Bà Ánh Tuyết - “tổng chỉ huy” nấu quốc yến APEC 2017, nghệ nhân đóng thuyền buồm chạy ngược gió Lê Đức Chắn và cả nghệ nhân bánh xèo Mười Xiềm… đều không có trong danh sách.
“Hạt giống”... trượt
Nghệ nhân Ánh Tuyết, “tổng chỉ huy” nấu bữa quốc yến phục vụ 21 nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC 2017 đã nhận bằng khen của Bộ Ngoại giao sau khi sự kiện kết thúc ít lâu. Trước đó, bà không xa lạ gì với các sự kiện ngoại giao ẩm thực.
tin liên quan
Xét tặng danh hiệu nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể lần 2“Hồ sơ của bà Tuyết không thiếu tiêu chuẩn gì cả, nhưng khi bỏ phiếu thì thiếu phiếu”, theo ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội. Dựa trên quy định hiện hành, ở hội đồng xét duyệt cấp bộ, hồ sơ phải đạt 90% phiếu trở lên mới được xét tiếp. Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT-DL), không tiết lộ số phiếu bà Tuyết thiếu, song xác nhận việc bà chưa đủ số phiếu điều kiện.
Chính vì thế, nhiều người ngỡ ngàng khi đại diện của ẩm thực Hà Nội đã không thể trở thành nghệ nhân nhân dân. “Chúng tôi cũng buồn lắm, nhưng không biết làm thế nào”, bà Phạm Lan Anh, Trưởng phòng Di sản (Sở VH-TT Hà Nội), bày tỏ.
|
Thủ tục hành chính vô tình
Trong khi đó, một nghệ nhân không có hồ sơ xét duyệt ở vòng cấp Bộ cũng gây chú ý là bà Mười Xiềm - nghệ nhân đã sang Mỹ giới thiệu về bánh xèo và ẩm thực Việt. Nếu như bà Tuyết, ông Chắn đã có danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, trượt nghệ nhân nhân dân thì với bà Mười Xiềm, ngay cả nghệ nhân ưu tú cũng chưa được công nhận. Việc bà Tuyết, ông Chắn và bà Mười Xiềm không có tên trong danh sách nghệ nhân nhân dân dễ làm công chúng liên tưởng tới việc 3 nghệ sĩ cải lương Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu trượt nghệ sĩ nhân dân năm ngoái.
Ra đời sau danh hiệu nghệ sĩ, việc xét danh hiệu nghệ nhân dân gian, giờ đây cũng mắc những vấn đề khá tương đồng. Chẳng hạn, số phiếu điều kiện quá cao, trong khi chất lượng hội đồng lại khó bảo đảm do không công khai phiếu bầu và “lý lịch chuyên môn” của thành viên hội đồng. Việc chỉ xét duyệt trên hồ sơ càng làm cho kết quả trở nên hên xui… “Có hơn 600 hồ sơ, đúng là hội đồng cũng không biết hết được và chỉ đọc hồ sơ là chính”, một thành viên hội đồng chia sẻ.
TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng, cho biết nhiều trường hợp trượt rất đáng tiếc. Đáng tiếc vì nghệ nhân xứng đáng, nhưng hồ sơ lại sơ sài không thuyết phục. Điều này, theo ông, lỗi nằm ở các sở VH-TT hoặc sở VH-TT-DL.
“Tôi nghĩ, quy chế không nên bỏ sót nghệ nhân. Họ giỏi nghề nhưng lại ít va chạm với các thủ tục hành chính, giấy tờ. Nếu nghệ nhân xứng đáng, thì phải hướng dẫn họ làm hồ sơ, quy trình”, một ủy viên Hội đồng di sản đề xuất.
Chưa kể, quy định phải đạt 90% số phiếu của hội đồng (chỉ 2/13 người không đồng ý là trượt) cũng làm khó nghệ nhân. “Tôi đã thấy có thành viên còn lôi kéo người khác không bỏ cho một nghệ nhân. Nếu họ lôi kéo thành công, thì nghệ nhân kia trượt rồi”, ông Sơn nói.
Về tình trạng này, PGS-TS Đặng Văn Bài cho rằng cần sửa các quy định về việc phong tặng nghệ nhân. Theo đó, cần giảm yêu cầu tỷ lệ phiếu bầu cho hợp lý bên cạnh việc có thông tư hướng dẫn làm hồ sơ chi tiết hơn.
Bình luận (0)