Ngành thể thao báo cáo kế hoạch tái cấu trúc bộ máy

18/07/2022 08:51 GMT+7

Ngày 19.7, Bộ VH-TT-DL sẽ nghe Tổng cục TDTT báo cáo về tái cơ cấu bộ máy ngành thể thao , trước khi trình Bộ Nội vụ và Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Hai luồng quan điểm

Thực hiện sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, mới đây Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đã có cuộc làm việc với Tổng cục TDTT nhằm lấy ý kiến của các vụ chức năng, đơn vị trực thuộc về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của Tổng cục TDTT. Sau 14 năm tồn tại (từ năm 2008), chắc chắn mô hình Tổng cục TDTT sẽ không còn được giữ lại nhưng ngành thể thao sẽ hoạt động theo phương thức nào, quả thực là bài toán hết sức nan giải.

Có 2 luồng quan điểm khác nhau về cách thức tổ chức bộ máy nhưng nhiều khả năng, ngành thể thao sẽ báo cáo với Bộ VH-TT-DL, phương thức tinh gọn bộ máy theo mô hình Cục TDTT, chứ không thành lập 2 cục độc lập, gồm Cục thể thao quần chúng và Cục thể thao thành tích cao.

Một lãnh đạo ngành cho hay ngoài nhiệm vụ chính, trọng tâm là nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc người VN và thành tích thể thao, ngành thể thao còn phải đảm nhiệm thêm một số nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực khác của xã hội. Đối tượng quản lý của lĩnh vực thể thao là VĐV, HLV, trọng tài, bác sĩ, hướng dẫn viên, cán bộ quản lý… về thể thao đều mang tính đặc thù và chuyên ngành.

Cung thể thao dưới nước thuộc Khu liên hợp thể thao quốc gia sẽ được trả lại cho Bộ VH-TT-DL quản lý nếu Tổng cục TDTT trở thành Cục TDTT

Đậu Tiến Đạt

Luật TDTT quy định quản lý 10 loại hình thể thao ở VN: thể thao thành tích cao; thể thao chuyên nghiệp; thể dục thể thao quần chúng; thể thao trong trường học; thể thao trong lực lượng vũ trang; thể thao cho người khuyết tật; thể thao cho người cao tuổi; thể thao dân tộc; thể dục phòng bệnh, chữa bệnh; thể thao giải trí. Do đó nếu chỉ thành lập 2 cục thì 8 loại hình còn lại sẽ không phát triển, thậm chí có nguy cơ tàn lụi, dẫn đến những ảnh hưởng xấu.

Mô hình nào cũng phải đảm bảo vận hành tốt

Trong báo cáo trình Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT sẽ đưa ra các đề nghị, trong đó có việc tuy Tổng cục TDTT sẽ hạ cấp xuống thành Cục TDTT nhưng mô hình mới vẫn phải đáp ứng được yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất ở T.Ư, để có thể triển khai thực hiện được 8 nội dung về quản lý nhà nước về TDTT quy định tại điều 6 của luật TDTT. Các hoạt động thể thao thành tích cao vẫn phải được thực hiện trọn vẹn, không bị gián đoạn. Cục TDTT vẫn phải là cơ quan tham mưu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển TDTT, các văn bản quy phạm pháp luật về TDTT.

Các vụ chức năng thuộc Tổng cục TDTT sẽ trở thành cấp phòng, nhưng vì TDTT có tính chất đặc thù nên các phòng chức năng vẫn sẽ phải thực hiện các nhiệm vụ mang tính chuyên ngành (không vụ nào của Bộ VH-TT-DL hiện tại có thể đảm đương được) như tham gia tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho TDTT; kiểm tra, đánh giá phát triển TDTT quần chúng và hoạt động thi đấu thể thao; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phát triển sự nghiệp TDTT… Đặc biệt các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia cần phải được duy trì.

Cũng theo kế hoạch dự kiến, sau khi được Tổng cục TDTT báo cáo về đề án tái cấu trúc bộ máy, Bộ VH-TT-DL sẽ trình Bộ Nội vụ ngay trong tuần này (có thể vào ngày 20.7).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.