Nghe 'bợm nhậu' học sinh kể chuyện

Thanh Nam
Thanh Nam
25/11/2018 08:06 GMT+7

"Thích thì uống", "Con trai phải biết uống"... Có vô vàn lý do được các "bợm nhậu" học sinh đưa ra để bao biện cho việc nhậu nhẹt của mình.

"17 tuổi, lớn rồi, nhậu được rồi"
Vào các buổi tối trên cầu đi bộ số 6 (đường Võ Văn Kiệt), bắc ngang kênh Tàu Hủ, nối giữa Q.8 và Q.6, TP.HCM, có nhóm bạn trẻ đang ngồi nhậu. Phía dưới cầu, những chiếc xe đạp được giấu kỹ lưỡng.
T.B, học sinh (HS) lớp 12 Trường THCS - THPT P.B.C (Q.6), cho biết cả nhóm toàn là HS. Người lớn nhất là B. và hai thành viên khác, đang học lớp 12, còn lại, có cả HS chỉ mới học lớp 7, 8 của Trường THCS B.T (Q.6).
Chỉ có vài bịch snack, con mực khô, hai gói thuốc, cùng hai bịch rượu trắng, một thùng bia, đủ để cả nhóm làm "một bữa hoành tráng".
Sở dĩ leo lên cầu đi bộ này để nhậu, vì theo B., là tránh gặp người quen. "Ngồi nhậu ở nhà là ăn đòn liền. Ra quán nhậu, dù lánh sang quận khác, nơi khác thì vẫn có thể gặp người quen, họ méc lại ổng bả (bố mẹ - NV) ở nhà là bị đập nhừ tử. Nên mỗi lần nhậu là rủ lên đây cho an toàn...", B. nói.
B. chưa kịp dứt lời thì C.T, HS lớp 11, Trường THPT V.L (Q.5), chen ngang: "Nó nhát quá mới rủ ra đây, chứ em là ra thẳng quán nhậu luôn cho gọn lẹ, nhậu say nghỉ, không sợ hết bia, mồi. Chứ nhậu thế này chán, lỡ lát hết bia là phải chạy đi mua thêm". T. cũng tỏ vẻ chê trách B. là: "Dân chơi mà sợ mưa rơi. Thích nhậu mà sợ ông bà già. Nhục!".
Hỏi T. lẽ nào không sợ bị gia đình phát hiện khi sử dụng rượu, bia, thuốc lá dù đang là HS, T. cười ha hả: "Có phải còn con nít đâu. 17 tuổi rồi, lớn rồi, nhậu được rồi" (!?).
Bên cạnh việc ra quán nhậu để nâng ly cùng bạn bè, tụ tập để lập "bàn nhậu HS", thì không ít HS, vì muốn nhậu, đã tìm đến những nơi vắng người như nhóm của B.
M.H, HS lớp 12, Trường THPT bán công H.T (Q.Phú Nhuận), cho biết nhiều lần cùng nhóm bạn chở nhau ra khu vực công viên hầm Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM), tụ tập trên vỉa hè rồi bày biện đồ ăn, bia ra... nhậu.
Nghe 'bợm nhậu' học sinh kể chuyện1
Để tránh bị phụ huynh phát hiện, nhiều học sinh tìm chỗ vắng vẻ để nhậu
Đủ lý do
Vì sao nhậu? V. đáp gọn lỏn: "Thích thì nhậu". Nam sinh này đã biết uống rượu, bia từ 3 năm trước. "Lúc mới biết uống, hăng lắm, tụi bạn đưa bao nhiêu uống hết bấy nhiêu. Có khi nốc rượu bằng cả ly uống nước. Uống bia chưa đầy hai hớp đã hết lon. Mà uống vậy ngợp lắm, nên giờ rút kinh nghiệm rồi", V. nói rồi "khoe thành tích" không khác gì "bợm nhậu thứ thiệt": "Giờ "đô" cũng được 6, 7 lon. Rượu uống chắc cũng được 15 - 20 ly".
Bác sĩ Trần Trọng Viễn, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: “Ai sử dụng rượu bia cũng đem lại những hệ lụy về sức khỏe, với người trẻ tuổi như HS, thì ảnh hưởng ngay đến sức khỏe, kèm theo đó là những nguy cơ như: viêm loét dạ dày, tổn thương tuyến tụy, rối loạn nhịp tim, mất thính lực, rối loạn giấc ngủ, làm giảm trí nhớ rõ rệt, tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư... Ngoài ra, làm mất sự tập trung, tỉnh táo, rất nguy hiểm khi tham gia giao thông".
