội
Bình luận (0)