Ngày và đêm An Lạc...

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
07/03/2020 00:00 GMT+7

Cô gái mặc chiếc áo dài thướt tha, ngân lên câu vọng cổ hòa với tiếng đàn của một nhạc công gánh hát tài tử. Nghe thêm mấy câu tôi bước ra đường, trời sao An Lạc nhấp nháy, vẳng tiếng chộn rộn từ vòng xoay vọng lại.

Quận đông dân nhất nước

Đã từng có nhiều ngày đêm đi lại chốn này, nghe giọng người ở địa phương lâu đời như pha lẫn chút gió nắng miền Tây. Đó là TT.An Lạc, lúc còn là trung tâm huyện lỵ của H.Bình Chánh (TP.HCM) vào khoảng hơn 15 năm trước, khi chưa tách ra thành huyện và quận, để thành Bình Chánh và Bình Tân như bây giờ. Diện tích tự nhiên của H.Bình Chánh thuở ấy lớn lắm, hơn 300 km2, chỉ đứng sau H.Cần Giờ (704 km2) và H.Củ Chi (435 km2).
Nhưng năm 2003, khi tách ra chỉ “chia” cho Q. Bình Tân gần 52 km2, còn H.Bình Chánh bao trọn 253 km2 từ phía nam sang phía tây TP.HCM. Chính vì vậy, độ nén dân cư của Bình Tân là bài toán khá hóc búa cho một quận mới “lên đời”. Theo Niên giám thống kê của Cục Thống kê TP.HCM năm 2015, Bình Tân có 687.000 người, nhưng đến tháng 4.2019 đã tăng lên 784.000 nhân khẩu, là quận đông dân nhất nước.
Bốn năm, với mức tăng gần 100.000 dân, con số “nở ra” đã dồn quận này vào cái thế khó cưỡng, đó là phát triển hết sạch số đất nông nghiệp, vốn còn lại rất ít ỏi sau khi tách quận! Cho nên sự ví von của một cán bộ Q.Bình Tân trong buổi giao lưu vào đầu năm rồi, nghe ngồ ngộ khiến ai cũng bật cười: “Bình Chánh và Bình Tân giống như 2 đứa con trong một gia đình, “cậu” Bình Tân được chia ít đất, sinh đẻ lại đông nên sớt đất hết làm nhà cho con, thành ra phải lao vào làm dịch vụ. Còn “cậu” Bình Chánh được chia nhiều đất ít con, nên có đứa vẫn làm nông mà sống”!
Ngày và đêm An Lạc...1

Bến xe Miền Tây

Ảnh: Khả Hòa

TT.An Lạc thời đó là một nơi tụ hội nhiều nét văn hóa đan xen. Người đi kẻ lại từ TP.HCM lên xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều phải qua ngõ Bến xe Miền Tây. Vì vậy, dọc các con phố từ Q.6 chạy theo QL1, băng về H.Bến Lức (Long An) rải đầy quán xá, khách sạn nhà nghỉ. Ngược lại, nếu đi từ “bến xe lục tỉnh” (là tên gọi xưa trước 1975, mà hồi nhỏ trong bài học thuộc lòng nói về Sài Gòn, có câu: “Có Chợ Quán có Cầu Kho/Bến xe lục tỉnh, con đò Thủ Thiêm), về hướng trung tâm TP.HCM, lên đến bùng binh Phú Lâm (Q.6), một dạo sẽ thấy lắm thứ nộ ố bởi sự ngang dọc “hành hiệp” của khách giang hồ, gái đứng vẫy.
Cuối thập niên 1990, một đồng nghiệp ở Thanh Niên từng “mật phục” ở cái nút giao thông nổi tiếng này nhiều đêm liền để hoàn tất bài phóng sự khá hot có tựa đề Phố vẫy gọi, ai xem qua cũng tấm tắc. Thuở ấy, ở đây lẩn khuất bao thứ nhiễu nhương loạn sự, đôi khi đánh mất sự bình an vốn là hàm ý tên một thôn nhỏ người xưa đặt là An Lạc, sau này dần “nâng cấp” lên thành thị trấn.

Qua cầu bình thuận gió lên…

Tháng ba Sài Gòn nắng rát trên vai. Tôi dong xe chạy từ ngã tư Gò Mây để về An Lạc qua cầu Bình Thuận. Nhìn về phía xa, khu công nghiệp Tân Tạo lô nhô nhà xưởng. Ở đó, một khu vực hơn 340 ha quy tụ rất nhiều doanh nghiệp, từ các quận nội thành đến thuê đất 50 năm để sản xuất, kinh doanh. Một vài trong số này tôi quen, từng rất hân hoan khi rời những khu nhà xưởng lụp xụp chuyển về đây để ổn định làm ăn.
Ngày và đêm An Lạc...2

