Ngày 2.9.1945 ở Sài Gòn: Ứng biến của Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ

01/09/2021 13:30 GMT+7

Bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu trước đồng bào tại lễ Độc lập nơi Đại lộ Cộng hòa ở Sài Gòn đã thể hiện được cơ bản tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập tại Hà Nội.

Trong chương trình của lễ Độc lập tại Sài Gòn, dự kiến có tiếp sóng từ đài Bạch Mai, Hà Nội (tức Đài Tiếng nói Việt Nam được đặt tại Bạch Mai) lời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Hồ Chí Minh vào lúc 14 giờ. Người tham dự háo hức chờ đợi giờ phút Tuyên ngôn Độc lập vang lên khẳng định trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới nền độc lập, tự do của nước Việt Nam mới.
Không chỉ thế, theo lời nhà báo Trần Tấn Quốc trong hồi ký Saigon Septembre 45, đồng bào còn đón đợi chính người đọc bản tuyên ngôn ấy: “Hồ Chí Minh! Người ấy là ai? Thế nào? Dân chúng muốn nghe lời nói của ông”. Sự tò mò, háo hức ấy là bởi như lời Trường Sơn Chí Ung Ngọc Ky trong bài viết 2.9.1945: Khí thế cách mạng của người Sài Gòn cho hay là do lâu nay, tên gọi của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã quen với họ từ những năm 1920 trên báo chí, nhưng tên gọi Hồ Chí Minh hãy còn mới mẻ lắm.
Tiếc là, việc tiếp sóng từ đài Bạch Mai đã không thể thực hiện được, “máy móc hồi ấy còn thô sơ, cũ kỹ nên âm thanh nghe không rõ”. Nguyễn Kỳ Nam trong Hồi ký 1925-1964 cũng ghi lại tình hình lúc ấy: “Đúng 2 giờ, ai ai cũng lắng tai nghe tiếng nói của đài phát thanh Hà Nội, bài diễn văn của Chủ tịch Chánh phủ trung ương là Hồ Chí Minh, nhưng… đã quá nửa giờ, máy ra-đi-ô không “bắt” được”.
Tình hình diễn ra bất ngờ ngoài dự kiến của ban tổ chức. Không thể để đồng bào chờ đợi trong im lặng, ban tổ chức buổi lễ đã ngay lập tức xử lý linh hoạt. Buổi lễ vẫn được bắt đầu. Trên lễ đài là biểu ngữ giăng phía trước bằng tiếng Anh: "Independence or Death" (Độc lập hay là chết). Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Ủy viên trưởng của Chính phủ trung ương bước lên tuyên thệ, sau đó là lời thề độc lập của đồng bào tham dự buổi lễ.

Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Hà Nội được xuất bản ngay trong năm 1945

ẢNH T.L

Trong tình hình Tuyên ngôn Độc lập ở Hà Nội không được tiếp sóng phát thanh đến buổi lễ nơi Đại lộ Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu sau đó tuyên bố trước máy truyền thanh tới toàn thể đồng bào trong buổi lễ. “Tuy ứng khẩu (ông không chuẩn bị trước bài phát biểu) nhưng ý tưởng của ông sâu sắc, giọng của ông hùng hồn, bài nói của ông thu hút tâm hồn cả triệu người có mặt trong buổi lễ”, Trường Sơn Chí Ung Ngọc Ky nhớ lại.
Nguyên văn lời phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu chiều ngày 2.9.1945 được báo Sài Gòn số 17.022, ra ngày hôm sau ghi lại. Và trong hồi ký Saigon Septembre 45 cũng chép nguyên văn. Xem toàn văn lời phát biểu ấy, và liên hệ với bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Hà Nội buổi chiều ngày 2.9, cảm nhận được tinh thần chung: Khẳng định nền độc lập, tự do vừa giành được và sự kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do ấy, như lời khẳng định của Hồ Chủ tịch: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (Trích Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Hồ Chí Minh đọc trong “Ngày Độc lập” 2.9.1945, xuất bản 1945).

Hồi ký Saigon Septembre 45 ghi lại lời phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu

ẢNH T.L

Mở đầu bài phát biểu, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ khẳng định trước toàn thể quốc dân sự thay đổi vận mệnh của nước Việt Nam: “Việt Nam từ một nước thuộc địa, đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế quốc, đã trở thành một nước Dân chủ cộng hòa”. Đồng thời, khẳng định trước thế giới và lực lượng Đồng minh quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được ấy của nhân dân ta: “Hôm nay, một lần nữa, chúng ta biểu dương cho Đồng minh, cho thế giới, cho kẻ bạn và kẻ thù cái chí cương quyết bảo vệ tới cùng quyền độc lập và nền dân chủ của chúng ta”.
Khẳng định nền độc lập tự do, nhưng không say sưa trong men chiến thắng, vị đại diện của Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ kêu gọi quốc dân đồng bào sự đoàn kết nhất trí: “Biểu dương chí độc lập, nhưng đồng bào chớ lầm tưởng rằng bao nhiêu lực lượng phô trương đây là đủ. Còn phải phấn đấu nhiều, nhiều hơn nữa. Còn phải đoàn kết, đoàn kết đông hơn nữa. Còn phải trọng kỷ luật, cần lao, cần lao và kỷ luật nghiêm mật hơn nữa”.
Tiếp bài phát biểu, Trần Văn Giàu chỉ rõ thù trong là những kẻ phản quốc cầu vinh, giặc ngoài là những kẻ đang muốn gây lại một nền cai trị thực dân trước đây trên đất Việt. Lời phát biểu cũng gửi thông điệp mạnh mẽ tới các dân tộc yêu chuộng hòa bình, chống phát xít trên thế giới và cả người Pháp: “Việt Nam chúng tôi có quyền sống độc lập tự do. Việt Nam chúng tôi có sức sống độc lập và tự do. Độc lập và tự do của chúng tôi không trái với độc lập và tự do của bất cứ một nước nào khác. Anh, Nga, Mỹ, Tàu đã đổ máu, có đổ máu đó, nước Pháp được giải phóng. Thì có lý do nào nhờ máu quý bạn, mà nước Pháp lại tròng ách nô lệ lên nước Việt Nam đã được giải phóng rồi”.
Vị đại diện chính quyền cách mạng sau đó gửi rõ thông điệp của nước Việt Nam mới cho người Pháp trên tinh thần sẵn sàng làm bạn, ký kết những hiệp ước cộng tác văn hóa, kinh tế với nước Pháp nếu Pháp công khai thừa nhận quyền độc lập của Việt Nam. Ngược lại, dân tộc Việt Nam “thề chết không nhượng bộ trước bất cứ một sự hăm dọa hay khiêu khích nào”.
Kết thúc lời phát biểu của mình, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ kêu gọi tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nền độc lập của quốc dân:
“Đứng lên!
Ngày độc lập bắt đầu từ nay.
Tiến tới! Vì độc lập vì tự do.
Tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng”.
Là một nhà hoạt động cách mạng kỳ cựu, đồng thời là một tay viết lách sắc sảo, lời phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu dù là ứng khẩu khi Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chủ tịch không thể tiếp sóng phát thanh tới đồng bào, nhưng đã giữ vững được những tinh thần cốt yếu cần có, truyền thông điệp độc lập tự do tới quốc dân tại buổi lễ nơi Đại lộ Cộng hòa ở Sài Gòn cũng như các quốc gia trên thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.