Ngày mới với tin tức sức khỏe: Thêm lợi ích tuyệt vời của tỏi

06/06/2024 00:10 GMT+7

'Trong phân tích đánh giá vừa được công bố trên một tạp chí khoa học, bằng chứng từ 29 nghiên cứu đã chứng minh tỏi có tác dụng giảm cả đường huyết và cholesterol cao'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!

Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Bác sĩ chia sẻ những lợi ích tuyệt vời của ngải cứu; Căng thẳng kéo dài tác động đến cholesterol?; Khó nuốt kéo dài có thể bị ung thư gì?...

Phát hiện lợi ích kép khi ăn 1 - 2 tép tỏi mỗi ngày

Trong phân tích đánh giá vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nutrients, bằng chứng từ 29 nghiên cứu đã chứng minh tỏi có tác dụng giảm cả đường huyết và cholesterol cao.

Các nhà khoa học tại Đại học Đông Nam và Đại học Xizang Minzu (Trung Quốc) đã tiến hành đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp để điều tra tác động của tỏi đối với mỡ máu và mức đường huyết.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Thêm lợi ích tuyệt vời của tỏi- Ảnh 1.

Tốt nhất nên ăn mỗi ngày 1 - 2 tép tỏi sống

Pexels

Các tác giả đã tìm kiếm dữ liệu từ 4 cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về tác dụng của tỏi đối với mức glucose và lipid trong máu.

Hai nhà nghiên cứu độc lập sau khi trích xuất dữ liệu, đã phân tích 22 tài liệu, bao gồm 29 thử nghiệm, với tổng cộng 1.567 người tham gia từ 11 quốc gia, bao gồm Canada, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Israel, Nga, Brazil, Đan Mạch... Những người tham gia có độ tuổi từ 18 đến 80 và thời gian can thiệp bằng tỏi kéo dài từ 3 tuần đến 1 năm.

Hầu hết người tham gia không sử dụng thuốc trong thời gian nghiên cứu, trong khi một số vẫn tiếp tục dùng thuốc hằng ngày. Các chế phẩm từ tỏi bao gồm bột, tỏi sống, dầu tỏi, chiết xuất và viên chất bổ sung, với liều lượng hằng ngày khác nhau.

Kết quả cho thấy tiêu thụ tỏi có hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết và cholesterol. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 6.6.

Căng thẳng kéo dài tác động đến cholesterol?

Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra một số hoóc môn làm tăng nhịp tim, tăng nhịp thở và một số phản ứng cơ thể khác. Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy căng thẳng còn tác động đến nồng độ cholesterol trong máu.

Căng thẳng sẽ làm giải phóng các hoóc môn như cortisol và adrenaline. Những hoóc môn này khiến nhịp thở và nhịp tim tăng lên để chuẩn bị cho việc chạy trốn hoặc chiến đấu. Trong tự nhiên, các phản ứng này sẽ giúp chúng ta đối phó tức thì với các mối đe dọa, chẳng hạn như thú dữ.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Thêm lợi ích tuyệt vời của tỏi- Ảnh 2.

Căng thẳng kéo dài sẽ làm tăng nồng độ cholesterol trong máu

PEXELS

Tuy nhiên, trong thời hiện đại, con người hiếm khi phải đối diện với các mối đe dọa ngoài tự nhiên, chẳng hạn như rắn độc hay thú dữ. Đổi lại, chúng ta thường đối diện với những mối đe dọa khác mang tính xã hội, chẳng hạn như mất việc hay nợ nần.

Khi các mối đe dọa trên không được giải quyết thì căng thẳng sẽ kéo dài và dễ trở thành mạn tính. Căng thẳng mạn tính có thể tạo ra một loạt vấn đề sức khỏe tâm lý như trầm cảm hay rối loạn lo âu. Những vấn đề này sẽ gây ra các triệu chứng như đau đầu, nôn mửa, đau nhức cơ, mất ngủ, tăng cân, hay quên, giảm khả năng tập trung và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Không những vậy, một số nghiên cứu đã phát hiện mối quan hệ giữa căng thẳng, lo âu và mức cholesterol trong máu. Cụ thể, căng thẳng, lo âu sẽ làm tăng mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL). Đây thường được xem là cholesterol "xấu" do làm tăng rủi ro với một số bệnh tim mạch. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 6.6.

Khó nuốt kéo dài có thể bị ung thư gì?

Khó nuốt luôn gây cảm giác khó chịu. Viêm nhiễm ở cổ họng, trào ngược hay tác dụng phụ của thuốc đều có thể gây khó nuốt. Và trong một số trường hợp, ung thư cũng gây khó nuốt.

Khó nuốt là triệu chứng của một số loại ung thư ảnh hưởng đến miệng, hàm, đầu và cổ. Chính sự phát triển của khối u ung thư làm tắc nghẽn cổ họng hoặc thay đổi hoạt động của môi, lưỡi và các cơ trong miệng. Tất cả đều sẽ gây khó nuốt.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Thêm lợi ích tuyệt vời của tỏi- Ảnh 3.

Khi bị khó nuốt kéo dài không khỏi, cần đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt

PEXELS

Các loại ung thư có thể dẫn đến triệu chứng khó nuốt gồm:

Ung thư tuyến giáp. Tuyến giáp nằm ở đáy cổ họng. Do đó, một khối u ung thư phát triển ở tuyến giáp sẽ gây khó nuốt. Ngoài ra, ung thư tuyến giáp còn xuất hiện một số triệu chứng khác là đau, sưng cổ, thay đổi giọng nói, khó thở, ho mạn tính và có khối u ở cổ họng.

Ung thư thanh quản. Ung thư thanh quản là loại ung thư mà tế bào bệnh phát triển trong các mô thanh quản. Tế bào ung thư có thể lan sang các mô lân cận hoặc lan đến tuyến giáp, khí quản, thực quản. Ngoài khó nuốt, ung thư thanh quản sẽ gây ra một số triệu chứng như đau họng dữ dội, đau tai, thay đổi giọng nói, ho kéo dài không hết, có khối u hay sưng ở cổ.

Ung thư tuyến nước bọt. Ung thư tuyến nước bọt là loại ung thư hiếm gặp. Tế bào bệnh sẽ hình thành trong các mô của tuyến nước bọt. Tiếp xúc với một số tia bức xạ có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến nước bọt. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.