V. cho hay: "Nhậu không có lý do. Có khi buồn buồn bị giáo viên mắng, hết giờ học là đi nhậu với bạn. Có khi vui vui cũng nhậu. Mà có lúc, sẵn tiền thì cũng rủ bạn góp lại nhậu”.
"Tiền mẹ cho ăn sáng, hoặc tiền cho đóng học thêm mà chẳng đi học, nên để dành... nhậu", V. nói về những khoản tiền "đổ" vào những bàn nhậu của mình.
Còn T.B, HS lớp 12 Trường THCS - THPT P.B.C (Q.6), cho biết một tháng nhậu khoảng hai lần, vì không có nhiều tiền. "Chứ có nhiều là nhậu nhiều. Tiền được cho để dành, hoặc có khi "bí" cách thì "vẽ" ra nộp khoản này, khoản kia, cũng được vài ba trăm, cất để dành, khi nào bạn rủ thì "lập kèo nhậu" thôi". Lý do mà B. tìm đến nhậu, đó là: "Rảnh rảnh thì biết làm gì. Chơi thể thao mệt lắm. Chơi game hoài cũng chán. Học mãi cũng đuối. Nên lâu lâu... lai rai".
Cũng có những trường hợp vì chán nản chuyện gia đình, thường thấy cảnh bố mẹ cãi, đánh nhau, nên tìm đến nhậu để tạm quên nỗi buồn. T.Q, HS lớp 10, Trường THPT L.T.T (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết lần đầu tiên tìm đến bia cũng là lần đầu thấy mẹ bị bố đánh "thập tử nhất sinh". Để rồi từ đó, nhậu trở thành thói quen của Q. Khi có tiền, Q. cùng bạn đến quán để "làm vài chai", khi không có tiền, mà lỡ thèm nhậu, Q. rủ bạn đi câu, góp mỗi người vài ngàn, đủ tiền mua ít rượu, đem theo cả than, vỉ nướng và... nhậu ngay nơi bờ sông, sau khi cá cắn câu.
Một lý do khác, theo Q. kể, nhiều bạn khi có... kế hoạch trả đũa những giáo viên cảm thấy không ưa, muốn kiếm cách để trả thù những người không thích..., là tìm đến quán nhậu bàn kế. "Hình như có men vô, đầu óc suy nghĩ được nhiều cách hay hơn", Q. nói.
Đấy là chưa kể nhiều HS tìm đến hơi men của bia, rượu vì buồn chán chuyện tình cảm. "Cuối năm lớp 9, em bị "đá" (người yêu chia tay), buồn vô cùng, nên rủ mấy đứa bạn đi nhậu cho quên sầu. Từ đó, biết nhậu và thích nhậu tới giờ", D.K, HS lớp 12, Trường THCS và THPT N.V (Q.Tân Phú, TP.HCM), kể.
Theo B., 10 cuộc nhậu thì có đến 7, 8 lần xảy ra cãi vã. "Nhậu vô, thằng nào cũng có "máu điên", thằng nào cũng nói nhiều, tranh nhau mà nói, không cho ai nói cả. Mà thấy ai nói không vừa ý là cãi liền, rồi bị cãi lại, mâu thuẫn, thế là dẫn đến... đập nhau. Có lần em đập thằng kia nhậu chung bàn tét trán”, B. cho biết.
Chưa hết, xung quanh những "bàn nhậu HS" còn có vô số chuyện bi hài khác. Những chuyện "con trai khóc" diễn ra... như cơm bữa, như lời B. tiết lộ: "Nhiều thằng nhậu say là kể chuyện gia đình, chuyện tình yêu, rồi khóc. Lần nào nhậu cũng gặp cảnh đó".
Và nhất là chuyện "say quên lối về". Như B. thú thật đã ngủ lại trên cầu đi bộ số 6 ít nhất... 3 lần. Đó là những lần say, đứng còn không vững nên không thể chạy xe về được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.