Ngày hướng về nguồn cội

02/09/2015 05:26 GMT+7

Trong tâm thức của bà con kiều bào, Quốc khánh 2.9 là ngày mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc VN và đây cũng là một ngày đặc biệt để mọi người hướng về nguồn cội.

Trong tâm thức của bà con kiều bào, Quốc khánh 2.9 là ngày mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc VN và đây cũng là một ngày đặc biệt để mọi người hướng về nguồn cội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi kiều bào về quê hương đón Tết 2015
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi kiều bào về quê hương đón Tết 2015 - Ảnh: Diệp Đức Minh
GS-TSKH Đặng Lương Mô là kiều bào thành danh ở Nhật Bản với hơn 300 công trình nghiên cứu, hơn 10 bằng phát minh, sáng chế về lĩnh vực điện tử. Năm 2003, ông từ Nhật về hẳn VN với mong muốn góp sức phát triển lĩnh vực kỹ thuật điện tử nước nhà. Hai năm sau khi về nước, ông là người đề xuất và đặt nền móng cho việc thành lập Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDEC, thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) để nghiên cứu chuyên sâu về vi mạch và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển công nghiệp vi mạch, công nghiệp ứng dụng vi mạch. Những thành tựu nổi bật của ICDEC như sở hữu trên 50 bản thiết kế (IP) có giá trị khoảng 40 triệu USD, công nghệ thiết kế hơn 10 loại chip khác nhau... có công đóng góp to lớn của ông với vai trò là cố vấn cao cấp.
Là một trong những khách mời đặc biệt trong số gần 100 vị khách mời của buổi họp mặt kiều bào do Ủy ban Người VN ở nước ngoài TP.HCM tổ chức vào hôm qua 1.9, GS-TSKH Đặng Lương Mô rất xúc động khi nhớ lại khí thế hào hùng của những ngày đầu đất nước độc lập. Ông chia sẻ: “70 năm đã trôi qua, tôi có lẽ là một trong số ít người ngồi đây được chứng kiến cuộc Cách mạng Tháng 8 và nghe bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa qua đài phát thanh. Lúc đó tôi 9 tuổi, học lớp 4 và đã đủ trí khôn để nhận biết được một sự chuyển biến lớn lao trong bầu không khí lịch sử với những cuộc mít tinh lớn diễn ra hằng ngày. Lúc đó, tuy chưa hiểu hết khái niệm tự do, bình đẳng nhưng tôi vẫn nhận biết được có sự đổi đời to lớn...”.
Theo GS, ngày nay đất nước VN đã phát triển nhiều mặt, trở thành một quốc gia có uy tín và được bạn bè khắp năm châu nể trọng. Trong tâm thức của bà con kiều bào, Quốc khánh 2.9 là ngày mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc VN, và đây cũng là một ngày đặc biệt để mọi người hướng về nguồn cội. Mỗi người VN dù ở trong nước hay sống ở nước ngoài không thể nào quên được khí thế hào hùng của đất nước những ngày đầu độc lập, khi mà lần đầu tiên người VN có thể hãnh diện, tự hào, ngẩng đầu cao trở thành người công dân của một nước tự do.
Buổi họp mặt còn có sự hiện diện của GS-TS Võ Văn Tới, người từng được Tổng thống Mỹ J.Bush bổ nhiệm làm thành viên HĐQT Quỹ giáo dục VN (VEF) năm 2004 và trở thành Giám đốc điều hành VEF năm 2007. Mặc dù đã làm nhiều việc góp phần phát triển nền giáo dục VN và đặc biệt là sáng kiến “On the way home” - Đường về Tổ quốc (chương trình được xem như bản đồ chỉ hướng quay về cho các nghiên cứu sinh để họ cống hiến kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của mình cho quê hương), nhưng tâm huyết và khát khao cống hiến cho đất nước vẫn còn luôn cháy bỏng trong ông.
Trở về quê hương sau hơn 40 năm xa cách, bây giờ GS-TS Võ Văn Tới tiếp tục gắn bó với sự nghiệp giáo dục trên cương vị Trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh, Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Chia sẻ cảm xúc tại buổi họp mặt, ông cho rằng sự cởi mở của đất nước là một trong những điểm khởi đầu quan trọng để kiều bào trở về cống hiến, cùng xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Yếu tố căn bản để đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng phát triển là yếu tố con người, phải thu hút được chất xám từ những Việt kiều hoặc những người ngoại quốc sang VN tìm cơ hội để phát huy tài năng của họ.
“Đối với những người nghiên cứu khoa học đã thành đạt ở nước ngoài và còn đầy năng lực, sự trở về là một quyết định khó khăn, là sự hy sinh lớn. Họ phải bỏ những thành tựu về tinh thần và vật chất mà họ đã dày công vun đắp, bỏ đi những cơ hội mà họ sắp đạt được để trở về bắt đầu từ con số 0 và nhất là họ phải chấp nhận có thể sẽ không bao giờ đạt được những gì giống như họ đang có khi ở nước ngoài”, ông nhìn nhận và nói thêm: “Muốn giữ người tài phải tạo môi trường, cơ hội thi thố tài năng. Cuộc sống cũng cần phải tốt đẹp. Đó là hai yếu tố quan trọng để thu hút người tài trở về. Bên cạnh đó, làm sao để có người biết thu hút nhân tài, tức là người hiểu rõ những suy nghĩ, ước muốn của những Việt kiều tài năng, tâm huyết, nếu không thì chính sách khó mang lại hiệu quả như mong muốn. Hiện tại, chúng ta đang có những chính sách tốt để thu hút nhân tài nhưng những chính sách đó cần cụ thể hơn, tạo ra được động lực để có thể có được hiệu quả thật sự”.
Dịp này, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì cho ông Phan Thám, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Người VN ở nước ngoài TP.HCM; Huân chương Lao động hạng ba cho GS-TSKH Đặng Lương Mô, cố vấn ĐH Quốc gia TP.HCM. Thủ tướng tặng bằng khen cho GS-TS Võ Văn Tới, Trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh, Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.