Ngày mới với tin tức sức khỏe: Cách tránh các bệnh nguy hiểm khi phải ngồi nhiều

27/12/2023 00:10 GMT+7

'Ngồi liên tục quá lâu làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe mạn tính. Sau đây, các chuyên gia cảnh báo các tác hại của việc ngồi cả ngày và chỉ cách để bạn tránh được tác hại của ngồi nhiều'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!

Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Bác sĩ chỉ cách chăm sóc da nhạy cảm khi trời trở lạnh; Vì sao con người lại có răng khôn?; Hàng chục người bị cốt tủy viêm xương, 6 ca tử vong...

Lỗi phổ biến nhân viên văn phòng cần tránh để ngăn ngừa tiểu đường, đột quỵ

Ngồi liên tục quá lâu làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe mạn tính, như bệnh tim, tiểu đường và ung thư.

Có rất nhiều cách đơn giản để biến ngày làm việc của bạn trở nên năng động hơn. Thỉnh thoảng đứng lên đi lại sẽ giúp bạn tránh được các mối nguy và giảm nguy cơ tử vong sớm.

Sau đây, các chuyên gia cảnh báo các tác hại của việc ngồi cả ngày và chỉ cách để bạn tránh được tác hại của ngồi nhiều.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Cách tránh các bệnh nguy hiểm khi phải ngồi nhiều- Ảnh 1.

Ngồi liên tục quá lâu làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe mạn tính, như bệnh tim, tiểu đường

Shutterstock

Thoái hóa cột sống sớm. Theo tiến sĩ R. A. Purnachandra Tejaswi, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, Bệnh viện Yashoda Hyderabad (Ấn Độ), ngồi trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề về lưng, đặc biệt nếu thường xuyên ngồi sai tư thế. Tư thế xấu cũng có thể gây các vấn đề về cột sống như chèn ép đĩa đệm cột sống, dẫn đến thoái hóa sớm và có thể gây đau.

Tích tụ mỡ bụng. Nếu ngồi nhiều, quá trình tiêu hóa sẽ không hiệu quả, dẫn đến giữ lại chất béo và đường dưới dạng mỡ bụng.

Có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Tiến sĩ Tejawsi lưu ý rằng các nghiên cứu mới đây cho thấy ngồi quá lâu có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư, bao gồm ung thư phổi, tử cung và ruột kết. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 27.12.

Vì sao con người lại có răng khôn?

Không phải ai cũng mọc răng khôn và dù có mọc thì cũng không nhất thiết phải mọc cả 4 chiếc. Răng khôn được xem là những gì còn sót lại trong quá trình tiến hóa của con người.

Răng khôn là chiếc răng số 8 nằm ở vị trí trong cùng của hàm, hay còn gọi là răng hàm lớn thứ ba. Chúng trông giống như răng hàm lớn thứ nhất và thứ hai, nhưng đôi khi có thể nhỏ hơn một chút.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Cách tránh các bệnh nguy hiểm khi phải ngồi nhiều- Ảnh 2.

Răng khôn thường không cần nhổ nếu phát triển khỏe mạnh và mọc đúng vị trí

SHUTTERSTOCK

Sở dĩ chúng được gọi là răng khôn vì đây là chiếc răng vĩnh viễn được mọc lên cuối cùng trong số 32 chiếc răng vĩnh viễn, vốn mọc để thay răng sữa. Răng khôn mọc trong độ tuổi từ 17 đến 35. Lúc này, chúng ta đã trưởng thành và khôn ngoan hơn nên chúng được gọi là răng khôn.

Không phải ai cũng mọc đủ 4 chiếc răng khôn ở 4 vị trí trong cùng của hàm, thậm chí có người còn không mọc.

Nhiều nghiên cứu cho thấy khoảng 25% người hiện đại đã biến mất hoàn toàn ít nhất 1 trong 4 chiếc răng khôn. Hay nói cách khác, những chiếc răng này không phải là không mọc mà là chúng không hình thành trong hàm.

Răng khôn mọc lệch thường xuất hiện ở hàm dưới hơn là hàm trên. Chúng có thể gây đau nhức, viêm nướu nên cần được nhổ bỏ. Tuy nhiên, nếu răng khôn mọc khỏe mạnh, đúng vị trí thì có thể không cần nhổ. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 27.12.

Bác sĩ chỉ cách chăm sóc da nhạy cảm khi trời trở lạnh

Trong thời tiết giao mùa chuyển lạnh, nhiều người gặp phải các bệnh lý về da như khô da, da dễ bị kích ứng, dị ứng với các triệu chứng như khô da, ngứa, nổi mề đay...

Thạc sĩ - bác sĩ Lê Minh Châu (khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết vào thời tiết giao mùa, chuyển lạnh, người dân thường gặp phải các bệnh lý về da như khô da, da dễ bị kích ứng, dị ứng. Ngoài ra, những bệnh lý da có liên quan tới hàng rào bảo vệ da như vảy nến, viêm da cơ địa, chàm cũng dễ bùng phát trong dịp này

Dị ứng da do thời tiết thường có những triệu chứng sau đây: da khô, ngứa, đỏ, nổi mề đay, bong vảy mịn. Và ngứa thường làm bệnh nhân dễ cào gãi, nhiễm trùng.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Cách tránh các bệnh nguy hiểm khi phải ngồi nhiều- Ảnh 3.

Có khoảng 40% người bị dị ứng với các dị nguyên trong không khí

SHUTTERSTOCK

Theo ước tính của Hiệp hội Dị ứng thế giới, có khoảng 40% người bị dị ứng với các dị nguyên trong không khí. Khi bị dị ứng, bệnh nhân có thể bị viêm mũi dị ứng, hen suyễn hay dị ứng da.

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Phương Thảo (khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), cho biết tình trạng khô da sinh lý bình thường sẽ không có các triệu chứng quá nặng. Đôi khi da sần sần, sờ thô ráp. Đối với trường hợp khô da bệnh lý, bên cạnh cảm giác da không còn mịn màng, sẽ xuất hiện tình trạng bong vảy hoặc kèm đỏ da.

Khô da thường xuất hiện ở những vùng da hở như mặt, tay, chân, đầu gối... Dù khô da không gây nguy hiểm, nhưng có nhiều đối tượng như suy thận mạn, nhiễm HIV, nếu chứng khô da không được xử trí kịp thời có thể gây biến chứng nặng nề. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.