Nghệ sĩ Phú Quý trải lòng về cuộc sống ở tuổi U.80

07/10/2022 14:14 GMT+7

Ở tuổi 76, nghệ sĩ Phú Quý vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời. Ông chăm chỉ tập thể dục để có sức khỏe, tiếp tục đam mê với nghề và phục vụ khán giả.

Chương trình Người kể chuyện đời do nghệ sĩ Trung Dân dẫn dắt vừa lên sóng. Trong tập này có sự tham gia của NSƯT Phú Quý. Ông được biết đến là một nghệ sĩ cải lương cũng như danh hài nổi tiếng. Nam nghệ sĩ từng góp mặt trong hàng trăm vở cải lương, kịch hài như Tìm lại cuộc đời, Ánh lửa rừng khuya, Khách sạn hào hoa, Nàng Xê Đa...

Nghệ sĩ Phú Quý chia sẻ ông vẫn luôn dồi dào năng lượng để tiếp tục với đam mê nghệ thuật

chụp màn hình

Ở tuổi 76, nghệ sĩ Phú Quý vẫn còn rất phong độ, sôi nổi, nhiệt huyết với những tràng cười không ngớt khi trò chuyện cùng người đối diện. Nói về bí quyết giữ gìn sức khỏe của mình, ông chia sẻ: "Ngay từ khi còn trẻ, tôi thường xuyên đá bóng. Sau này đá không nổi thì chuyển sang đánh cầu lông. Suốt 20 năm qua, tôi vẫn đánh cầu lông liên tục cho tới bây giờ. Tôi cũng hạn chế bia rượu, nhậu nhẹt. Trong những lúc vui chơi bạn bè, tôi pha chút nước lọc vô bia, mình cụng ly rồi lại kể chuyện đời cho họ nghe. Mình làm vậy cũng không hại ai. Tôi bây giờ năng lượng tràn trề, ca vọng cổ còn hay nữa".

Để chứng minh, nghệ sĩ Phú Quý còn ca một đoạn trong Tình anh bán chiếu. Ông khiến Trung Dân thích thú vì làn hơi khỏe, còn pha thêm chút hài để gây cười. Tiếp đó, nam nghệ sĩ sinh năm 1946 còn chia sẻ về chuyên môn trong nghề, cách hát cải lương: "Ca cải lương dù muồi đến đâu cũng phải rõ chữ, dấu sắc ra dấu sắc, dấu huyền ra dấu huyền, dấu nặng ra dấu nặng, phát âm cho chuẩn. Tân nhạc có bát cung đồ rê mi pha son la si đố còn cải lương chỉ có ngũ cung là hò xự xang xê cống, nhưng hát chữ nào phải ra chữ đó. Thời đó, tôi mê những nghệ sĩ đi trước là ông Thành Được, ông Út Trà Ôn. Tôi hãnh diện nhất là từng được hát chung với NSND Út Trà Ôn, đệ nhất danh ca miền Nam".

Nghệ sĩ Phú Quý từng ghi dấu ấn với khán giả qua các vở cải lương ở nhà hát Trần Hữu Trang, điển hình là vở Nàng Xê Đa

chụp màn hình

Theo Phú Quý, ông đến với cải lương là do Tổ nghề chọn chứ bản thân không dám mơ mình sẽ là nghệ sĩ. Ông tâm sự ngày xưa nhà rất nghèo, thích nghe cải lương nhưng không có tiền mua vé, phải chui lỗ chó vào nghe. Không được đào tạo bài bản cũng như có người dẫn dắt, nghệ sĩ Phú Quý chỉ tự học hỏi, nghe đến đâu nhớ đến đó.

"Ngày tôi còn nhỏ, ba tôi làm nghề chài lưới, kiếm cá về nuôi 10 anh em. Tôi là con út nên được ba cưng nhất. Còn mẹ tôi bán cháo ở các gánh hát cho nghệ sĩ ăn. Tôi thường ngồi gần mẹ, mỗi đêm nghe họ hát mê quá rồi học lỏm theo. Sau này, tôi được các anh dẫn đi hát chùa, đình, miếu. Tôi còn nhỏ nên toàn ca vai đào. Còn nhớ ngày ấy tôi ca theo cô Ngọc Giàu bài Tình mẫu tử, tôi ca mà khán giả khóc. Rồi tôi xin ba mẹ cho tôi theo gánh hát từ năm 16 tuổi. Hồi ấy mọi người gọi tôi là thần đồng Thanh Quý", ông nhớ lại.

