Ngày càng nhiều người Nhật chết vì làm việc quá sức

05/04/2016 09:57 GMT+7

Nhật Bản đang chứng kiến số lượng kỷ lục những yêu cầu bồi thường liên quan đến các vụ tử vong do làm việc quá sức, hay còn gọi là hiện tượng “karoshi”.

Nhật Bản đang chứng kiến số lượng kỷ lục những yêu cầu bồi thường liên quan đến các vụ tử vong do làm việc quá sức, hay còn gọi là hiện tượng “karoshi”.

Hiện tượng "Karoshi" giờ đây không chỉ ảnh hưởng đến nhân viên văn phòng là nam giới mà còn xuất hiện ở người trẻ và phụ nữ Nhật Bản - Ảnh: ReutersHiện tượng "Karoshi" giờ đây không chỉ ảnh hưởng đến nhân viên văn phòng là nam giới mà còn xuất hiện ở người trẻ và phụ nữ Nhật Bản - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, việc nhu cầu lao động của Nhật Bản đang ở mức cao nhất kể từ năm 1991 với tỷ lệ 1,28 việc làm cần tuyển/ứng viên lẽ ra đã giúp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thu hút thêm nhiều người vào thị trường lao động, chống đỡ ảnh hưởng của thực trạng dân số thu hẹp. Tuy nhiên, việc thực thi luật lao động lỏng lẻo hiện đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp “bóc lột” thêm sức lao động của nhân viên, dẫn đến nhiều hậu quả xấu.

Yêu cầu bồi thường cho các vụ “karoshi” vừa lên đến mức cao kỷ lục là 1.456 yêu cầu trong năm tính đến cuối tháng 3.2015, theo số liệu Bộ Lao động Nhật Bản. Những vụ tử vong do làm việc quá sức xảy ra chủ yếu ở ngành y tế, dịch vụ xã hội, vận chuyển và xây dựng. Đây là các lĩnh vực đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực dai dẳng.

Hiroshi Kawahito, thư ký Nhóm Luật sư Quốc gia Bảo vệ Nạn nhân karoshi, cho hay con số yêu cầu bồi thường thực tế có thể cao hơn gấp 10 lần số liệu chính thức. “Chính phủ đã tổ chức rất nhiều hội nghị chuyên đề và in áp phích về vấn đề này, nhưng đây chỉ là chuyện tuyên truyền. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ giảm giờ làm việc của người lao động và chính phủ chưa làm đủ để hiện thực hóa điều này”, ông Kawahito nói.

Kawahito là luật sư đã làm việc với các vụ “karoshi” từ những năm 1940. Ông cho hay trước đây, 95% trường hợp ông gặp phải là đàn ông làm văn phòng và ở tuổi trung niên, song giờ đây, 20% trong số những người tử vong vì làm việc quá sức là phụ nữ.

Dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản đã giảm dần kể từ giữa những năm 1990 nhưng tình trạng này không khiến các doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc để thu hút người lao động vì họ có thể lách luật. “Đây là cách để giữ cho chí phí lao động của doanh nghiệp giảm, nhưng nó cũng là con đường dẫn đến những cái chết do làm việc quá sức”, ông Kawahito cho biết.

Nhật Bản không có giới hạn pháp lý về giờ giấc làm việc. Bộ Lao động Nhật Bản chia “karoshi” thành hai nhóm: tử vong do bệnh tim mạch vì làm việc quá sức, và tự tử do căng thẳng tinh thần vì công việc.

Xây dựng là một trong các lĩnh vực thiếu nhân lực dai dẳng - Ảnh: Reuters

Một người chết vì bệnh tim mạch có thể được xem là một trường hợp “karoshi” nếu người đó làm thêm 100 giờ trong tháng trước khi qua đời, hoặc làm thêm 20 giờ trong hai hay nhiều tháng liên tục trước khi mất. Trường hợp tự sát hội đủ điều kiện để được xếp vào một dạng “karoshi” khi cá nhân đó làm thêm 160 giờ hoặc hơn trong một tháng, hoặc làm thêm hơn 100 giờ trong ba tháng liền trước ngày tự sát.

Lực lượng lao động Nhật Bản hiện được chia thành hai loại khác nhau: thứ nhất là nhân viên thường xuyên, và thứ nhì là nhân viên làm theo hợp đồng thời vụ, thường là phụ nữ và những người trẻ. Trong năm 2015, nhân viên không thường xuyên chiếm 38% lực lượng lao động, tăng 20% so với hồi năm 1990. 68% nhân viên làm việc không thường xuyên là phụ nữ.

Giới luật sư và nghiên cứu cho biết nhiều doanh nghiệp Nhật Bản treo bảng tuyển nhân viên toàn thời gian với thời lượng làm việc thích hợp, song sau đó chỉ ký hợp đồng không thường xuyên có thời gian làm việc dài hơn với người đã được tuyển dụng. Thời gian làm việc có thể kéo dài qua đêm hoặc đến cuối tuần nhưng nhân viên không có lương tăng ca.

Từ chối trả lương làm thêm giờ là bất hợp pháp và ứng viên xin việc có thể từ chối công việc đó. Tuy vậy, các ứng viên trẻ và phụ nữ Nhật Bản vẫn chấp nhận làm vì người trẻ thường có ít kinh nghiệm làm việc, còn phụ nữ thì gặp khó khăn trong việc trở lại thị trường lao động sau khi sinh con. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.