Ngăn ngừa công nhân tham gia các hoạt động liên quan đến 'tín dụng đen'

Thu Hằng
Thu Hằng
15/06/2021 12:36 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đề xuất các chính sách tín dụng vi mô hỗ trợ công nhân lao động (CNLĐ); có biện pháp ngăn ngừa CNLĐ tham gia hoạt động đi vay, cho vay, đòi nợ liên quan đến “tín dụng đen”.

Đây là một trong những nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị 16/CT-TTg về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của CNLĐ, được Thủ tướng ký ban hành hôm qua, 14.6.
Theo Chỉ thị, so với 5 năm trước, số lượng CNLĐ có việc làm tăng 26%, trong đó việc làm bền vững, thu nhập tăng đều qua các năm; đời sống của CNLĐ ngày càng được cải thiện; điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động đã được chú trọng; các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được áp dụng ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ CNLĐ vẫn chưa có việc làm ổn định, phù hợp; điều kiện làm việc ở nhiều doanh nghiệp và đời sống của CNLĐ chưa được cải thiện, có nơi còn yếu kém, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động đến đời sống, việc làm của nhiều CNLĐ, đặc biệt ở bộ phận lao động giản đơn.
Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của CNLĐ. Tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật, nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế, giúp CNLĐ được thụ hưởng các quyền và điều kiện lao động ngày càng tốt hơn.

Xây dựng chính sách tín dụng vi mô cho CNLĐ

Nhằm bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống cho CNLĐ trong tình hình mới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quy hoạch, bố trí, huy động nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ lao động sản xuất, đời sống, sinh hoạt, học tập, giải trí của công nhân, lao động và gia đình. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại nơi ở và nơi làm việc của công nhân. Có biện pháp ngăn ngừa CNLĐ tham gia các hoạt động đi vay, cho vay, đòi nợ liên quan đến “tín dụng đen”, đề xuất các chính sách tín dụng vi mô hỗ trợ công nhân lao động.
Chủ động xây dựng, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định. Tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp.
Tập trung thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân lao động; chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, giúp công nhân lao động và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm.

Ban hành chính sách hỗ trợ CNLĐ vượt qua đại dịch Covid-19

Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn cho CNLĐ, doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 và kịp thời tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; chủ động xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho CNLĐ để hỗ trợ thích ứng, phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh thay đổi trong và sau dịch Covid-19.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực trên, nhất là thực tiễn thực hiện pháp luật tại các khu công nghiệp và khu chế xuất; nắm bắt các khủng hoảng về lao động, việc làm do tác động của đại dịch Covid-19 để bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; tham mưu triển khai giảm giờ làm việc bình thường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; tập trung sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. 
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của người lao động; phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho đối tượng là người lao động có thu nhập thấp, người dân ở vùng khó khăn. Tập trung hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.