Đi 'tắm' rừng

Thúy Hằng
Thúy Hằng
14/07/2019 08:10 GMT+7

“Tắm” rừng, không phải là vào trong rừng để tắm, mà là đi bộ trong rừng, hít thở mùi trong lành của lá, gió, vỏ gỗ, được tận mắt nhìn, ôm các thân cây đường kính nhiều vòng tay mới xuể.

“Tắm” rừng là một trải nghiệm không thể thiếu, và cũng không thể quên của bất cứ bạn trẻ nào mê rừng. Những năm trở lại đây, cùng với phong trào trồng rừng được lan tỏa mạnh mẽ trong người trẻ, số lượng những cây xanh trồng thêm được nhân lên, bên cạnh niềm vui “tắm” rừng, đó là chứng kiến những cây xanh lớn lên mỗi ngày.

Cây kơ nia bước ra từ câu hát

Những ngày cuối tháng 6, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia cùng 250 bạn trẻ Intel Products VN đã cùng nhau trồng, làm giàu khoảng 20.000 m2 rừng nghèo tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Hơn 1.000 cây xanh, thuộc 5 loài gỗ quý, cây làm thức ăn cho voi và các động vật hoang dã như mít nài, chôm chôm rừng, xoài rừng, sấu đã được trồng. Tính tới hết mùa hè 2019, các bạn trẻ này sẽ phấn đấu trồng hơn 5.000 cây xanh, ở các rừng của Đồng Nai, Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ. Việc trồng rừng được giám sát trong 4 năm, mọi người cùng theo dõi, giám sát, đo chiều cao cây, chụp ảnh rừng, để biết những cây mình trồng đang khôn lớn.
Chị Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, cho biết khu dự trữ sinh quyển này là nơi sinh sống của một trong những quần thể voi cuối cùng ở VN (cả nước còn không quá 50 con voi hoang dã ngoài thiên nhiên, trong đó 11 - 14 con đang sống ở Đồng Nai). Nhiều con voi bị giết hại, nhiều con không có đủ thức ăn đã phá rừng điều, xoài của người dân để ăn và cũng bị bẫy, chết. Chính vì vậy, chỉ có trồng rừng, mang lại nguồn thức ăn lâu dài cho voi và các loài thú hoang dã, mới là cách bảo vệ chúng bền vững.
“Rất nhiều bạn trẻ lần đầu tiên được cầm cuốc xẻng, nâng niu cây và đặc biệt là được “tắm” rừng, cùng đi bộ dưới rừng, ngắm đã mắt các tán cây, hít thở mùi thơm của lá, gỗ, hoa, trái cây rừng. Nhiều bạn trẻ reo lên thích thú khi lần đầu tiên được nghe và nhìn thấy những cây như đa bóp cổ, lá trung quân hay như cây kơ nia, vốn chỉ từ trong câu hát, nay bước ra đời thật”, chị Huyền chia sẻ.

Thay vì ăn snack thì mua cây, trồng rừng

Bạn trẻ cùng "tắm" rừng ở Đồng Nai

Gaia

Đến thời điểm này, số cây sao, cây dầu, phượng tím, mai anh đào mà chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ, cùng những người bạn như Nguyễn Trần Lê, Đan Hà, bác sĩ Nguyễn Nguyệt Ánh (đang sống ở Hungary) ủng hộ, mang trồng ở Gia Nghĩa, Đắk Nông vào mùa xuân năm ngoái đã lên xanh; hay những cây thông, mimosa được trồng ở H.Đơn Dương, nhà thờ Ka Đơn (Lâm Đồng) đến nay cũng trổ lá tốt tươi…
Chị Thúy nhớ lại những cái cây đầu tiên được mình và 2 con mua và trồng ở các mảnh rừng đó là năm 2015. Các con chị Thúy cùng thống nhất với mẹ, không ăn các gói snack, vừa không thải túi ni lông, lại tiết kiệm được 3.000 đồng, mẹ cho thêm 7.000 đồng nữa là đủ mua một cây giống. Việc làm tốt dần được lan tỏa, từ gia đình, chị Thúy rủ thêm bạn bè, những người mẹ khác, người góp sức, người góp tiền mua cây, số cây được trồng trong 4 năm qua tăng thêm. Trong mỗi chuyến đi, các bà mẹ đều dắt theo con nhỏ, để chúng tự tay cầm cuốc xẻng, vun đất, tưới nước và đi “tắm” rừng, thật sự là cách dạy về thiên nhiên và bảo vệ rừng trực quan hơn bao giờ hết.
“Ai trồng cây người đó có tiếng hát; ai trồng cây người đó có ngọn gió; ai trồng cây người đó có hạnh phúc…, những lời bài thơ được học tuổi ấu thơ đã in đậm trong tâm trí tôi. Biết ơn rừng, hiểu rằng trồng cây thật sự khiến mỗi chúng ta hạnh phúc hơn, chúng tôi chọn trồng rừng bất cứ khi nào mình có thể”, chị Thúy, người phụ nữ lớn lên dưới tán rừng ở H.Đơn Dương, Lâm Đồng chia sẻ.
Nhiều khu rừng ở VN là rừng nghèo kiệt
Theo Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, tính đến 31.12.2017, VN có tổng diện tích che phủ rừng là 41,45%, tương ứng với 14.415.381 ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70,8%, còn lại là rừng trồng. Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Phần lớn rừng trồng là rừng nghèo loài, không có tầng tán…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.