Bêu tên học sinh hay cầm dao xông vào trường học đều có thể bị phạt tiền

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
10/11/2022 06:05 GMT+7

Vụ hiệu trưởng nhắc nhở học sinh chưa đóng bảo hiểm y tế khiến phụ huynh cầm dao xông vào trường, giảng viên chửi mắng sinh viên, học sinh xúc phạm giáo viên... Tất cả những hành vi này đều có thể bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

Chỉ giải quyết phần ngọn ?

Theo đó, những hành vi như hiệu trưởng bêu tên học sinh vi phạm trước giờ chào cờ, giáo viên (GV) chì chiết học sinh (HS) trước tập thể lớp, phụ huynh cầm dao xông vào trường "bắt lỗi" giáo viên hay học trò chửi bới, xúc phạm GV... đều được xem là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Tất cả những vấn đề này đều được quy định tại thông tư về Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên của Bộ GD-ĐT năm 2019.

Đồng thời, Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục (2021) và mới đây nhất là Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, cũng đều đề cập tới việc xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người học trong các cơ sở giáo dục.

Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Lê Minh Tiến, giảng viên Khoa Xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM, nhận định: "Có thể nói, trong thời gian qua, môi trường học đường ở nước ta đã xảy ra nhiều vụ việc phụ huynh HS, HS xúc phạm GV, GV có những hành động không phù hợp với HS… Những vụ việc này có vẻ như diễn ra ngày càng nhiều hơn đến mức cơ quan chức năng đã phải ban hành Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục như trên.

Trường học cần xây dựng văn hóa ứng xử, dựa trên nguyên tắc giáo dục phải lấy học sinh làm trung tâm

ĐÀO NGỌC THẠCH

Để tìm hiểu nguyên nhân của những sự việc này, theo thạc sĩ Tiến, cần xem xét lại toàn bộ quy trình tuyển chọn và đào tạo những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục. "Liệu chúng ta có chọn đúng người thật sự muốn theo sự nghiệp giáo dục để đào tạo không? Phải chăng trong quá trình đào tạo, chúng ta đã chỉ chú trọng đến các kỹ năng truyền đạt các nội dung khoa học hơn là chú trọng đào tạo đạo đức cho những người theo học ngành sư phạm? Đồng thời, việc phụ huynh HS và HS có ứng xử phi chuẩn mực đối với thầy cô giáo cũng là một biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội. Nếu chúng ta chưa nhìn ra những vấn đề này thì một hay vài nghị định xử phạt cũng không có ý nghĩa nhiều trên thực tế", thạc sĩ Tiến cho biết.

Ở một góc độ khác, ông Hồ Thanh Bình (Viện Khoa học giáo dục VN) cho rằng lối ứng xử thiếu nhân văn, mang tính xúc phạm lẫn nhau trong môi trường giáo dục gần đây xảy ra ngày càng nhiều mà nguyên nhân là do xã hội mất lòng tin lẫn nhau, trẻ con mất lòng tin vào người lớn, người lớn thiếu tôn trọng con trẻ.

"Nguyên nhân của những hành vi chệch chuẩn trên đều bắt nguồn từ nhận thức. Nếu GV tôn trọng HS, yêu thương HS thì sẽ không có phụ huynh nào "mang dao xông vào trường" cả. Đã có quy định những hành vi ấy bị phạt tiền, nhưng răn đe bằng phạt tiền chỉ có thể hạn chế phần nào và giải quyết được phần "ngọn", còn phần gốc vẫn là nhận thức của mỗi người. Tức là sâu thẳm bên trong, người thầy có thật sự biết tôn trọng HS hay không, có yêu thương HS hay không", ông Hồ Thanh Bình nhận định.

"Nhiều lúc giận lắm... nhưng"

Cô Nguyễn Thị Hà, GV Trường THCS Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai, kể lại: "Trong cuộc đời mấy chục năm làm GV của mình, tôi cũng đã trải qua những tình huống tưởng như nếu không kiềm chế được thì hậu quả chắc sẽ rất khủng khiếp. Đó là khi học trò không học bài, không làm bài tập, lên lớp lại nói chuyện, phá bĩnh, nói năng không chuẩn mực. Đó là khi phụ huynh không hiểu đã có lời nói hay hành động xúc phạm... Có lúc tôi giận quá, người run lên bần bật nhưng vẫn phải cố kiềm chế, không mắng chửi, không đánh HS, cũng không dám nói lời tổn thương. Vì nghề của mình là nghề giáo, không cho phép có những hành vi phi giáo dục. Tôi đã nhiều lần bật khóc, đợi cho cơn giận lắng xuống, tự dặn lòng dù thế nào cũng không nên nổi nóng, xúc phạm học trò".

Trên tất cả là học cách yêu thương, tôn trọng người học và có cách ứng xử mang tính nhân văn, giáo dục

nhật thịnh

Cô Hà cho rằng nếu như hành vi xúc phạm người khác trong môi trường giáo dục mà bị phạt tiền thì trước giờ có không ít GV, phụ huynh, HS và cả cán bộ quản lý đều có thể bị phạt. "Tuy nhiên, theo tôi được biết thì chưa có ai bị phạt cả. Lý do là vì vấn đề nằm ở việc xây dựng và giáo dục quy tắc ứng xử nhân văn, văn hóa để mọi người nhận ra thế nào là hành vi sai trái không phù hợp, chứ không phải ở việc nộp phạt là xong. Điều đó đòi hỏi cán bộ quản lý, GV, học trò, phụ huynh phải tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau", cô Hà bày tỏ.

Theo ông Trần Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bành Văn Trân, Q.Tân Bình, TP.HCM, là GV hay người quản lý không thể tránh khỏi những lúc bực tức, nóng giận khi học trò chưa ngoan hoặc phụ huynh không hiểu vấn đề buông lời xúc phạm... "Tuy nhiên, làm nghề giáo thì phải khác. Khi gặp phụ huynh đang nổi nóng hoặc nói lời chưa hay, tôi khuyên các thầy cô phải luôn giữ bình tĩnh, nhẹ nhàng phân tích, thuyết phục. Khi học trò hư, lười học, vi phạm... thì không bao giờ được nêu tên trước lớp, không chì chiết hay mắng mỏ trước đông người để tránh HS bị xấu hổ mà có hành vi tiêu cực. Chỉ nên gặp riêng HS để trò chuyện, trao đổi, hoặc liên hệ phụ huynh nhờ hỗ trợ", ông Trần Tâm chia sẻ.

Tiến sĩ Lê Ngọc Tứ, Giám đốc Trung tâm phát triển kỹ năng sư phạm, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng đánh giá việc xử phạt bằng tiền cho những vi phạm đó chỉ là biện pháp cuối cùng, nhưng không giải quyết được tận gốc. "Trong trường sư phạm, những GV tương lai đều được học một học phần có tên Ứng xử sư phạm. Tuy nhiên, trên tất cả là học cách yêu thương, tôn trọng người học và có cách ứng xử mang tính nhân văn, giáo dục", tiến sĩ Lê Ngọc Tứ cho hay.

Ông Hồ Thanh Bình nhấn mạnh thêm mỗi trường học cần phải xây dựng văn hóa ứng xử, dựa trên nguyên tắc giáo dục phải lấy HS làm trung tâm, trong đó ban giám hiệu, hội đồng trường phải có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm trong việc tạo ra văn hóa nhà trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.