Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Anh - hết mình với âm nhạc dân tộc

13/11/2022 15:30 GMT+7

Vốn dĩ không theo truyền thống nghệ thuật của gia đình nhưng dường như nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Ngọc Anh (Hà Nội) có duyên nghiệp với nhạc cụ dân tộc. Nên cuối cùng, anh đã gắn bó và cháy hết mình với âm nhạc dân tộc.

Trở về với truyền thống

Truyền thống âm nhạc đã bắt nguồn từ thời ông nội của NSƯT Ngọc Anh. Tuy không là nghệ sĩ, nhưng ông đã sử dụng thông thạo năm loại nhạc cụ dân tộc khác nhau. Tiếp nối đó, bố anh là NSƯT Ngọc Khánh cũng được giới nhạc công đặt cho biệt danh “Khánh kèn” bởi ông có ngón kèn rất đỗi độc đáo. Và ông cũng từng công tác ở Nhà hát tuồng Việt Nam. Chính vì thế, âm nhạc đã ngấm vào tâm hồn anh. Do những yếu tố đó, mà từ rất sớm, anh đã được bố “truyền nghề”.

NSƯT Ngọc Anh

NVCC

Những tưởng anh sẽ sớm lên sân khấu, nhưng thấy con trai sức khỏe yếu nên NSƯT Ngọc Khánh đã ngưng không cho anh học sáo nữa. Vì sáo trúc cần một làn hơi tốt. Vậy là đường học sáo của anh đã đứt từ năm 1993. Đằng đẵng bốn năm anh đi học xiếc. Nhưng ông trời đã “se duyên” cho anh với nhạc cụ dân tộc. Nên cuối cùng, anh trở về “chạy tiếp sức” với bố mình.

“Nối lại tình xưa” với sáo trúc, anh đã đăng ký vào học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau bốn năm học xiếc, sức khỏe của anh tăng lên. Song, thời gian đầu quay lại với sáo trúc, ngón sáo và tiếng sáo của anh không được mềm mại như những bạn được học từ nhỏ. Nhưng may mắn, anh gặp được NSƯT Triệu Tiến Vượng - một nghệ sĩ sáo trúc nổi tiếng. Ông đã tận tâm, tận tình hướng dẫn và thị phạm cho NSƯT Ngọc Anh. Cộng vào đó là chí cầu tiến, sự kiên trì của anh.

NSƯT Ngọc Anh tâm niệm: “Đã xác định học nghệ thuật thì phải khổ luyện, phải tập luyện hằng ngày. Phải bỏ thời gian và công sức. Nếu xem nghệ thuật như một cuộc dạo chơi, thì sẽ không bao giờ thành tài được.”. Điều đó đã giúp anh có cơ hội được trở về với truyền thống của gia đình và nhạc cụ truyền thống. Và cũng chính sự dày công khổ luyện mà rất nhanh chóng tiếng sáo của anh trở nên mượt mà như tơ, vút lên như diều gặp gió.

Bằng những nỗ lực đó, rất nhanh chóng, NSƯT Ngọc Anh đã khẳng định mình “trở lại và lợi hại hơn xưa”. Năm 2008, với bài sáo Luyện năm cung (nhạc chèo) cùng các tác phẩm Mùa xuân biên phòng (NSƯT Ngọc Phan), Tiếng gọi mùa xuân (NSND Đinh Thìn), anh đã đoạt giải nhất cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc. Tiếp đó, anh đã giành huy chương vàng tại Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc với hai tác phẩm của NSƯT Huỳnh Tú: Năm 2009 với tác phẩm Mặt trời đỏ, năm 2010 với tác phẩm Rừng gọi.

Chính vì đó mà khi nhắc đến NSƯT Ngọc Anh, NSƯT Hoàng Anh (Trưởng bộ môn sáo trúc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) nhận xét: “NSƯT Ngọc Anh không phải đến bây giờ mới nổi tiếng. Tên tuổi của anh đã được bạn bè, đồng nghiệp biết đến nhiều từ thời đại học, qua các giải thưởng của anh.”.

Tình yêu với âm nhạc dân tộc

Là đồng nghiệp với NSƯT Ngọc Anh ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nghệ sĩ Bùi Công Thơm chia sẻ: “Anh Ngọc Anh là người rất đam mê và tâm huyết với bộ môn này. Anh ấy có thể hoạt động và hỗ trợ mọi người mà không hề nghĩ đến lợi ích cá nhân. Từ việc hỗ trợ giảng dạy cho đến chấm thi trong các hội nhóm, anh đều rất nhiệt tình. Dù đây là những việc không lương. Tiếng sáo của anh ấy rất đẹp, rất riêng, bởi NSƯT Ngọc Anh luôn luôn tìm tòi và để ý đến chất của mỗi một ca khúc mà anh thổi. Thổi nhạc miền nào là ra chất của miền ấy”.

NSƯT Ngọc Anh trong một lần biểu diễn

NVCC

NSƯT Ngọc Anh chỉn chu đến từng nốt nhỏ trong các bài hát, để làm sao tiếng sáo của anh có thể khiến người nghe yêu thích sáo trúc. Anh luôn tìm ra những tone sáo khác biệt với mọi người. Điều ấy vừa tạo chất riêng, vừa tạo cho người nghe cảm giác thích thú. Giữa thời đại mà âm nhạc dân tộc dần bị bỏ ngõ, anh đau đáu và luôn tìm cách để bảo tồn.

