Nghệ thuật đa ngành và liên ngành

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
16/05/2024 17:34 GMT+7

Với Trường ĐH Khoa học liên ngành và nghệ thuật, sẽ không có chuyện sinh viên mỹ thuật chỉ học vẽ, sinh viên kiến trúc chỉ chăm chú thiết kế nhà…

Thạc sĩ, họa sĩ, giám tuyển độc lập Nguyễn Thế Sơn đã nhắc tới những năm học tại Học viện Mỹ thuật T.Ư Trung Quốc trong tọa đàm "Giáo dục nghệ thuật theo hướng đa ngành và liên ngành từ mô hình ĐH Đông Dương" (tổ chức ngày 15.5 tại Hà Nội). "Mỗi dự án nghệ thuật đương đại, bản chất đã là tích hợp nghiên cứu lịch sử, xã hội, có thực hành như dự án cộng đồng. Những dự án kiểu như vậy trong thời gian gần đây của tôi đều ảnh hưởng từ việc tôi được đào tạo về nghệ thuật đương đại như vậy ở Trung Quốc", vị giảng viên Trường ĐH Khoa học liên ngành và nghệ thuật này nói.

Dự án nghệ thuật Phúc Tân không chỉ là điêu khắc, mà còn liên quan kiến trúc và nghiên cứu tranh dân gian, thực hành dự án xã hội

Dự án nghệ thuật Phúc Tân không chỉ là điêu khắc, mà còn liên quan kiến trúc và nghiên cứu tranh dân gian, thực hành dự án xã hội

ẢNH: TL CỦA TS PHẠM LONG

Trên thực tế, dự án nghệ thuật thị giác Thủy cung "treo" do ông Nguyễn Thế Sơn cùng TS Trần Hậu Yên Thế (Trường ĐH Khoa học liên ngành và nghệ thuật) thực hiện mới đây cũng để đáp ứng nhu cầu không gian công cộng của người dân trong lẫn ngoài đê Q.Hoàn Kiếm. Nó còn giúp nhiều người di cư có thêm không gian nghỉ ngơi, thư giãn. Sự kết hợp nghiên cứu, kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc, nhiếp ảnh… này cũng chính là những liên kết "đa ngành" trong đào tạo của Trường ĐH Khoa học liên ngành và nghệ thuật. Thạc sĩ Sơn cho rằng: "Chữ nghệ thuật thị giác sẽ gói gọn được các chuyên ngành hẹp như hội họa, đồ họa, điêu khắc… Nó thực sự là liên ngành".

TS Lê Phước Anh, giảng viên kiến trúc tại Trường ĐH khoa học liên ngành và nghệ thuật, phân tích: "Vì sao phải liên ngành. Ở các nước giáo dục phổ thông rất toàn diện, bản thân người học kiến trúc, nghệ thuật được trang bị mọi kiến thức. Sự liên ngành như thế sẽ đáp ứng giải quyết các vấn đề thực tiễn".

PGS-TS Phạm Quỳnh Phương, một giảng viên khác của trường này, cho rằng với ĐH Đông Dương thực ra tư duy công nghiệp văn hóa đã phát triển cách đây cả trăm năm. Có thể thấy việc đào tạo liên ngành mỹ thuật - thiết kế ở đó, với kết quả là các sản phẩm tại các triển lãm hàng hóa, tranh Đấu xảo ở cả VN lẫn Pháp. Những tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lê Thị Lựu dưới sự giám tuyển của Hiệu trưởng Victor Tardieu đã sang Đấu xảo Paris, để rồi ngày nay tranh Đông Dương thành từ khóa với nhiều tác phẩm "triệu đô". Chính vì thế, theo PGS-TS Phương, với chủ trương phát triển công nghiệp sáng tạo hiện nay, việc đào tạo liên ngành về nghệ thuật càng cần thiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.