Con số trên vừa được ông Nguyễn Bình Phương, Giám đốc kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức thông tin cuối giờ chiều 13.7. Trong khi tham vọng của Công ty quản lý chợ đầu mối này và 18 thương nhân đăng ký tham gia đưa hàng về khu vực trung chuyển là phải có ít nhất 1.000 tấn hàng hóa về chợ mỗi đêm, nếu hoạt động hết công suất.
Theo ông Phương, dịch đang bủa vây, phong tỏa khắp nơi nên việc đưa được hàng hóa về ngày càng khó khăn hơn. Các thương nhân phải tổ chức tất cả hoạt động cho hàng hóa của mình, từ vận chuyển, tổ chức đội ngũ bốc dỡ hàng hóa, phân loại, sắp xếp… Trước đó, toàn bộ xe chở hàng và tài xế, nhân viên bốc xếp phải được đăng ký trước, có xét nghiệm Covid-19 âm tính. Xe đăng ký chở hàng vào khu vực trung chuyển thì tài xế tuy có giấy xét nghiệm nhưng buộc ngồi trên xe luôn, không được xuống khu vực chợ nên cũng không phụ bốc dỡ hàng được…
“Mọi đăng ký của thương nhân đều phải được điền theo mẫu gửi trước cho Công ty quản lý trước khi đưa hàng về. Những việc này với thương nhân kinh doanh tại chợ xưa nay chưa từng làm, nên gặp khó khăn. Ngoài ra, do tâm lý lo lắng dịch bệnh, tìm nhân viên xét nghiệm đầy đủ để làm ngay không có, nhiều người có tâm lý không muốn bán hàng lúc này, nói đúng hơn họ không mặn mà mua bán lúc này”, ông Phương thông tin và dự báo, với lượng xe của thương nhân đã đăng ký đổ hàng vào khu vực chợ khuya nay, hàng hóa về sẽ ít hơn nữa.
Điểm tập trung hàng hóa tại chợ Thủ Đức mới được phép lập tối 11.7, bên trong khu vực bãi đậu xe container có diện tích rộng gần 8.500 m2, được chia làm 18 ô cho 18 thương nhân lớn đã đăng ký. Thời gian hoạt động sẽ từ 17 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Việc kiểm soát dịch Covid-19 tại điểm trung chuyển này được thực hiện nghiêm ngặt. Theo dự tính ban đầu, nếu hoạt động hết công suất, mỗi đêm, 18 thương nhân này cũng đưa về chợ hơn 1.000 tấn, giải quyết được cơn khát thiếu hàng rau củ tươi của người dân thành phố.
Bình luận (0)