Rủi ro mất trắng bạc tỉ
Theo thống kê, tại Việt Nam có khoảng 30 nhà môi giới cá nhân hoạt động nhưng không phải ai cũng thành công như thời “siêu cò” Trần Tiến Đại. Anh Nguyễn Minh Châu, người làm nghề môi giới khá lâu năm tại Việt Nam, từng giới thiệu không dưới 200 cầu thủ, nổi bật có Đinh Hoàng Max, Oseni, Phan Lê Issac, Abass… thừa nhận nghề môi giới tại Việt Nam có nhiều rủi ro dễ lãnh hậu quả lớn. Đầu tiên là chi phí tìm nguồn cầu thủ từ các đối tác ở nước ngoài. Khi chấm được cầu thủ nào lại tốn thêm chi phí lo thị thực, mua vé máy bay sang Việt Nam.
Trước khi lên máy bay sang Việt Nam, người làm môi giới phải tốn thêm chi phí ứng trước cho gia đình cầu thủ. Đến Việt Nam, người đại diện lo tất tần tật từ nơi ăn, chốn ở, sân tập, di chuyển đi thử việc, bảo hiểm… Hàng trăm khoản chi đó nếu cầu thủ không được CLB ký hợp đồng, người đại diện “lãnh trọn”. Trung bình mang 20 cầu thủ sang Việt Nam thì 2 người được nhận, trừ hết chi phí ra cũng không còn là bao. Chưa kể cầu thủ được ký mà bị thanh lý giữa chừng, người môi giới xem như mất thêm khoản tiền…
Anh Nguyễn Minh Châu từng mất tiền tỉ vì “gà ruột” cựu vua phá lưới V-League 2012 Timothy Anjembe. Đầu mùa 2014, khi rời HAGL về Thanh Hóa, Timothy đến gặp anh Châu đề nghị về nước đem sang Việt Nam 2 ngôi sao đội tuyển quốc gia Nigeria. Tiền đạo có biệt danh “bò mộng” đã ứng trước 40.000 USD rồi bặt vô âm tín. Anh Châu kể: “Tôi lên mạng kiểm tra thông tin thấy ổn nên ứng gần cả tỉ đồng để Timothy về nước ngoại giao, làm thủ tục thanh lý hợp đồng. Chúng tôi tín nhiệm nhau sau nhiều năm làm việc cùng nên không cần hợp đồng. Thêm nữa, tôi chắc rằng Timothy sẽ không vì 40.000 USD mà mất 90.000 USD tiền lót tay sau thuế với Thanh Hóa. Tôi đưa tiền và Timothy một đi không trở lại. Sau này, Thanh Hóa bất ngờ thanh lý hợp đồng Timothy trước khi vào giải do vô kỷ luật tôi mới tá hỏa. CLB không trả tiền lót tay vì Timothy vô kỷ luật vi phạm hợp đồng, chỉ đền 2 tháng lương (9.000 USD/tháng) nhưng chuyển thẳng đến tài khoản của Timothy. May là khi đó bóng đá Việt Nam vẫn đang thịnh, tôi còn nhiều hợp đồng khác bù lại nên không đến mức phá sản, bán nhà”.
|
Cái tình của người môi giới cầu thủ
Anh Nguyễn Minh Châu cho biết những tranh chấp như trường hợp Pedro Paulo của CLB Sài Gòn với người tự xưng là người đại diện thì dựa trên giấy trắng mực đen hợp đồng 3 bên đã ký trước đó. Muốn chắc ăn, người đại diện phải có hợp đồng quản lý cầu thủ, có giấy ủy quyền của cầu thủ để được pháp luật bảo vệ căn cứ theo hợp đồng. Anh Minh Châu khi mới vào nghề từng xem nhẹ vấn đề pháp lý, để cầu thủ sau khi ký với đội bóng 1 mùa đến năm sau tự ý ký riêng với đội, phủ nhận công sức của người đại diện.
Nhưng làm người còn cái tình, như việc anh Nguyễn Minh Châu cứu vớt cựu cầu thủ nhập tịch gốc Uganda Phan Lê Issac được giới bóng đá Việt Nam đánh giá cao. Phan Lê Issac tên thật là Issac Kamu Mylyanga bắt đầu sang Việt Nam chơi bóng từ năm 2005 cho nhiều đội như Long An, Đồng Nai, Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội ACB… Số tiền 15 năm chơi bóng tại Việt Nam của anh ước tính cũng được tầm 30 tỉ đồng. Tuy nhiên với lối sống buông thả, tiêu tiền như nước, Issac hiện không còn đồng xu dính túi. Không những thế anh còn mang trong mình căn bệnh nặng, muốn quay về nước với gia đình nhưng giấy tờ thất lạc hết.
|
Dù không còn làm người đại diện cho Issac nhưng khi biết sự việc, anh Nguyễn Minh Châu không cầm lòng, đứng ra lo cho chi phí ăn, ở, thuốc men cho Issac. Anh còn liên hệ cơ quan chức năng giúp cầu thủ này làm thủ tục trở về Uganda đoàn tụ cùng gia đình. Anh Châu báo tin vui, Issac vừa qua đã có hộ chiếu, chờ qua dịch Covid-19 sẽ về nước. Anh Nguyễn Minh Châu chia sẻ: “Tôi và Issac đã hết hợp đồng, quyền lợi trách nhiệm đã dứt điểm rồi, nhưng sống là có cái tình. Họ gặp hoạn nạn nếu được hãy cố “lá lành đùm lá rách, rách ít đùm rách nhiều”. Cầu thủ của tôi cũng vậy, đối tác thậm chí là đối thủ khi họ thất thế tôi đều như vậy”. Cũng vì cái tình đó, anh Châu giữ được chân rất nhiều thân chủ đi cùng nhau cả thập niên đến khi họ treo giày.
Bình luận (0)