Cách đây hơn 10 năm, các doanh nghiệp (DN) ngành thép đã liên tục phản ánh về tình trạng thép nhập ồ ạt vào VN nhưng không chịu thuế khiến hàng sản xuất trong nước không thể cạnh tranh nổi. Chẳng hạn, thép nhập khẩu được các DN khai là thép hợp kim nhưng thực chất là thép carbon thông thường, chỉ khác là có thêm chút ít hàm lượng chất bo hoặc chất crôm... Hàm lượng bo tuy rất nhỏ nhưng lại giúp DN nhập khẩu dễ dàng lách luật trốn thuế rất lớn. Bởi vì, thép cuộn carbon thông thường phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu 12% vào thời điểm lúc đó nhưng do có thêm chất bo, thép biến thành hợp kim nên được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 0%. Đến giữa năm 2015, Hiệp hội Thép VN cũng phản ảnh tình trạng một số công ty đã khai phôi thép Trung Quốc thành phôi thép hợp kim chứa nguyên tố crôm với mã HS 7224.90.00 để được hưởng thuế suất 0%, thay vì 9% đối với phôi thép vuông.
Hiệp hội Thép VN tính toán việc khai không trung thực mã hàng hóa sẽ khiến ngân sách nhà nước thất thu gần 1,9 triệu USD, tương đương khoảng 42 tỉ đồng chỉ trong vòng hai tháng 8 - 9.2015 và có thể tăng lên trong nhiều lần trong tương lai. Đồng thời, sản phẩm được hưởng thuế suất 0% nên có giá bán thấp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành thép trong nước. Sau đó, từ giữa năm 2016, sau khi Bộ Công thương quyết định áp thuế tự vệ với phôi thép là 23,3% và thép dài là 15,4% (trong đó có mã HS 7227 của thép dài) thì có hiện tượng thép dài nhập khẩu được có thêm hợp chất bo rất nhỏ khi chuyển sang mã HS 7213.91.90, một loại thép được áp thuế chỉ với mức 3%.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Trường ĐH Tài chính -Marketing), cho rằng sẽ khó xóa bỏ triệt để vấn nạn này vì các DN luôn tìm nhiều cách để gian lận thuế. Riêng đối với việc khai báo trị giá thấp thì hiện nay qua mạng internet hay kết nối hải quan xuyên biên giới, ngành hải quan có thể dễ dàng kiểm tra tham vấn giá và đối chiếu giá trị mà DN khai báo. Do đó cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các trường hợp nghi vấn thì sẽ phát hiện và kịp thời ngăn chặn hoặc truy thu thuế sau khi hậu kiểm.
Còn theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty luật Basico, VN đã có nhiều quy định, văn bản luật để chống gian lận thương mại, chống hành vi trốn thuế từ răn đe đến xử phạt hành chính và cả xử lý hình sự. Điều quan trọng nhất là việc thực thi, áp dụng các quy định đó vào thực tế như thế nào. Trong đó, vai trò con người của đơn vị thực thi sẽ rất lớn. Luật sư Hải nhấn mạnh: “Việc giám sát, phát hiện và xử lý như thế nào là trách nhiệm của cơ quan thực hiện, mà ở đây chủ yếu là viên chức hải quan. Có làm đúng quy định hay không, xử lý ở mức nào?... Tất cả sẽ quyết định việc pháp luật có thực hiện nghiêm minh hay không. Nếu không thì môi trường kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng vì không công bằng, tạo tiền lệ xấu”.
Bình luận (0)