Ngoài những việc đó, NSƯT Ngọc Anh còn “lấn sân” sang một số nhạc cụ dân tộc khác. Khi còn học trung cấp ở Nhạc viện, anh học thêm đàn tam thập lục. Khi lên đại học, anh tiếp tục học đàn nguyệt. Đặc biệt hơn nữa, anh đã được bố truyền lửa và biết cách sử dụng kèn sona dăm sậy (kèn dăm, kèn bầu…).

Kèn sona là một loại kèn rất khó chơi và giới trẻ không mấy thích thú. NSƯT Ngọc Anh chia sẻ: “Kèn sona không được dùng nhiều. Tuy nhiên, với âm nhạc truyền thống thì đôi khi nó rất quan trọng. Nhưng ngày ấy, không có thầy cô nào dạy bộ môn này cả. Đây là một sự thiếu sót. May mắn bố tôi là nghệ sĩ thổi kèn, nên tôi được ông truyền nghề. Ở Việt Nam, loại nhạc cụ này chưa được yêu thích cho lắm. Nhưng tôi cho rằng đây là một loại nhạc cụ hết sức độc đáo. Cái quan trọng hơn cả là tôi muốn giữ được nghề mà bố tôi đã theo đuổi.”.

So với sáo trúc, bộ môn này khó hơn rất nhiều. Do lượng hơi dùng nhiều hơn và bị hạn chế về thể loại do không đủ các nốt thăng, giáng. Nhưng đối với anh, những điều đó không phải là chướng ngại vật. Điều khó khăn nhất là không có không gian luyện tập. Vì tiếng kèn này rất lớn, Hà Nội đất chật người đông nên rất bất tiện.

Nhưng sau hai năm “tu luyện”, anh đã thành thạo, hòa tiếng kèn sona vào âm nhạc hiện đại và được mời đi thu thanh. Lần đầu tiên anh đưa kèn bầu lên sân khấu là lúc ca sĩ Ngọc Khuê thể hiện ca khúc “Giọt sương bay lên” của Nguyễn Vĩnh Tiến.

Nhạc sĩ Phan Cường đã viết một đoạn nhạc dành cho kèn sona và mời NSƯT Ngọc Anh thổi đệm trong chương trình “Bài hát Việt” và đã đạt giải. Nhớ lại buổi diễn hôm đó, NSƯT Ngọc Anh cười: “Mọi người nghe xong, ai cũng giật nảy người. Lúc đó, tôi cũng hơi tự ti.”.

Thế nhưng khi ngẫm lại, NSƯT Ngọc Anh nhận ra một chân lý: “Nhạc cụ không có tội. Hay dở là do nhạc công. Mình phải làm sao cho khán giả yêu thích tiếng kèn đó”. Và những cố gắng của anh đã được đền đáp khi nhiều nhạc sĩ đã khai thác tiếng kèn sona mà NSƯT Ngọc Anh là người truyền tải.

Chuyên biểu diễn sáo trúc, nhưng NSƯT Ngọc Anh (áo vàng, bên phải) còn có thể sử dụng được đàn tam thập lục

NVCC

“Để thông thạo một loại nhạc cụ đã rất khó. Bởi học đã mất hơn mười năm, rồi còn công việc, những va đập của cuộc sống nhưng NSƯT Ngọc Anh đã học rất nhiều nhạc cụ và đều ra ngô ra khoai cả. Đó là điều mà tôi đánh giá cực kỳ cao của anh ấy”, NSƯT Hoàng Anh chia sẻ.

Tuy nghệ thuật truyền thống không mang lại cho NSƯT Ngọc Anh thu nhập cao nhưng anh luôn hài lòng. Bởi đối với anh, được cháy hết mình với đam mê là điều rất hạnh phúc.

Mang tiếng sáo của Việt Nam bay xa

Không chỉ biểu diễn trong nước, mà NSƯT Ngọc Anh còn mang tiếng sáo của Việt Nam bay cao, bay xa ở vùng trời nước bạn. Anh cùng cây sáo trúc đi đến hơn 20 quốc gia. Lần đầu tiên là năm 2004, anh là một trong những đại diện của sinh viên Nhạc viện Hà Nội biểu diễn ở Trung Quốc trong tuần lễ giao lưu văn hóa giữa thanh niên hai nước. Cũng trong năm ấy, anh được đi Pháp. Rồi kể từ đó trở đi, mỗi năm anh được đi hai, ba lần đến nhiều quốc gia. Theo anh đó là cơ hội để đem âm nhạc dân tộc giới thiệu với bạn bè quốc tế. Anh thấy rất vui khi công chúng nước ngoài đón nhận âm nhạc Việt rất hào hứng.

Với mong mỏi sẽ tiếp nối dòng chảy nghệ thuật và giữ gìn nghệ thuật dân tộc, hiện nay, NSƯT Ngọc Anh cũng đã bắt đầu dạy cho con trai những ngón sáo đầu tiên.

Chính những đóng góp và nhiệt huyết với âm nhạc dân tộc, năm 2019, anh được trao tặng danh hiệu NSƯT khi mới 37 tuổi (một trong những người trẻ nhất năm đó). Và đồng nghiệp cho rằng đó là sự đền đáp xứng đáng với những gì mà NSƯT Ngọc Anh đã làm cho âm nhạc dân tộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.