Tự vệ Nhà máy in Tiến Bộ (Hà Nội) luyện tập sẵn sàng chiến đấu (1972) |
Tư liệu TTXVN |
Vào một đêm như thế, khi anh bạn cùng đoàn công tác mở radio Đài tiếng nói Việt Nam, tôi chợt nghe tin tức về máy bay B52 Mỹ ném bom Hà Nội. Chỉ nghe như thế, tôi lặng người, rồi tự nhiên nước mắt ùa ra.
Chiếc máy bay B52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, H.Đông Anh (Hà Nội) vào 20 giờ 13 đêm 18.12.1972 |
Tôi không thể tưởng tượng, độ tàn phá khi bom B52 rơi trong thành phố sẽ thế nào. Tôi đã khóc vì lo cho Hà Nội, nơi gia đình tôi đã sống nhiều năm, khóc vì thương thầy má mình không biết có kịp sơ tán hay chưa. Khi tôi vào chiến trường, thầy má tôi vẫn ở Trại tằm Trung ương thuộc xã Ngọc Thụy - Gia Lâm, Hà Nội, ngay bên dưới bờ đê sông Hồng. Tâm trạng tôi lúc ấy, quả thật rối bời.
Nhưng rồi, tôi nghe tiếp Đài tiếng nói Việt Nam. Ngay sau bản tin, vút cao lên một bài hát do nghệ sĩ Trần Khánh và dàn đồng ca của Đài thể hiện. Bài hát Hà Nội Điện Biên Phủ của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Tôi nghe phần lĩnh xướng của danh ca Trần Khánh vang lên trầm tĩnh kỳ lạ, và dàn đồng ca phất cao những dòng âm thanh - ánh sáng, quyết liệt và tự hào, đau thương nhưng không gục ngã.
Một luồng năng lượng bỗng chạy suốt châu thân tôi, mạnh mẽ, ấm áp, khiến tôi vượt qua phút yếu lòng. Âm nhạc Phạm Tuyên lúc ấy trở thành người bạn đáng tin cậy, trầm tĩnh, tự tin, lan tỏa lòng can đảm, khiến người nghe như bừng tỉnh. Tôi hiểu, bản thân mình đã chuyển qua một trạng thái khác. Bấy giờ, tôi như người lính của khẩu đội tên lửa bình tĩnh đối mặt quân thù, không một chút do dự hay yếu lòng. Ở đâu rồi cũng đội bom B52. Bom Mỹ đã rơi trên toàn cõi Việt Nam, và bom B52 lúc ấy rơi trên thủ đô Hà Nội, có lẽ là nơi cuối cùng chịu đựng loại vũ khí tối tân này của không quân Mỹ.
Mãi sau này, khi gặp và chơi như anh em với nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông đã kể tôi nghe xuất xứ bài hát Hà Nội Điện Biên Phủ mà ông sáng tác ngay dưới tầm ném bom của B52.
Khi máy bay B52 thả bom nhằm "dập tắt" Đài tiếng nói Việt Nam, nhưng do tên lửa ta bắn mạnh quá, bom chỉ rơi gần Đài 58 Quán Sứ. Vào đúng lúc đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên đang trực tại Đài. Và bài hát đã vang lên trong đầu ông sau những đợt bom B52, sau khi một chiếc B52 bị tên lửa bộ đội Việt Nam bắn hạ rơi ngay xuống hồ Ngọc Hà - nơi trồng hoa danh tiếng của Hà Nội từ xưa.
Bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã ra đời ngay trong cuộc chiến đấu ấy, và đã được ban đồng ca Đài tiếng nói Việt Nam dàn dựng ngay, lên sóng ngay rất nhanh trong 12 ngày đêm B52 tàn phá Hà Nội. Âm nhạc chiến đấu của Phạm Tuyên đã giúp tôi giữ vững niềm tin: Hà Nội mình sẽ chiến thắng.
Nếu bây giờ người ta gọi đó là “Nhạc Đỏ”, thì nhạc Đỏ là như thế.
“Tên lửa mình lên lừ lừ, ông nhỉ !”
Câu chuyện này tôi mới nghe hồi tháng 9.2022. Đúng 50 năm sau “Mười hai ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”.
Tháng 9, tôi ra Hà Nội và ghé nhà thăm bác Nghiêm Thúy Băng, phu nhân của nhạc sĩ Văn Cao. Năm nay đã 93 tuổi, bác Thúy Băng chân đã yếu, đi lại khó khăn, nhưng đầu óc thì rất minh mẫn.
Nghe tôi nói, sắp kỷ niệm 50 năm “Mười hai ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, bác Băng tự nhiên hào hứng hẳn. Bác nói với tôi: “Ông Văn nhà tôi, vào cái tối 26.12 năm ấy, ông rủ một người bạn cố tri của mình tới nhà uống rượu, dù ngày 26.12 Mỹ đã ném bom B52 suốt 8 ngày đêm xuống Hà Nội mình rồi. Ông nói: “Nó ném bom thì cứ ném, mình uống rượu thì cứ uống, có sao!”.
Hai ông bạn kéo nhau ra ngồi ở đầu cầu thang nhà tôi, nói tôi mang rượu và lạc rang ra để hai ông nhâm nhi. Tôi phục vụ ngay, nhưng vẫn lo lo: “Sao hai anh lại ngồi đây, nhỡ nó ném bom B52 thì sao?”. Ông Văn nhà tôi cười: “Nó ném chắc gì đã trúng mình. Mà có trúng, chắc gì đã chết”.
Bác Băng kể hai ông bạn già uống chưa hết tuần rượu thì còi báo động vang lên, rồi tiếng máy bay B52 ì ầm, rồi… bom bắt đầu rơi. Vệt bom rơi khá gần nhà 108 Yết Kiêu của bác Văn Cao. Nhưng hai ông già vẫn ngồi yên vị. Bỗng tên lửa ta bay lên, từng đợt, sáng chói. “Ông Văn nhà tôi tự nhiên nói với người bạn già: “Tên lửa mình lên lừ lừ, ông nhỉ!”. Ông bạn gật gật đầu. Đúng là tên lửa ta “lên lừ lừ” thật. Hai người bạn già ngồi ngắm tên lửa ta vây bắt lũ hung thần khát máu. Cuộc chiến đối đầu đối chọi ấy kéo dài khá lâu, những vệt bom rơi phía phố Khâm Thiên, theo đường chim bay rất gần nhà 108 phố Yết Kiêu của Văn Cao. Hai ông bạn già lững thững đi xuống tầng hầm. Ở đó có căn hầm tránh bom.
Hôm sau, gia đình bác Văn Cao mới biết không quân Mỹ đã cho máy bay B52 đến ném bom rải thảm dọc phố và khu chợ Khâm Thiên phá hủy ngay lập tức 534 ngôi nhà. Tội ác Mỹ ngay lập tức làm chết 287 người, trong đó có 40 cụ già, 56 trẻ em, 94 phụ nữ, 97 nam giới. Vụ thảm sát Khâm Thiên trở thành vụ thảm sát lớn nhất của B52 Mỹ, và là nỗi nhục của không quân Mỹ.
Bình luận (0)