Vòng xoay An Lạc thuộc Q.Bình Tân bây giờ

Còn nhớ, chủ cơ sở võng xếp Duy Lợi là ông Lâm Tấn Lợi, sau khi kiên trì theo đuổi và thắng giòn giã 2 vụ kiện bản quyền thương hiệu ở nước ngoài, vẫn luôn bền bỉ với các chương trình từ thiện do các tờ báo đề xướng, lúc ấy đã quyết định chuyển từ Q.8 về Q.Bình Tân. Mới về, ông Lợi hồ hởi nói với tôi: “Giờ đã qua giai đoạn cực nhọc đi thuê nhà xưởng theo kiểu chắp vá rồi. Đã ổn định, không còn sợ ai “mè nheo” về chuyện sản xuất trong khu dân cư nữa”.
Cũng không thể không nhắc một điều rất quan trọng, những kiến thiết hạ tầng cơ bản từ trục đại lộ Nguyễn Văn Linh kéo dài đến địa bàn Q.Bình Tân đã khiến cho sức bật của vùng đất này trỗi lên mạnh mẽ. Đây cũng là điểm dễ dàng kết nối với các tỉnh miền Tây qua tuyến cao tốc Trung Lương - TP.HCM, thuận lợi để đi lại giao thương. Nhìn trên bản đồ, địa thế của Bình Tân có sự tiếp giáp khá rộng với tỉnh Long An và chính vì vậy, sự tương đồng về cung cách làm ăn để phát triển kinh tế và sự giao thoa văn hóa rất rõ. Đặc biệt, từ sau khi tách quận, các tuyến đường thuộc quận như Kinh Dương Vương, Tên Lửa được mở rộng đã khai thông sự dịch chuyển giữa Bình Tân với các quận nội thành lâu đời như Tân Bình, Q.6, Q.5, Q.8…
Ngày và đêm An Lạc...3

Đường Kinh Dương Vương

Ảnh: Khả Hòa

Xa hơn nữa, là 2 trục xuyên tâm truyền thống Hùng Vương và Hồng Bàng ngược lên hướng Q.1, nối với trung tâm thành phố. Bởi vậy, đi về phía tây để nhìn bao quát thêm chút lại thấy một tương lai rộng dài của quận này, nếu như có thêm những khu dân cư mới cao tầng, trong bối cảnh TP.HCM đang ngày càng chịu một áp lực dân số vô cùng lớn.

Con đường “gần… 5.000 năm” !

Đôi lần lúc trà dư tửu hậu, tôi và vài người bạn lại nhắc đến một câu đố: “Ở Sài Gòn, tên đường vị nào lâu nhất?”, có đôi người trong bàn ngớ ra. Bởi chiếu theo dã sử, vị cao tằng cao tổ hàng ngàn năm của nước Việt ta có tên húy Lộc Tục, bây giờ vẫn hiện diện ở Bình Tân, ấy là đường Kinh Dương Vương. Truyền thuyết kể rằng, Kinh Dương Vương là người hình thành nhà nước sơ khai đầu tiên vào năm Nhâm Tuất, tính ra là 2789 trước Công nguyên. Với bằng một phép cộng đơn giản, đến nay là 4.809 năm. Theo Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim, tác giả viết: “Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ), gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ” (quyển 1: Thượng cổ thời đại, chương 1: Họ Hồng Bàng). Dẫn theo bộ sử này, thì “Kinh Dương Vương là vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ, đẻ ra Sùng Lãm nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân”.
Ngày và đêm An Lạc...4

Đường Kinh Dương Vương

Ảnh: Khả Hòa

Ngày và đêm An Lạc...5

Vòng xoay An Lạc thuộc Q.Bình Tân bây giờ

Ảnh: Khả Hòa

Còn tiếp theo sau đó, huyền thoại Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh trăm trứng nở trăm con, sau đó phong cho người con trưởng làm vua, xưng là Hùng Vương, thì hầu như người Việt ai cũng biết. Đó là đời Hùng Vương thứ nhất, nước ta bắt đầu có quốc hiệu là Văn Lang.
Câu chuyện đậm chất dã sử được lưu truyền, rất may và vui là vẫn hiện hữu ở một quận phía tây, bằng tên một con đường đã tồn tại lâu bền theo năm tháng. Tục truyền hàng ngàn năm ấy vẫn sống, khiến cho ai xem qua lịch sử cũng có một cảm nhận rất sâu về cội nguồn. Vì vậy, cứ lan man nghĩ, những gì các sử gia ghi và gửi lại để nhắc nhở các thế hệ con cháu đời sau, được hiện thực hóa bằng nhịp điệu sống hằng ngày trên mỗi con đường, chẳng phải là bài học sử bổ ích thiết thực nhất đó sao?
Năm 2003, Q. Bình Tân được chia tách trên cơ sở 3 xã của H.Bình Chánh, đó là các xã Bình Trị Đông, Bình Hưng Hòa và Tân Tạo cùng với TT.An Lạc là trung tâm quận. Hiện nay, Bình Tân là quận đông dân nhất tại TP.HCM (784.000 người, mật độ dân số là 15.000 người/km2), đồng thời là quận đông dân nhất cả nước. Hiện có 10 đơn vị hành chính cấp phường trực thuộc, với tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, các phường hầu như không còn đất nông nghiệp. Có 33 con đường đánh số và 86 đường có tên. Đặc biệt, đường Kinh Dương Vương được đặt tên từ lâu, kéo dài từ bùng binh Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc, là một con đường lớn nội quận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.