Một ngày tháng 5, tôi nhận được điện thoại lúc đêm khuya, là một người bạn. Lặng đi một lúc, không thấy ai nói gì, chỉ nghe thấy tiếng nấc. Người đàn ông hơn 50 tuổi òa khóc. Anh nói, anh nhớ mẹ. Đọc bài viết về những lần mẹ nói dối, trong anh lại càng cồn cào nỗi nhớ thương mẹ, người đã rời xa cõi trần cách đây hơn 40 năm. Tối hôm trước, như có một điềm gì đó, mẹ đi khắp xóm để thăm hỏi bà con. Tối hôm đó, mẹ đi ngủ, và đó là giấc ngủ vĩnh viễn, mẹ không bao giờ tỉnh dậy. Anh lúc đó mới 13, 14 tuổi chỉ biết gào khóc, nhớ mẹ quay quắt, mỗi khi nhìn thấy chiếc cặp táp hay đôi giày tây mẹ mua cho. Và khi lớn lên, già đi, nỗi nhớ mẹ lại càng sâu thẳm hơn, nó chôn chặt trong lồng ngực, chỉ chờ một dịp nào đó để tuông ra. “Mồ côi mẹ hơn 40 năm rồi, anh vẫn thèm lắm cây roi mây của mẹ. Thèm được nghe mẹ chửi, thèm được mẹ đánh đòn, mà không được”, người đàn ông bật khóc.
Mới đây, tôi đón nhận một tin không vui, cụ Lê Thị Hòe, người mẹ già yếu 90 tuổi của một nhân vật mà tôi từng viết bài ở Quảng Ninh, đã qua đời. Người mẹ suốt cả cuộc đời chăm lo cho người con trai của mình là anh Cao Bá Quát mắc bệnh hiểm nghèo, 31 năm sống treo trên dây, chưa có một ngày nào được nghỉ ngơi. Đến khi lìa đời, cụ Hòe vẫn chưa thể yên tâm nhắm mắt, khi người con trai mình vẫn tiếp tục sự sống trên những sợi dây. Từ ngày mẹ mất, con gái của cụ bà, chị Cao Thị Thu Hương không có một đêm nào ngủ được vì thương nhớ mẹ. Những ngày cuối đời, mẹ chị lúc nhớ lúc quên, gần như không thể di chuyển, một tay chị vừa chăm mẹ, vừa chăm em trai sống trên sợi dây, nhưng chị không nề hà. Lời nguyện cầu cho mẹ sống bên chị dài hơn, không bao giờ trở thành hiện thực. Bao nhiêu đêm trắng, là bấy nhiêu đêm chị khóc thầm vì thương nhớ mẹ.
Vu lan báo hiếu, một dịp trong năm để người ta nhìn lại công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, để nhắc nhở mỗi người sống theo đúng đạo lý. Chị Hương, hay người đàn ông mồ côi mẹ hơn 40 năm qua đều tâm niệm, tưởng nhớ về mẹ không phải chỉ trong một hai ngày, không phải lúc mẹ sống thì lạnh nhạt, đối xử tệ bạc, đến khi chết thì làm mâm cao cỗ đầy, mời dàn kèn tây về thổi linh đình trong đám tang. Hiếu kính với mẹ, có tấm lòng báo hiếu thì ngày nào cũng là Vu lan...
“Trong cuộc đời con có thể có nhiều ngày đau buồn, nhưng ngày đau buồn nhất là ngày con mất mẹ”. Tôi không thể nào quên câu nói ấy trong một cuốn sách mình từng đọc hồi thơ bé. Những chuyến đi, những cuộc gặp đầy nước mắt với những nhân vật của mình, càng cho tôi thấm thía nỗi đau ấy và hiểu rằng, mẹ là điều quý giá nhất trên đời mà mỗi đứa con được có. Dù mẹ còn sống hay đã lìa xa, thì việc được làm con của mẹ đã là một hạnh phúc vô giá.
Bình luận (0)