Đặc biệt, dù đã trải qua tất cả các loại vai từ bi đến hài, độc, nhưng lần này Hoàng Hải không diễn những trích đoạn riêng lẻ mà dựng hẳn một vở mới để diễn cho thỏa chí, một điều mà có lẽ chưa live show nào làm.
Hoàng Hải gốc người Tây Ninh, làm nghề kế toán. Một hôm, người bạn của Hải cầm tờ poster tuyển sinh của Nhà hát Trần Hữu Trang phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM mở lớp đào tạo diễn viên cải lương, rủ Hải đi thi “cho vui”. Hải đồng ý luôn. Nhưng gia đình anh không cho. Rốt cuộc, Hải cũng theo cha xuống Sài Gòn “thi cho biết”. Và Hải đã hát rớt hai nhịp…
Nghệ sĩ Hoàng Hải |
hk |
Thật ra Hải có biết nhịp là gì đâu. Ông ngoại có gánh hát và mẹ cũng là đào hát, cho nên mới 7-8 tuổi Hải đã biết ca vọng cổ. Nhưng ca vậy thôi chứ không rành nhịp. Rồi cải lương khó khăn, ông ngoại giải thể gánh hát, mẹ làm nghề khác mưu sinh, Hải học ngành kinh tế. Tưởng vậy là an phận, ai ngờ cuộc thi đã kéo Hải trở lại với truyền thống gia đình. Dù rớt nhịp nhưng giám khảo nhận ra chất giọng của Hải rất tốt, thế là cho anh đậu. Vào trường, anh mới học hỏi và phát huy thế mạnh của mình.
Bắt đầu học từ năm 2010 nhưng 2011 Hoàng Hải đã đoạt hạng 1 giải vọng cổ Nguyễn Thành Châu do Đài Truyền hình Tiền Giang tổ chức. Đến 2012 thì đoạt huy chương bạc trong vở Tiếng chim rừng tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc. Tốt nghiệp xong 2014, anh đoạt huy chương vàng Trần Hữu Trang đồng thời huy chương bạc cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc. 2020 lại có huy chương bạc cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc lần nữa. Chưa kể 3 lần nhận giải 2 và 3 trong các game show Tài tử tranh tài (2017), Làng hài mở hội (2018), Sao nối ngôi (2019) đều chuyên về cải lương.
Có thể nói Hoàng Hải rất đa năng, anh đóng cải lương hoặc ca tân nhạc đều tốt, và có thể diễn đủ loại vai bi, hài, độc, trẻ, già, tuồng xã hội, tuồng cổ. Nhưng Hải nói: “Tôi vẫn thích nhất tuồng cổ, và muốn thử sức mình hơn nữa trong vai trò nhà sản xuất, vì vậy tôi thành lập Công ty Biểu diễn nghệ thuật Hoàng Hải để tự mình diễn cho thỏa chí, và cũng muốn tạo đất cho các bạn trẻ biểu diễn. Tôi dự kiến sẽ dựng nhiều vở, trong đó có khi tôi đóng vai chánh, có khi để các bạn trẻ đóng chánh, tùy theo vai nào phù hợp, chứ không phải luôn luôn giành vai chánh cho mình. Tôi ước mơ một sân khấu mới, chấp nhận lỗ chút ít cũng được, miễn sao anh em nghệ sĩ chúng tôi phát triển, gìn giữ cải lương”.
Nhưng vẫn phải có vốn mới làm được chứ? Hoàng Hải thú thật: “Bình thường tôi đi hát dữ lắm, cố gắng dành dụm để gây vốn dựng vở. Ngoài ra còn có sự tài trợ của các khán giả thân thương, có thể gọi là fan ruột, đặc biệt là chị Thủy Trần ủng hộ rất lớn. Các anh chị còn hỗ trợ luôn công tác truyền thông, bán vé, và nhiều thứ bên lề để tôi yên tâm lo cho chuyên môn vở diễn”.
Hoàng Hải trong vở Người yêu của đảo chúa (Nhà hát Trần Hữu Trang dàn dựng) |
hk |
Vở Lan Lăng nhập trận khúc (tác giả Yến Ngân, đạo diễn Chí Linh) là vở đầu tiên của công ty lẽ ra đã ra mắt cách đây 3 năm, nhưng kẹt dịch Covid nên hoãn tới bây giờ, sẽ công diễn đêm 9.7 tại Nhà hát Trần Hữu Trang. Hoàng Hải tri ân người cha nuôi của mình là nghệ sĩ Chí Linh đã hướng dẫn anh rất nhiều, ông vừa đạo diễn vừa dạy thêm nghề với hy vọng sau này Hoàng Hải sẽ đứng vững một mình lèo lái công ty. Chí Linh cũng có nhóm cải lương riêng của mình là nhóm Chí Linh - Vân Hà biểu diễn thường xuyên, nhưng ông không giấu nghề, và không sợ cạnh tranh, ông vẫn tận tình dìu dắt thế hệ đi sau. Chí Linh là một trong những nghệ sĩ mẫu mực được đồng nghiệp và khán giả thương mến.
Hoàng Hải còn được anh em đồng nghiệp thương yêu hỗ trợ mà không bàn tới cát sê. Những tên tuổi như Võ Minh Lâm, Tú Sương, Thy Trang, Nguyễn Văn Mẹo, Phương Cẩm Ngọc… rất quen thuộc với khán giả, cũng là yếu tố để Hoàng Hải bán vé nhanh hơn. Anh cho biết đầu tư hơn 400 triệu, và dù bán hết vé (giá từ 300-500-800.000 đồng đến 1.200.000 đồng) thì vẫn còn lỗ 1/3 bởi rạp Hưng Đạo mới xây lại chỉ có 450 ghế, nhưng nhờ các fan ruột tài trợ nên vở diễn vẫn mở màn. Những người tâm huyết với cải lương nhất quyết không để cải lương đóng cửa, và đặc biệt ủng hộ những tài năng trẻ.
Bình luận (0)