Ngăn ngừa tham nhũng, tăng hiệu quả giải quyết án hành chính

21/03/2023 07:54 GMT+7

Giải pháp thể chế để ngăn ngừa tham nhũng, tăng hiệu quả giải quyết án hành chính là vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao vào hôm qua (20.3).

ĐỂ CÁN BỘ KHÔNG DÁM, không thể tham nhũng

Chất vấn Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị cho biết các biện pháp thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng.

Ngăn ngừa tham nhũng, tăng hiệu quả giải quyết án hành chính - Ảnh 1.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình (trái) và Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 20.3

GIA HÂN

Trả lời đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng, để "không thể tham nhũng" thì cơ chế quản lý, hệ thống pháp luật phải chặt chẽ; để "không dám tham nhũng" thì phải xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu, cầm đầu; để "không muốn tham nhũng" thì cần có chế độ chính sách đãi ngộ tốt hơn cho cán bộ, công chức. Với chế độ chính sách hiện hành, "cán bộ nếu tự sống vào đồng lương của mình thì hết sức khó khăn", "một tỷ lệ sống được (bằng lương - PV) cũng nhờ vào các nguồn khác, có khi nhờ cha mẹ, nhờ anh em, nhờ bên vợ, nhờ bên chồng…".

Ông Trí cũng cho rằng ngoài xử lý nghiêm người chủ mưu cũng cần nghiên cứu cơ chế phân hóa trách nhiệm, tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù đối với những trường hợp thực hiện theo mệnh lệnh cấp trên, do cấp dưới tham mưu không đúng nhưng kiểm soát không được, hoặc rủi ro ngoài dự kiến. "Tôi muốn cái nào nghiêm thì phải xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục; nhưng cái nào nhân văn thì cần cân nhắc để hướng tới ổn định, phát triển, phát huy được sự năng động, sáng tạo của cán bộ trong giai đoạn hiện nay", ông Trí nói.

Tôi muốn cái nào nghiêm thì phải xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục; nhưng cái nào nhân văn thì cần cân nhắc để hướng tới ổn định, phát triển, phát huy được sự năng động, sáng tạo của cán bộ trong giai đoạn hiện nay.2

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí

Tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay ngoài việc điều tra, chứng minh tội phạm, xử lý các đối tượng phạm tội và thu hồi tài sản, một nhiệm vụ quan trọng khác là xác định sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý KT-XH để kiến nghị khắc phục, từ đó góp phần tạo cơ chế không thể tham nhũng.

Bộ trưởng cho rằng cần xử lý những đối tượng tham nhũng, để những cá nhân, đơn vị, công ty đang có phương thức làm việc kiểu như vậy phải chấm dứt ngay, khắc phục hậu quả nếu không sẽ bị xử lý. Về mặt quản lý nhà nước, phải rà soát lại tất cả những quy định có thể bộc lộ sơ hở để đối tượng lợi dụng phạm tội. Một số lĩnh vực như chứng khoán, tài chính doanh nghiệp thể hiện rất rõ điều này.

Trả lời chất vấn của nhiều ĐB về thu hồi tài sản tham nhũng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, việc này gần như không bao giờ thực hiện triệt để được. Theo quy định, chỉ thu hồi được tài sản tham nhũng nếu quá trình tố tụng chứng minh tài sản đó có nguồn gốc từ tội phạm, nếu không chứng minh được thì rất khó. Để công tác thu hồi tài sản đạt hiệu quả cao, quá trình điều tra, truy tố, xét xử phải được nâng cao chất lượng; kịp thời phong tỏa tài sản có dấu hiệu tham nhũng.

Chủ tịch UBND không tham gia đối thoại, không tham gia xét xử, không cung cấp chứng cứ cho người dân là những hạn chế chính làm cho án hành chính hiện không như mong muốn.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

Ông Bình viện dẫn thực tiễn từ một số quốc gia, khi coi tham nhũng là một loại tội phạm đặc thù. Theo đó, bên cạnh nghĩa vụ chứng minh của cơ quan chức năng thì cũng tăng nghĩa vụ giải trình của nghi can trong các vụ án tham nhũng; nghi can có tài sản mà không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì sẽ bị xem là tài sản tham nhũng và bị tịch thu. Nếu làm được điều này, trong tương lai, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng sẽ rất cao.

