Trước quan niệm của nhiều người rằng đi bưng quả nhiều, người bưng quả sẽ "mất duyên", nhiều bạn trẻ cho rằng điều này không có cơ sở và vẫn gắn bó với công việc cho thu nhập tốt, học được kỹ năng mềm hiệu quả.
6 giờ sáng chủ nhật, thay vì ngủ nướng, Nguyễn Hiền Nhi, 19 tuổi, sinh viên ngành diễn viên, Trường ĐH sân khấu điện ảnh TP.HCM, dậy trang điểm xinh xắn rồi mặc áo dài, chạy xe máy tới nhà cô dâu trên đường Trần Thị Nghỉ, quận Gò Vấp (TP.HCM). Nhà trai sẽ mang lễ vật tới lúc 8 giờ, do đó, 7 giờ sáng, cô và 5 bạn nữ khác làm nghề bưng quả thuê đã phải có mặt trước để chuẩn bị.
“Khi đang học lớp 11 tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định, tôi đã đi làm thêm nghề này. Vào Sài Gòn học đại học tôi cũng vào các fanpage tuyển người bưng quả để đăng ký. Công việc nhẹ nhàng, được make up xinh đẹp, chỉ cần bỏ ra vài chục phút, có được vài trăm ngàn”, Nhi nói. Áo dài đã được nhà gái chuẩn bị sẵn, Nhi chỉ việc mang theo giày cao gót. Một đám cưới cô thường được trả 80.000 đồng tiền công, ngoài ra gia chủ sẽ lì xì thêm cho mỗi người bưng quả, ít là 50.000 - 100.000 đồng, có nhà “sộp”, cho mỗi người bưng quả 500.000 đồng.
“Tôi không phải học gì nhiều để bắt đầu công việc này, chỉ xem các chị làm thế nào thì mình làm như vậy. Công việc này quan trọng là thần thái, phải tươi, vui. Bưng xong thì ra bàn trà ngồi nói chuyện, ăn bánh. Hên thì bưng quả nhẹ như trà, trầu cau; không hên sẽ bưng quả nặng như rượu, trái cây, mình sẽ nói với bạn trai đứng cùng đỡ giùm”, Nhi nói thêm.
|
Bạn thân của Nhi, Phạm Bảo Ni, 19 tuổi, quê ở huyện Phù Cát, Bình Định, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen cũng làm bưng quả thuê được 6 tháng nay. Mỗi khi Ni nhận “show” thường rủ bạn thân đi cùng để có thêm người trò chuyện, đỡ ngại ngùng ở đám cưới xa lạ. “Nghề này cuối năm sẽ rất nhiều “show”, tháng 7 âm lịch thì vắng vẻ. Nếu một tháng nhiều việc, tôi có khoảng 6 show, mang về khoảng gần 1 triệu đồng. Trừ thời gian di chuyển hay trang điểm, tính ra thời gian làm việc chỉ 10-15 phút/show, bưng quả từ ngõ vào trong nhà. Thời gian rảnh khác mình có thể làm thêm nhiều công việc khác”, Ni nói.
Trong khi đó, Phạm Văn Cường, 22 tuổi, quê huyện Đồng Xoài, Bình Phước, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, gắn bó với nghề bưng quả thuê hơn 2 năm. Cường xác định, công việc này một phần mang lại thu nhập, phần quan trọng hơn, anh muốn rèn luyện kỹ năng mềm, giao tiếp với nhiều người, kết nối được các mối quan hệ khác để có thêm cơ hội thành công. Ngoài bưng quả thuê, Cường còn làm PB (promotion boy) nhân viên giới thiệu sản phẩm trong các nhà hàng, quán ăn. Hai công việc này mang lại thu nhập đủ để Cường trang trải ăn học ở thành phố.
Không sợ mất duyên
Anh Đoàn Minh Chí, 29 tuổi, kinh doanh áo dài, cung cấp dịch vụ bưng quả cho đám cưới hỏi 6 năm nay (trú khu dân cư Cityland, phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM) nhận định nghề bưng quả thuê ngày càng hot với người trẻ, bởi trong tương lai người ta càng mong muốn đám cưới hỏi phục vụ chuyên nghiệp nhất nên tìm đến dịch vụ, thay cho việc nhờ người thân như trước đây. Anh Chí cho biết nhân lực theo đuổi nghề này chủ yếu là các sinh viên bởi nhanh nhẹn, nhiệt tình.
|
“Nam phải cao từ 1,68 m không được nhuộm tóc, nữ từ 1,55 m, khuôn mặt dễ nhìn. Trước khi tuyển ai đi bưng quả, tôi đều phải tuyển trực tiếp chứ không chỉ làm việc trên facebook vì nhiều bạn sống 'ảo'. Điều quan trọng nhất với nghề này là phải đúng giờ. Nhà nào cũng cần giờ đẹp để bưng quả, đến trễ 1 phút cũng thất bại”, anh Chí nói. Anh Chí cũng phủ nhận quan niệm đi bưng quả nhiều thì sẽ mất duyên và dẫn chứng, nhiều bạn trẻ đi làm thường xuyên cho anh đã kết duyên được với người bạn tình cờ gặp trong đám cưới.
Phạm Văn Cường, người đi bưng quả cũng xác nhận, công việc cho anh có nhiều cơ hội gặp gỡ bạn bè, nhân vật quan trọng.
Cường chia sẻ: “Tôi có được nhiều lời mời đến thử việc ở nhiều công ty sau nhiều lần đi bưng quả cho các gia đình. Ngoại hình ưa nhìn, cách nói chuyện lịch sự, nhã nhặn, tôi đã ghi điểm trong mắt nhiều quan khách ở đám cưới, họ hỏi tôi đang học ở đâu, mục tiêu là gì, cơ hội mới cho tôi cũng từ công việc tưởng chừng rất đơn giản này”.
Bình luận (0)