'Nghề' hướng dẫn bệnh nhân ngoại

Duy Tính
Duy Tính
08/04/2019 08:00 GMT+7

Do lượng người bệnh từ Campuchia qua Việt Nam khám chữa bệnh ngày càng nhiều nên 'nghề' hướng dẫn, phiên dịch cho những người bệnh nhân ngoại này ăn nên làm ra.

Đa số người dẫn bệnh nhân (BN) Campuchia cũng là người Campuchia nhưng nói tiếng Việt rất sõi. Các bác sĩ (BS) nói rằng đội ngũ dẫn bệnh không chỉ giúp BN đường đi, ăn ở mà còn giúp BS khám, chữa bệnh được thuận lợi hơn.

“Quay” liên tục

Hẹn mấy hôm mới gặp được anh L. là người Campuchia hay dẫn BN đến Bệnh viện (BV) T.K ở Q.Tân Phú (TP.HCM). Anh L. cho biết vừa phải dẫn bệnh, hướng dẫn đi lại, ăn uống và kiêm thông dịch tiếng Campuchia cho BS. Anh xoay với BN ở phòng khám này rồi chạy qua phòng khác, “toát mồ hôi” với 12 người bệnh từ Campuchia trong buổi sáng tại đây.
Thế nhưng, L. nói mình chỉ là nhân vật số 2, 3; còn nhân vật số 1 trong nghề dẫn bệnh Campuchia, kiêm phiên dịch hiện là anh U. dẫn bệnh tại BV N.G ở Q.7 (TP.HCM). Anh U. cho biết đang hướng dẫn 10 BN Campuchia. Vì nhiều BN quá nên anh U. phải nhờ 2 “phụ tá” giúp việc. Một “phụ tá” của anh U. tiết lộ: “Công việc của tôi là đến BV lấy thuốc cho BN khi BS gọi, đi mua cơm cho BN, khi họ cần gì thì mình làm”.
Chị K., một người làm nghề này lâu năm tại TP.HCM, cho biết trước đây BN Campuchia chủ yếu đến BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược... Mỗi ngày, BN trả 10 - 15 USD cho người hướng dẫn, thông dịch. Khi các BV công ở TP.HCM quá tải, BN Campuchia thì muốn khám chữa nhanh, nên họ được BS giới thiệu ra các BV tư. Chị kể nhờ biết tiếng Việt và hay đi lại giữa VN - Campuchia nên ban đầu những người bạn nhờ dẫn đường, thông dịch khi qua TP.HCM khám, chữa bệnh; sau đó làm quen dần và mở rộng.
Theo chị K., cái khó của nghề là làm sao nói bệnh trạng của BN Campuchia cho BS VN hiểu, ngược lại truyền đạt tư vấn, kết quả khám của BS Việt cho BN Campuchia hiểu. Nếu không nắm ít “vốn liếng” về chuyên môn y khoa cũng khó thông dịch. “Làm riết rồi quen thuật ngữ y khoa và truyền đạt cho BN Campuchia chứ có học hành gì về y khoa đâu”, chị K. nói.
Còn anh L. dẫn chứng một số tình huống cụ thể mà anh thông dịch: BS VN nói BN bị “xuất huyết não” thì phải thông dịch cho BN Campuchia là “chảy máu trong não”; BS nói “nhồi máu” thì dịch là “tắc nghẽn mạch máu não”; BS nói “trầm cảm” thì dịch “suy nghĩ nhiều, bị rối loạn thần kinh”…
Theo L., với BN người trí thức thì hỏi rất nhiều, còn người ở miền quê thì nói gì họ... cũng nghe, họ chỉ yêu cầu BS điều trị tốt cho mình. “Cũng có trường hợp thông dịch hù BN, hù người nhà BN, nói bệnh nặng để ở lâu nhằm... ăn tiền”, anh L. chia sẻ thêm.

