Ngày mới với tin tức sức khỏe: Cách đơn giản phòng bệnh tiểu đường

04/04/2024 00:10 GMT+7

'Nghiên cứu mới được công bố gần đây cho thấy ngủ không đủ thời gian cần thiết có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ngay cả khi ăn uống lành mạnh'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!

Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Nắng nóng, lưu ý những dấu hiệu sốc nhiệt cần cấp cứu; 3 loại thuốc nếu đã uống thì cần chú ý khi tập thể dục; Dấu hiệu co thắt cơ thật ra là bệnh thận...

Ngủ bao nhiêu tiếng mỗi đêm là tốt nhất để tránh bệnh tiểu đường?

Nghiên cứu mới được công bố gần đây trên tạp chí y khoa JAMA Network Open, cho thấy ngủ không đủ thời gian cần thiết có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ngay cả khi ăn uống lành mạnh.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, mọi người đều đã biết cần phải giữ cân nặng khỏe mạnh, ăn uống lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Cách đơn giản phòng bệnh tiểu đường- Ảnh 1.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng muốn tránh bệnh tiểu đường, cần phải ngủ ít nhất 6 tiếng mỗi đêm

Freepik

Giờ đây, các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng muốn tránh bệnh tiểu đường, chỉ thực hiện những điều trên thôi chưa đủ mà còn phải ngủ ít nhất 6 tiếng, lý tưởng nhất là 7 - 8 tiếng mỗi đêm.

Nghiên cứu, do tiến sĩ Christian Benedict, phó giáo sư tại Đại học Uppsala (Thụy Điển), dẫn đầu, đã đánh giá giấc ngủ và chế độ ăn uống của 247.867 người tham gia ở độ tuổi từ 38 đến 71.

Thói quen ăn uống của họ được xếp loại từ 0 (không lành mạnh nhất) đến 5 (lành mạnh nhất), dựa trên mức tiêu thụ thịt đỏ, thịt chế biến, trái cây, rau và cá. Trong thời gian theo dõi 13 năm, có 7.905 người phát triển bệnh tiểu đường loại 2.

Kết quả đã phát hiện ra rằng ngủ từ 7 - 8 tiếng là tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ngược lại, dù ăn uống lành mạnh, nhưng nếu ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm (từ 3 - 5 tiếng) vẫn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn đáng kể, so với ngủ 7 - 8 tiếng. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 4.4.

3 loại thuốc nếu đã uống thì cần chú ý khi tập thể dục

Cho dù bạn bao nhiêu tuổi thì thói quen tập thể dục, vận động thường xuyên vẫn luôn cần thiết cho sức khỏe. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích của tập thể dục, những người đang sử dụng một số loại thuốc cần thận trọng khi tập luyện.

Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) cho biết tập thể dục thường xuyên có thể giảm đến 50% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và ung thư ruột kết. Ngoài ra, tập luyện đều đặn cũng giúp giảm 30% nguy cơ mắc trầm cảm, mất trí nhớ và chết sớm.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Cách đơn giản phòng bệnh tiểu đường- Ảnh 2.

Dù có thể bị ảnh hưởng do tác dụng phụ của một số loại thuốc nhưng tập thể dục vẫn rất cần thiết cho sức khỏe

PEXELS

Trên thực tế, khi đang uống một số loại thuốc, việc tập thể dục có thể gây ra một số tác động không mong muốn đến cơ thể. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là không nên tập luyện. Người bệnh vẫn cần tập nhưng nên chú ý những tác động không mong muốn để tối ưu hóa lợi ích cho sức khỏe.

Thuốc ngủ. Một số loại thuốc chữa chứng mất ngủ như Ambien, Lunesta có thể gây tác dụng phụ đau đầu, chóng mặt và buồn ngủ kéo dài vào sáng hôm sau. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thói quen tập thể dục vào buổi sáng.

Khi đó, người bệnh nên thay đổi thời gian tập luyện vào những khung giờ muộn hơn trong ngày. Việc tập luyện đều đặn rất quan trọng vì không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, mà còn giúp dễ chìm vào giấc ngủ hơn.

Statin. Đối với những người bị cholesterol trong máu cao thì statin là loại thuốc thường được sử dụng để kiểm soát bệnh. Statin được chứng minh là có hiệu quả cao, thậm chí giúp giảm đến 50% cholesterol "xấu" LDL.

Tuy nhiên, một trong những tác dụng phụ tiềm ẩn của statin là đau cơ, chuột rút và đau nhức. Các tác dụng phụ này đôi khi sẽ gây cảm thấy khó chịu khi thực hiện một số bài tập tạo áp lực lên cơ. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 4.4.

Dấu hiệu co thắt cơ thật ra là bệnh thận

Tập luyện cường độ tập luyện cao, căng thẳng thần kinh, mất nước hoặc thiếu chất đều có thể gây co thắt cơ. Nhưng bên cạnh đó, một số bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh thận mạn tính, cũng có thể gây co thắt cơ.

Bệnh thận mạn tính là tình trạng mà thận không thể hoạt động bình thường, từ đó làm giảm khả năng lọc máu và loại bỏ chất thải, chất lỏng dư thừa khỏi cơ thể. Hệ quả là làm tăng nồng độ kali, phốt pho trong máu cùng hàng loạt vấn đề sức khỏe khác như thiếu máu, chán ăn, trầm cảm.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Cách đơn giản phòng bệnh tiểu đường- Ảnh 3.

Co thắt cơ có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh thận mạn tính

PEXELS

Sự mất cân bằng của các chất điện giải như canxi, phốt pho sẽ dẫn đến những cơn co thắt cơ bắp. Không những vậy, sự tích tụ chất thải trong cơ thể do quá trình trao đổi chất tạo ra sẽ khiến cơ và dây thần kinh bị tổn thương, dẫn đến co giật, yếu sức, chuột rút và đau cơ.

Người bệnh khi bị co thắt cơ thì cần nghỉ ngơi, giãn cơ nhẹ nhàng và xoa bóp cơ. Các biện pháp như tắm nước ấm, đi giày thoải mái và uống đủ nước có thể giúp giảm đau khi bị co thắt cơ.

Ngoài ra, tình trạng này cũng dẫn đến các triệu chứng khác như cảm giác kim chích trên da, mất cảm giác ở một số vùng trên cơ thể, hội chứng chân không yên và hôn mê. Thế nhưng, trong giai đoạn đầu, người mắc dễ nhầm lẫn các triệu chứng của bệnh thận với những bệnh thông thường khác. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.