Nghe dân bàn, làm dân thấy

19/04/2017 06:33 GMT+7

Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP TAND tối cao quy định tất cả các bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án kể từ 1.7.2017 phải được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của tòa án là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc xét xử công khai theo điều 18 bộ luật Tố tụng hình sự 2003 và điều 15 bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Việc công bố công khai các bản án, quyết định là động lực thúc đẩy những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng: các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư có trách nhiệm hơn, tập trung trí tuệ và tâm huyết nhiều hơn cho công việc; tránh việc xử án bằng niềm tin nội tâm, cảm tình, thiếu khách quan vô tư và hạn chế số lượng án có vấn đề, tiến đến nâng cao chất lượng xét xử.
Bên cạnh việc công bố công khai bản án, quyết định có hiệu lực để người dân hiểu rõ nội dung thì TAND TP.HCM cho biết sẽ có cả phần bình luận của người xem, giống như là một cách phản biện. Cách làm này thiết nghĩ không chỉ dừng lại ở TP.HCM mà nên là một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các tòa án trên cả nước. Phần bình luận phía dưới mỗi bản án, quyết định nhằm tạo điều kiện cho người quan tâm, thậm chí sinh viên luật có thể phân tích, đánh giá chất lượng bản án, quyết định của tòa án. Đồng thời, trên cơ sở người dân bình luận, cũng giúp cho các nhà làm luật có cái nhìn đa chiều khi xây dựng, sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật, mạnh dạn hủy bỏ các quy định không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống, góp phần kéo giảm và phòng tránh oan sai; các bản án, quyết định có vi phạm từ tố tụng đến áp dụng pháp luật trong xét xử.
Bình luận, đóng góp một bản án chắc chắn ngoài những cảm thán đơn giản của số đông thì những đóng góp chuyên môn, bình luận pháp lý đòi hỏi người tham gia phải am hiểu và có kiến thức pháp luật. Song để những phản biện này của người dân, của cộng đồng đem lại hiệu quả tích cực và để người dân tin rằng phản biện của mình được lắng nghe thì nên có quy định cơ chế trả lời, phản hồi thậm chí tổng hợp báo cáo lên cấp trên, có kiểm tra giám sát chứ không phải xem xong để đó hoặc phần phản biện chỉ mang tính hình thức hoặc chọn những ý kiến tán đồng cho hiển thị, còn tranh luận, thắc mắc thì cho qua.
Thực tiễn xét xử nói chung và ngành tư pháp nói riêng lâu nay, công luận hay than phiền về chất lượng xét xử, tòa xử một đường, án tuyên một nẻo, câu chữ không rõ nghĩa, quan điểm của các bên tham gia hoặc người tiến hành tố tụng không được ghi nhận hoặc ghi nhận không đầy đủ trong bản án khiến bản án thiếu thuyết phục, các bên không tâm phục khẩu phục, việc thưa kiện kéo dài... Do đó việc tập hợp bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án có thể xem như “án lệ” trong điều kiện nước ta chỉ mới bắt đầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống án lệ, là nguồn tư liệu quý giá cho các thẩm phán, kiểm sát viên, các nhà nghiên cứu, những nhà làm luật và giới luật sư tham chiếu; đối với người dân, sinh viên là cơ sở để tìm hiểu, học hỏi.
Công khai bản án không chỉ là tuyên truyền pháp luật tốt hơn, mà còn chính là minh bạch cho dân giám sát và lắng nghe tiếng nói của dân bàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.