“DNA nghề giáo” trong các thầy cô
Đối với tôi, nghề giáo luôn là một nghề cao quý. Mỗi người thầy đều vô cùng quan trọng, trong từng thời điểm cuộc đời mình.
Có thể bởi tôi là một đứa trẻ chưa bao giờ biết ghét, giận thầy cô của mình. Trái lại, tôi luôn thèm muốn được trở thành đứa học trò gần gũi nhất với các thầy cô. Cả khi tổn thương nhất vì những vô tình của các thầy cô, thằng bé tôi ngày đó vẫn thiết tha với thầy cô ấy, đến tận giờ, khi nhớ lại hoặc những ngày hội ngộ, họp lớp, họp khóa, tôi vẫn giữ được vẹn nguyên những thiết tha ấy.
Hầu hết học trò đều mong được gần gũi với thầy cô |
đ.n.t |
Trong 12 năm làm một công việc liên quan đến tuổi mới lớn, tôi có cơ hội đọc hàng triệu bức thư của học trò, tôi nhận ra không phải chỉ mình tôi nghĩ thế. Hầu hết học trò đều nghĩ thế, về các thầy cô của mình. Lũ trẻ chưa từng ghét, giận thầy cô. Hầu hết mọi đứa trẻ trong những bức thư tâm sự gửi tôi, đều thiết tha mong được thầy cô để mắt tới mình, gần gũi với mình, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của mình.
Cũng có những đứa trẻ ghét thầy cô, nhưng không nhiều như chúng ta hằng nghĩ. Chỉ là những đứa trẻ bị tổn thương tâm lý lâu ngày và phần nhiều trong số chúng, là do chính cha mẹ tiêm nhiễm vào đầu chúng về sự xấu xí của thầy cô. Bằng khi cha mẹ chúng giữ được sự tôn trọng thầy cô, yêu mến thầy cô, những đứa trẻ cũng sẽ như vậy. Nó như một dạng di truyền vậy.
Tôi may mắn khi có cha mẹ như thế! Cha tôi học hết lớp 7, mẹ tôi học hết lớp 3, nên họ khát khao mong con yêu mến thầy cô để học được cái chữ, thành một người có kiến thức hơn họ mai này.
12 năm phổ thông, 4 năm ĐH, là 16 năm với gần trăm thầy cô đã từng dạy mình, không phải mọi thầy cô đều làm tròn bổn phận một giáo viên. Có những thầy cô coi nghề giáo như một công việc tay chân, rập khuôn bài giảng. Nhưng tôi luôn tin rằng trong họ ai cũng có “DNA nghề giáo”. Thứ DNA ấy nếu mất đi, họ sẽ không còn muốn làm giáo viên nữa.
Hãy giúp thầy cô nuôi lửa
“DNA nghề giáo” là khát khao cho đi, truyền thụ và dẫn đường. Mỗi giáo viên lại có cách “phát tiết” khác nhau đoạn DNA ấy, tất nhiên, là lửa. Nó chờ bùng cháy lên khi gặp gió, là sự thiết tha của học trò dành cho họ. Thế nên có những thầy cô “nhạt lửa” là bởi họ chưa nhận ra gió từ học trò mình.
Không phải vì theo năm tháng ngọn lửa đó yếu đi. Mà là học trò chưa giúp thầy cô bắt lửa. Mà là nhiều phụ huynh về sau này đã “tạt nước” vào những ngọn lửa đó.
Thứ khiến tôi thất vọng nhất của giáo dục thời nay không phải về các thầy cô mà lại chính là từ các phụ huynh. Những phụ huynh quên rằng mình đã từng là những học trò thiết tha với các thầy cô. Họ quên cả việc họ từng là trẻ con, từng tổn thương thế nào trước cách giáo dục sai lầm của cha mẹ họ, họ lặp lại điều đó lên con cái họ.
20.11, tôi nghĩ về “DNA nghề giáo”, thứ được cài mặc định trong mỗi thầy cô. Chỉ khi có “DNA nghề giáo” họ mới chọn làm nghề giáo thay vì chọn những nghề nghiệp khác dễ dàng hơn, đỡ vất vả hơn, kiếm ra tiền có khi còn nhiều hơn. Giống như những người thuộc nhóm máu O- nhóm máu cho đi, họ cũng vậy.
Thầy cô rút ruột mình cho mỗi đứa trẻ của chúng ta. Họ cũng có những khi sai lầm, lạc lối. Nhưng thứ chúng ta có thể làm đó là hãy giúp họ "nuôi lửa", bằng sự thiết tha và biết ơn của mình. Biết ơn họ đã góp một phần giúp những đứa trẻ của chúng ta trưởng thành bớt đau đớn.
Đừng nghĩ tiêu cực, đừng nói ra những câu nói đau lòng về nghề giáo. Sai thì kỷ luật nhưng đúng thì đừng coi đó là sự mặc nhiên. Học phí cho con đừng chỉ là số tiền bạn đóng học cho con, mà hãy là cả những tri ân, những lòng tin ứng trước.
Hôm nay, nghĩ về thầy cô, về nghề giáo, xin các cha mẹ hãy nghĩ về sự trưởng thành của con cái mình để dành tặng các thầy cô lòng biết ơn. Đó mới là những bó hoa đẹp nhất mà chúng ta dành tặng thầy cô nhân ngày Nhà giáo 20.11 vậy!
Bình luận (0)