Nghề lạ miền Tây: Người đàn ông 30 năm lướt ván trên mặt bùn bắt cá

24/06/2021 09:06 GMT+7

Những bãi bồi ven biển là nơi trú ngụ của các loài hải sản: cua, sò, nghêu, cá... khi thủy triều rút xuống để lại một bãi bùn dài hàng chục km là lúc người dân sinh sống ở bãi biển thuộc ấp Mỏ Ó (xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) tất bật “trượt mong” mưu sinh.

Nghề sáng tạo từ cái khó

Theo nghề đã 32 năm anh Trần Cò (47 tuổi) ngụ ấp Mỏ Ó (xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) được xem là một trong những cua-rơ trượt mong chuyên nghiệp nhất vùng. Không biết nghề “trượt mong” có tự khi nào, chỉ biết lúc anh 15 tuổi đã được cha dạy cho cách “đi mong”, “trượt mong”.
Trước đây, nghề trượt mong ở Mỏ Ó phát triển đến độ người dân gọi đây là “phường trượt mong” vì có cả trăm người theo nghề nhưng giờ chỉ còn lác đác chừng chục ngư dân bám nghề và anh Cò là một trong số ít đó.

Anh Cò lấy tấm mong bắt đầu một ngày trượt mong

Minh Chơn

Do địa hình là bãi biển sình lầy nên không thể lội bộ bắt cá nên người dân đã nghĩ ra cách lấy một tấm ván mỏng đóng thành phương tiện di chuyển trên bùn lầy nhanh và ít tốn sức. Tấm mong dài khoảng 2m được đóng bằng gỗ mù u hoặc gỗ me để có thể chịu được nước và lại bền.
Để điều khiển tấm mong ngư dân phải đặt một chân quỳ lên tấm ván còn một chân dưới bùn đẩy cho ván lướt đi, hầu như toàn lực dồn về mong, nên mọi người thường gọi là “trượt mong”.

Mỗi ngày anh Cò trượt khoảng 100km đường biển để bắt hải sản

Minh Chơn

Để bắt được nhiều cá, ngoài đi mong giỏi cần phải biết quan sát nhận diện hang cá. Thông thường, cá bống biển, bống sao, thòi lòi, cá ngát… hay trú ẩn dưới tán rừng bần còn những bãi bồi trơ trọi thường bắt được ốc, sò thậm chí cả cua. Khi xác định được hang cá anh Cò phải nghiêng người nằm sát mặt bùn, lấy tay mò mẫm theo hang và “rượt đuổi” trong bùn để bắt cá.

Thu nhập bấp bênh

Theo các ngư dân, những người theo nghề này đa phần là các hộ sống ven biển đa phần đều không có hoặc có ít đất sản xuất nên họ chỉ có thể bám biển mưu sinh.
Gia đình anh Cò có hết thảy 10 người, từ đời cha mẹ đến thế hệ của anh đều bấu víu vào nghề trượt mong mà mưu sinh. Theo anh Cò, nghề trượt mong chẳng có giờ giấc cố định mà phụ thuộc vào con nước lớn ròng. Có khi đêm hôm anh vẫn phải soi đèn trượt mong kiếm cá, mỗi chuyến đi mất ít nhất 5 tiếng mới xong.

Hai con của anh Cò rất thích theo cha đi trượt mon

Minh Chơn

Cá thòi thòi-một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng

Minh Chơn

Dù công việc bấp bênh và thu nhập không cao nhưng nhiều người “đi mong” như anh Trần Cò vẫn quyết bám trụ với nghề. Có khi, cả người thân cũng khuyên anh rời quê tìm công việc khác để có thu nhập ổn định hơn. Song anh Cò chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề, với anh ngày nào còn được cưỡi mong đi trên mặt bùn lầy, còn được hòa mình trong vị mặn của biển là ngày ấy anh còn gắn bó với cái mong, con nước.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.