Được BV chi... hoa hồng

Làm riết rồi quen thuật ngữ y khoa và truyền đạt cho BN Campuchia chứ có học hành gì về y khoa đâu

Chị K., người được coi là hướng dẫn BN Campuchia

BV tư hiện rất nhiều nên cũng cạnh tranh thu hút BN Campuchia bằng việc chi trả hoa hồng cho người dẫn BN Campuchia đến BV. Theo tiết lộ của những người dẫn bệnh, một BV tư ở TP.HCM chi tiền “hoa hồng” cho người dẫn bệnh là 15% trên tổng số tiền khám chữa bệnh của mỗi BN (không tính chi phí tiền thuốc vào).
Ở BV T.K (Q.Tân Phú), đưa một BN Campuchia đến đây khám chữa bệnh thì người hướng dẫn được hưởng 1 triệu đồng; nếu BN phẫu thuật thì được hưởng 1,5 triệu đồng. Theo một số thông tin, do cạnh tranh, BV N.G (Q.7) gần đây chi hoa hồng 20% trên tổng chi phí khám chữa bệnh, kể cả tiền thuốc của BN. Vì thế, có người dẫn bệnh đã bỏ BV quen thuộc của mình hàng chục năm qua và đưa BN Campuchia sang BV N.G.
“Mỗi tháng tôi thu nhập khoảng 60 - 70 triệu đồng từ tiền phiên dịch và dẫn bệnh Campuchia cho BV T.K. Dù BV này chi “hoa hồng” ít nhưng nơi đây trị hết bệnh cho BN tôi dẫn đến, nên tôi có nhiều BN Campuchia tin tưởng, giới thiệu cho BN khác. Mấy ngày trước có cô gái cứ gọi hẹn tôi ra gặp bàn chuyện dẫn BN tới chỗ họ sẽ được 20%. Sau khi suy nghĩ 3 đêm thì tôi không nhận lời, vì không biết họ điều trị ra sao, có gì thì bản thân mình bị mất uy tín”, anh L. cho biết.

“Cạnh tranh” bằng dịch vụ

“BN có người giàu, người nghèo nên mức viện phí thu từ BN Campuchia của BV cũng bằng với giá thu BN người Việt. Nhiều khi BN hết đợt điều trị mà tiền đem theo không đủ trả, BV cũng phải miễn giảm. Những bệnh nào quá khả năng chuyên môn thì BV phải chuyển tuyến trên điều trị. Y tế là phải hài hòa giữa kinh tế và nhân văn”, một lãnh đạo của BV tư ở TP.HCM nói và cho biết cũng có trường hợp người dẫn BN Campuchia đòi tăng hoa hồng (hơn 15%) và “hù” nếu không, họ sẽ đưa BN đi BV khác.
Còn ông C. đang dẫn bệnh tại một BV tư ở Q.Bình Tân (TP.HCM) thì cho biết hai vợ chồng ông làm nghề này kiếm được trên 50 triệu đồng/tháng. Ông C. cho biết hay nói với BN Campuchia: “Tôi dẫn anh/chị đến BV này nếu chữa hết bệnh, về Campuchia nhớ giới thiệu tôi cho người khác”. Nhờ đó, ông có thêm nhiều “mối” hơn. Ông C. phụ trách dẫn bệnh và phiên dịch, còn vợ ông chăm sóc, hướng dẫn BN khi ở BV cần làm các dịch vụ. “Phải chăm sóc BN chu đáo để họ còn tìm đến mình”, ông C. nói.
Theo lời chị K., nhiều khi chị không nhận tiền thông dịch của BN Campuchia vì viện phí họ còn không đủ trả. Rất nhiều người, sau khi thuê chị thông dịch, chị phải về nhà nấu cơm mang đến cho họ ăn vì họ không có tiền trả. Hễ BN Campuchia có nhu cầu gọi đến thì chị sẽ tìm BV thật phù hợp chứ không phải đưa qua nơi có hoa hồng cao.
Còn anh L. thì tâm sự: Mình nhận phiên dịch 8 giờ mỗi ngày là 15 USD, nhưng nhiều khi BN cần mình ở BV đến giữa đêm để phiên dịch cho BS, mình đâu có được về mà cũng không nhận thêm tiền được. Mình không được lợi dụng BN. Có người đi qua đây chữa bệnh hết 200 - 300 triệu đồng, họ hết tiền nên mình cũng chẳng lấy tiền phiên dịch làm gì.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.