Trung Dân vô cùng ngưỡng mộ chặng đường gần nửa thế kỷ cống hiến cho nghệ thuật của NSƯT Phú Qúy

chụp màn hình

Nhưng vì xa nhà, nghệ sĩ Phú Quý nhớ gia đình rồi trốn đoàn hát về quê. Sau này, ông xuống Sài Gòn thì gặp một cô đàn tranh dẫn theo gánh hát khác. Đến năm 1975, ông không theo nghề hát mà quyết định làm công nhân vận tải. "Ông giám đốc của tôi ngày đó mê văn nghệ lắm nên lập một hội văn công để đi giao lưu. Lúc đó trong đoàn văn công, tôi đi thi ở đâu cũng đoạt huy chương vàng, được phát lên tivi. Cô Kim Cương thấy được mới cho người ra bến xe miền Tây tìm tôi. Đó là cột mốc đưa tôi đến với sân khấu chuyên nghiệp. Hồi đó chị Kim Cương phát lương 12 đồng, tôi đi hết 10 đồng tiền xăng, chỉ còn dư được 2 đồng thôi mà yêu nghề lắm", nam nghệ sĩ kể.

Trải qua thời hoàng kim của sân khấu cải lương nhưng Phú Quý cũng từng chứng kiến khoảng thời gian cải lương đi xuống. Ông tâm sự: "Tôi không biết nguyên nhân vì sao, tuồng hát vẫn hát, nghệ sĩ vẫn còn đầy đủ. Không biết có phải nền kinh tế và sự biến chuyển của xã hội nó làm người ta bị xa rời sân khấu hay không. Dù sân khấu có đẹp, có lộng lẫy nhưng khán giả không đến nữa. Từ từ các đoàn hát phải tan rã. Các anh em công nhân mỗi người ra ngoài kiếm một nghề sống, còn anh em nghệ sĩ thì đi ra ngoài làm tấu hài. Từ đó tôi mới làm nhóm hài, đi diễn các tụ điểm rồi sau này được kéo lên nhờ chương trình truyền hình Trong nhà ngoài phố".

Nghệ sĩ Phú Quý nhắn nhủ đến thế hệ trẻ muốn giữ tên tuổi thì phải tôn trọng nghề nghiệp cũng như khán giả, sống có trước có sau

chụp màn hình

Khi nghệ sĩ Trung Dân đề cập đến chuyện một số đồng nghiệp có những lúc không kiềm chế được cảm xúc, gây tai tiếng cho nghề. Phú Quý thẳng thắn nói ông thấy tổn thương cho nghề nghiệp của mình. Nam nghệ sĩ bộc bạch: "Ông bà xưa có câu "tài bất thắng thời", tôi nghĩ những người đứng trên sàn diễn ai cũng có tài. Người nào cũng có khả năng, nhưng khi có tài mà không có thời thì tên tuổi không ai biết. Còn khi ai có tài mà còn gặp thời thì tên tuổi lên như diều gặp gió. Nhưng để nhắc nhở cho các em, các cháu khi đã lên rồi phải nhớ hai câu tôi từng nói. Thứ nhất, mình phải luôn xem khán giả là thượng đế, thứ hai sân khấu là thánh đường. Mỗi khi xuất hiện phải tôn trọng hai yếu tố đó, sống có trước có sau. Đừng có thờ ơ với nghề, phải như vậy mình mới đứng mãi trong lòng công chúng. Còn mình lơ tơ mơ, mình sụp mấy hồi. Tôi nhắc nhở luôn thế hệ đàn em, đừng chủ quan, mình thờ ơ hay sinh hoạt tào lao là tiêu liền".

Với nghệ sĩ Phú Quý, hạnh phúc lớn của đời ông là đến bây giờ khán giả vẫn luôn thương mến và nhắc đến tên mình. Nhờ hạnh phúc đó, nam nghệ sĩ luôn dồi dào năng lượng để tiếp tục với đam mê nghệ thuật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.