SẼ CÓ TÒA CHUYÊN BIỆT XỬ ÁN HÀNH CHÍNH

Chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án hành chính cũng là vấn đề được nhiều ĐB chất vấn Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao. Phản ánh tình trạng tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa vẫn cao, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa chất vấn: "Nguyên nhân phải chăng do tâm lý nể nang, né tránh ngại va chạm trong giải quyết của các thẩm phán vì trong các vụ án hành chính bên bị kiện chủ yếu là các cơ quan nhà nước?".

Hồi đáp ĐB, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận đang có nhiều tồn tại xung quanh việc giải quyết các vụ án hành chính như tỷ lệ xét xử thường thấp hơn, trong khi tỷ lệ hủy, sửa bản án hành chính thường cao hơn các loại án khác. "Có năm tỷ lệ hủy, sửa lên đến 4%, trong khi QH cho phép hủy, sửa 1,5%", ông Bình cho hay. Bên cạnh đó, các bản án hành chính cũng không được chủ tịch UBND, UBND các cấp thực thi nghiêm túc, gây bức xúc cho người dân.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định việc thẩm phán nể nang khi giải quyết các vụ án hành chính là có, song đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại hiện nay. Theo ông, nguyên nhân chính là do việc cung cấp tài liệu của chủ tịch UBND, UBND các cấp - người bị kiện, không đầy đủ hoặc không cung cấp. Bên cạnh đó, luật hiện hành quy định chủ tịch UBND khi bị kiện ra tòa chỉ được ủy quyền tới cấp phó. Tuy nhiên, chủ tịch UBND, nhất là cấp tỉnh rất nhiều việc nên thời gian tham gia đối thoại, dự tòa hạn chế. "Chủ tịch UBND không tham gia đối thoại, không tham gia xét xử, không cung cấp chứng cứ cho người dân là những hạn chế chính làm cho án hành chính hiện không như mong muốn", ông Bình nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng này, ông Bình cho hay trong dự thảo luật Tổ chức TAND sắp tới, TAND tối cao đang đề xuất sửa đổi theo hướng các vụ án mà người bị kiện là chủ tịch UBND huyện thì giao cho tòa án tỉnh xét xử; còn vụ án của tỉnh thì sẽ giao cho tòa chuyên biệt xét xử để khắc phục tình trạng nể nang của thẩm phán trong xét xử các vụ án hành chính.

Vì sao phải họp 3 ngành công an, kiểm sát, tòa án trước xét xử ?

Chủ tịch Hội Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh chất vấn vì sao 3 ngành tòa án, kiểm sát, công an phải họp với nhau trước khi giải quyết vụ án; họp như vậy có bảo đảm tính độc lập của tòa án và thẩm phán hay không, có ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo không. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết đối với những vụ án lớn, phức tạp, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ họp. Tuy nhiên, việc họp này không ảnh hưởng đến tính độc lập của tòa án. "Họp để bàn giao tài liệu, thống nhất với nhau về lộ trình đưa vụ án ra xét xử, chứ không phải họp để bàn với nhau về tội danh, mức án, mức phạt hay gì cả", ông khẳng định.

Cùng nhận được câu hỏi chất vấn về kiểm sát giải quyết án hành chính của nhiều ĐB, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng để giải quyết vướng mắc trong giải quyết án hành chính hiện nay, cần nhiều giải pháp đồng bộ chứ "chánh án, viện trưởng không làm hết được". Cho rằng án hành chính chủ yếu liên quan đất đai do tồn tại trong việc định giá đất với tình trạng "đất 2 giá" dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện, thậm chí tham nhũng, theo Viện trưởng Viện KSND tối cao, sắp tới QH thông qua luật Đất đai sửa đổi sẽ trở thành giải pháp tương đối căn cơ để giảm khiếu kiện, tranh chấp và cả tham nhũng.

Bên cạnh đó, cùng quan điểm với Chánh án TAND tối cao, ông Trí nhìn nhận các vụ án hành chính phức tạp do chỗ người bị kiện là cơ quan nhà nước và người có chức vụ. Trong quá trình giải quyết các vụ án, việc cả nể, bị tác động là có. Bên cạnh đó, việc cung cấp hồ sơ, chứng cứ của cơ quan nhà nước cũng chưa đầy đủ; việc tham dự tòa của các chủ tịch UBND cũng không đảm bảo. Cùng với đó, khi đã có bản án, cũng không có điều kiện đảm bảo thực thi. Để khắc phục, theo ông Trí, cần sớm sửa luật Tố tụng hành chính để sửa bất cập trong quy định về sự tham gia của chủ tịch UBND tại các phiên tòa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.