Ngành chức năng Kiên Giang nói gì về hải sản nuôi ở Hòn Tre bị chết?

18/02/2023 21:12 GMT+7

Sau khi có thông tin người dân xã đảo Hòn Tre phản ánh hải sản nuôi bị chết hàng loạt, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đã đến khảo sát, đo các chỉ tiêu về môi trường nước.

"Hải sản chết do thức ăn và chất lượng giống"

Liên quan thông tin người dân xã đảo Hòn Tre phản ánh hải sản nuôi bị chết hàng loạt, chiều 18.2, Phòng NN-PTNT H.Kiên Hải (Kiên Giang) đã có báo cáo chính thức.

Ông Nguyễn Văn Đượm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Kiên Hải, cho biết qua khảo sát thực tế nắm thông tin từ phía người nuôi, từ đầu năm 2023 đến nay, nguồn nước (màu sắc, độ mặn) được duy trì khá ổn định; hàu, vẹm xanh bị chết rải rác kéo dài khiến tỷ lệ hao hụt khoảng 80 - 90%. Những dây treo hàu, vẹm xanh, những con bị chết nằm phía bên ngoài của chùm treo, còn những con nằm phía bên trong thì không chết. Phòng NN-PTNT dự đoán nguyên nhân có thể do thức ăn.

Ngành chức năng Kiên Giang nói gì về hải sản nuôi ở Hòn Tre bị chết? - Ảnh 1.

Chi cục thủy sản kết hợp Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Kiên Giang khảo sát, đo đạc các chỉ tiêu về môi trường nước khu vực nuôi cá lồng bè ở xã Hòn Tre

XUÂN LAM

Toàn xã Hòn Tre có 43 hộ nuôi với 122 bè và 292 lồng. Tình hình cá nuôi lồng, bè tương đối ổn định. Tuy nhiên, thời gian qua có những trường hợp cá nuôi bị chết chủ yếu là cá giống được lấy từ cơ sở sản xuất giống tại một tỉnh miền Trung. Đối tượng bị chết với tỷ lệ cao là cá mú giống mới thả nuôi được 15 - 40 ngày. Tình trạng cá chết xảy ra rải rác, kéo dài, chứ không phải chết hàng loạt như một số người dân phản ánh.

Bà Võ Thị Thắm (ngụ xã Hòn Tre) có 32 lồng nuôi và đang thả nuôi cá bóp, cá mú, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng. Tháng 8.2022, bà thả nuôi đợt 1 khoảng 10.000 con; đợt thứ hai 14.000 con và đợt thứ 3 thả 6.000 con. Qua 3 đợt thả nuôi, tỷ lệ hao hụt đến nay khoảng 80 - 90%, riêng đợt 1 và đợt 3 chết 100%. Toàn bộ cá giống lấy từ cơ sở sản xuất giống tại một tỉnh miền Trung.

Khảo sát thực tế tại bè nuôi của bà Thắm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Kiên Hải cho rằng, do nuôi số lượng lớn nên hộ nuôi không có thời gian để tắm cá thường xuyên. Cá mú giống có dấu hiệu mắc bệnh, bơi lờ đờ tại các góc lồng nuôi.

Các hộ nuôi tự phát, không trong khu vực quy hoạch

Bên cạnh đó, khu vực nuôi của các hộ dân nằm trong khu tránh trú bão, không nằm trong khu vực quy hoạch nuôi. Khu vực này nguồn nước dễ bị ô nhiễm do nước sinh hoạt từ khu dân cư đổ ra và nguồn nước đổ từ đất liền chảy ra nên cá dễ bị chết. Vấn đề này, huyện đã khuyến cáo nhiều lần nhưng các hộ dân vẫn nuôi tự phát.

Ngành chức năng Kiên Giang nói gì về hải sản nuôi ở Hòn Tre bị chết? - Ảnh 2.

Hàu nuôi ở xã Hòn Tre bị chết

BÁCH HỶ

"Hộ của bà Thắm chủ yếu là cá giống mới thả thời gian từ 14 - 15 ngày, cá chết là do cá giống. Phòng cũng đang khuyến cáo bà con phải chọn giống cho đảm bảo chất lượng, hai là phải nuôi theo vùng quy hoạch, không nên nuôi tập trung ở khu vực tránh trú bão. Hiện nay, khu này nguồn nước do đất liền đổ ra và dân cư đổ ra nên không đảm bảo lắm", ông Nguyễn Văn Đượm nói thêm.

Cũng trong ngày 18.2, Chi cục thủy sản kết hợp Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Kiên Giang đã đến khảo sát, đo các chỉ tiêu về môi trường nước tại khu vực nuôi cá lồng bè ở xã Hòn Tre. Ông Nguyễn Văn Hoàng, cán bộ kỹ thuật, cho biết: "Qua phản ánh, chúng tôi đã tới hiện trường vùng nuôi cá tiến hành khảo sát và đo các chỉ tiêu về môi trường nuôi. Các chỉ tiêu tại thời điểm chúng tôi đo được đều bình thường, phù hợp với sự phát triển của giống cá nuôi và môi trường".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.