Ngày cuối cùng để người Việt ngắm mưa sao băng 'mạnh nhất ban ngày'

16/06/2024 19:05 GMT+7

Rạng sáng mai 17.6 là cơ hội cuối cùng trong năm 2024 để người yêu thiên văn Việt Nam có thể ngắm những vệt mưa sao băng Arietids, một trong những trận mưa sao băng hoạt động mạnh nhất ban ngày.

Khác với những trận mưa sao băng có thể thuận lợi quan sát vào ban đêm, khi chỉ cần tìm một bầu trời tối và nhìn lên, mưa sao băng Arietids xảy ra mạnh nhất vào ban ngày dưới sự chói chang của mặt trời.

Theo EarthSky, trận mưa sao băng này diễn ra từ ngày 29.5 đến ngày 17.6, tức chỉ còn 1 ngày nữa, trận mưa sao băng này sẽ kết thúc. Trước đó, vào ngày 7.6, trận mưa sao băng đã đạt đỉnh. Số lượng sao băng có thể đạt 60 sao băng mỗi giờ và có thể cao tới 200 sao băng mỗi giờ, theo chuyên gia.

Ngày cuối cùng để người Việt ngắm mưa sao băng 'mạnh nhất ban ngày'- Ảnh 1.

Mưa sao băng Arietids diễn ra vào ban ngày, nên chúng ta chỉ có thể "săn" chúng lúc rạng sáng, trước khi mặt trời ló dạng

HUY HYUNH

Theo các nhà nghiên cứu, việc quan sát mưa sao băng là điều khó khăn đối với mưa sao băng hoạt động ban ngày vì một khi mặt trời mọc, bạn sẽ không thể nhìn thấy chúng. Tuy nhiên, nếu chọn đúng thời điểm rạng sáng, với sự ủng hộ của thời tiết và các điều kiện khác, chúng ta có thể ngắm được các vệt mưa sao băng.

“Hãy quan sát chúng theo hướng mặt trời mọc trong giờ tối trước bình minh từ ngày 29.5 đến ngày 17.6. Hãy tìm kiếm các sao băng bắn lên từ đường chân trời, rạng rỡ nằm dưới chòm sao Bạch Dương. Thời điểm này không có sự cản trở của ánh trăng”, chuyên gia hướng dẫn.

Suốt nhiều năm liền, không ai biết đến sao chổi mẹ của Arietids. Sau đó, vào tháng 5.1986, một nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một sao chổi được gọi là 96P/Machholz. Sao chổi này có thể liên quan trực tiếp đến trận mưa sao băng này hoặc nguồn của trận mưa sao băng, có thể là một phần của tổ hợp Machholz.

Anh Triệu Văn Thiện (26 tuổi, ngụ Đắk Lắk) cho biết mình đang có một chuyến đi du lịch Nha Trang cùng bạn bè. Anh cho biết những ngày trước, vì bình minh bắt đầu sớm nên anh không thể dậy kịp trước bình minh để ngắm trận mưa sao băng này lúc rạng sáng, dù đầu tháng 6 có đọc được thông tin về mưa sao băng.

“Khi đi du lịch, mình thức rất sớm. Nơi mình đến cũng không bị ô nhiễm không khí nên mình định rạng sáng 17.6 này sẽ đón xem trận mưa sao băng này. Dù đã qua đỉnh nhưng hy vọng có thể quan sát được một số vệt vào buổi sớm”, anh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.