Nghe mưa trên điện thoại thông minh

Tâm Ngọc
Tâm Ngọc
01/02/2018 07:56 GMT+7

Chỉ cần có trên tay chiếc điện thoại thông minh, người dùng khắp thế giới có thể theo dõi diễn biến lượng mưa ở bất cứ đâu, mưa nhiều hay ít, nguy cơ lũ lụt hay không hoặc để biết nơi mình sắp tới 'chuyện mưa' ra sao một cách khoa học, chính xác nhờ vào ứng dụng iRain.

Đây là ứng dụng nhận được sự quan tâm đặc biệt và tài trợ từ NASA, UNESCO, quân đội Mỹ… Tác giả của iRain là GS Nguyễn Đình Phú, một người Việt hiện đang giảng dạy tại ĐH UC Irvine và nghiên cứu ở Trung tâm khí tượng thủy văn và viễn thám (CHRS, Mỹ).
Nói về ứng dụng iRain, GS Nguyễn Đình Phú cho biết: “Cách đây 4 năm khi còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại CHRS, tôi đã nhận ra tầm quan trọng của chiếc điện thoại thông minh. Người dùng có xu hướng sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh thay vì dùng ứng dụng web trên máy tính. Với mong muốn làm sao cho những kết quả nghiên cứu đến được với người dân một cách dễ dàng, thuận tiện nhất, tôi quyết định đầu tư thời gian và công sức cùng nhóm các bạn trẻ người Việt tại Mỹ và VN phát triển ứng dụng iRain”.
iRain nhận được sự quan tâm lớn từ truyền thông ở Mỹ sau khi bài giới thiệu về nó được đăng trên tờ báo uy tín Los Angeles Times vào tháng 1.2017. Trước đó, iRain được UNESCO chọn và tài trợ giới thiệu tại Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 22 (COP22) tại Marrakech, Ma Rốc vào tháng 11.2016.
iRain là ứng dụng miễn phí trên web và thiết bị di động, cung cấp thông tin về lượng mưa toàn cầu theo thời gian thực. Lượng mưa được tính toán từ ảnh vệ tinh toàn cầu sử dụng thuật toán tiên tiến PERSIANN-CCS ở độ phân giải cao và cập nhật mỗi 30 phút. Dữ liệu vệ tinh toàn cầu được thu thập và chuyển về máy chủ của Trung tâm dữ liệu vệ tinh (NESDIS), Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) đặt tại bang Maryland. Tại NESDIS, lượng mưa được tính toán sử thuật toán PERSIANN-CCS và kết quả được chuyển về CHRS để cập nhật vào cơ sở dữ liệu mưa toàn cầu, là đầu vào của ứng dụng iRain. Toàn bộ quá trình từ dữ liệu thô từ vệ tinh đến kết quả hiển thị trên thiết bị của người sử dụng được tính bằng phút.
Nghe mưa trên điện thoại thông minh 1
Ứng dụng iRain đo đạc lượng mưa trên toàn cầu một cách nhanh chóng và chính xác
Với sự tài trợ và giới thiệu của UNESCO, ứng dụng này được giới thiệu rộng rãi đến người dân ở các nước đang phát triển, nơi thông tin về diễn biến thời tiết và thiên tai còn thiếu. Dù ở bất cứ nơi đâu, với máy tính hoặc điện thoại thông minh được kết nối internet, người dùng có thể theo dõi thông tin về mưa toàn cầu theo thời gian thực, biết được nơi nào đang mưa, mưa nhiều hay ít, nơi nào có nguy cơ bị lũ lụt. Người dùng dễ dàng xem diễn biến mưa trong vòng 3 ngày qua dù ở Mỹ, châu Phi hay VN.
Điều đặc biệt ở iRain là sự tham gia phát triển của nhóm các nhà khoa học trẻ, các kỹ sư máy tính người Việt. Ứng dụng di động ban đầu do các sinh viên VN phát triển. Sau khi thấy được tiềm năng phát triển của iRain, GS cao cấp Soroosh Sorooshian, Giám đốc CHRS, đã đầu tư cơ sở vật chất và thành lập nhóm chuyên phát triển iRain và các ứng dụng liên quan.
GS Nguyễn Đình Phú cho biết: “Tôi đã có nhiều cơ hội làm việc với các bạn trẻ người Việt trong nước và nước ngoài. Theo tôi, người Việt chúng ta làm việc rất chăm chỉ và thông minh, không hề thua kém bạn bè quốc tế. Nhóm của chúng tôi gồm các bạn trẻ người Việt luôn được đánh giá rất cao. Tôi quan niệm làm việc gì mà tập trung, toàn tâm toàn ý thì sẽ đạt kết quả tốt. Trong học tập, công việc hay dự án iRain tôi đều luôn cố gắng làm sao tốt nhất có thể. Tôi nghĩ thành công nào cũng có mồ hôi và công sức. Muốn thành công thì chúng ta phải có sự cố gắng và lao động chăm chỉ”.
GS cao cấp Soroosh Sorooshian, đánh giá GS Nguyễn Đình Phú là một trong những học trò xuất sắc nhất mà ông có được. “Ở Phú, không chỉ có tài năng mà còn là sự chăm chỉ, kiên trì đến cùng với mục tiêu của mình. Phú có tố chất của một người lãnh đạo, giỏi nhưng cực kỳ khiêm tốn”, GS Soroosh Sorooshian nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.