Hoạt động chào đón ngày thế giới trồng cây 21.3 này được phối hợp tổ chức bởi Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, nhiều đơn vị, gia đình và những bạn trẻ là tình nguyện viên yêu rừng, cây xanh. Sau một thời gian chuẩn bị đất, cây giống, địa hình, toàn bộ 4.500 cây đã được trồng trong vài ngày nay, với sự góp sức của nhiều người người dân địa phương giàu kinh nghiệm trồng và chăm sóc rừng.
Chị Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập và là giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia cho hay Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành lập năm 1999, diện tích khoảng 27.668 hecta (ha) nơi sinh sống nhiều động vật quý hiếm như bò tót, vọoc xám, vượn đen má trắng...
|
|
Khu vực trồng rừng trước đây vốn là đất ở và nương rẫy của người dân địa phương. Khi khu bảo tồn được thành lập, người dân di cư, do đó cần nhiều vùng đất phải phục hồi thành rừng. 4.500 cây xanh được trồng nhân dịp Ngày thế giới trồng cây 21.3 hôm nay gồm nhiều loài cây, từ lim xanh, lát hoa, long não, pơ mu… tới bằng lăng, ban, làm giàu 7 ha rừng.
Cùng nhiều công ty ủng hộ việc trồng rừng, thì 4.500 cây xanh được trồng trong ngày thế giới trồng cây 21.3 có sự tham gia của 144 tập thể, gia đình, bạn trẻ cùng mong muốn nhân rộng thêm lá phổi xanh của Việt Nam. "Mỗi người trồng rừng đều kèm theo những thông điệp nhắn nhủ tới mọi người như Con yêu rừng, Cây ơi lớn nhanh, Vì màu xanh của bé, Một cây xanh là một mái nhà...”, chị Huyền nói.
|
|
Nhà sáng lập trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia cũng chia sẻ, không chỉ trồng rừng, toàn bộ số cây trồng được giám sát và chăm sóc trong vòng 4 năm để đảm bảo rừng phát triển ổn định, tỉ lệ sống tối thiểu 70-80%. Những thông tin về độ lớn của cây, hay tình trạng phát triển cây rừng, các loài động thực vật trong rừng đều cho phép mọi người quan tâm cập nhật.
Từ năm 2013, Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã chọn ngày 21.3 hằng năm là ngày thế giới trồng cây để kêu gọi các địa phương, quốc gia cùng nỗ lực trồng cây và nâng cao nhận thức bảo tồn rừng, phát triển bền vững trong tương lai. Theo ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, rừng là lá phổi xanh của con người, là môi trường sống của mọi loài sinh vật khác. Sự suy thoái đa dạng sinh học rừng và biến đổi khí hậu có mối tương quan chặt chẽ, rừng càng cạn kiệt và sụt giảm diện tích thì tác động của biến đổi khí hậu càng lớn và thời tiết càng cực đoan…
Bình luận (0)