Không quá lời khi cho rằng, vi phạm đã trở thành một “nghề” để kiếm tiền đối với nhiều doanh nghiệp bởi sau khi nộp phạt, họ vẫn lời lớn.
Điển hình như chuyện Công ty Sam Media Limited (Hồng Kông) “móc túi” người tiêu dùng VN tới 230 tỉ đồng nhưng chỉ bị xử phạt 55 triệu đồng. Cụ thể, thông qua các tin nhắn quảng cáo trúng thưởng để người dùng tham gia trả lời. Nếu trả lời, họ bị trừ tiền đều đặn hằng tuần, hằng tháng mà không hề biết vì tưởng đó là tin nhắn rác.
Theo các chuyên gia, hành vi này có dấu hiệu lừa đảo bởi trong mọi hoạt động giao dịch, người mua hàng hóa phải được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm từ chất lượng, giá cả. Còn ở đây, Công ty Sam Media Limited hoàn toàn che giấu các thông tin về cước phí trong khi giăng bẫy bằng các câu từ kích thích sự hấp dẫn của các giải thưởng vật chất. Thế nhưng, thay vì truy thu toàn bộ số tiền kiếm được từ hành vi gian dối này, xử phạt thật nặng, thậm chí xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, thì công ty này chỉ bị phạt vỏn vẹn 55 triệu đồng như nói trên.
Tương tự đối với việc xử phạt các doanh nghiệp (DN) sử dụng hóa chất, chất cấm trong sản xuất, kinh doanh. Đây được gọi là những “kẻ giết người thầm lặng”, là tội ác bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng Việt. Với các DN này, phạt tiền là quá nhẹ. Cao nhất từ trước tới nay như trường hợp của Công ty TNHH URC VN thuộc Tập đoàn Universal Robina Corporation (Philippines) mức phạt cũng chưa tới 6 tỉ đồng cho 40.000 thùng trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ bị nhiễm chì đã được người tiêu dùng nội địa, trong đó đa số là trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước sử dụng. Với 35% thị phần trà xanh đóng chai và khoảng 5,4% thị phần nước tăng lực, URC đang có doanh số cực lớn từ VN và số tiền phạt nói trên là quá nhỏ so với nguồn lợi họ thu về cũng như hậu quả mà họ gây ra cho chúng ta.
Trước đó tại Hà Nội, mặc dù xây vượt 64 căn hộ so với hồ sơ phê duyệt ban đầu, nhưng chủ đầu dự án Hồ Gươm Plaza chỉ phải chịu mức phạt gần 3 tỉ đồng, tương đương trị giá 1 căn hộ khiến dư luận bức xúc.
Dẫn ra một vài trường hợp để thấy, mức phạt của chúng ta không những không đủ răn đe mà thậm chí trong nhiều trường hợp còn “kích thích” DN vi phạm. Chẳng thế mà dự án xây vượt chiều cao, lấn quy hoạch vẫn xảy ra; việc sử dụng hóa chất trong nuôi - trồng, trong chế biến thực phẩm vẫn tràn lan khắp nơi... Bởi phạt thế này, tội gì không tiếp tục vi phạm để kiếm lợi khủng rồi lại trích ra chút ít đóng phạt? Vẫn còn lãi bằng vạn so với hàng trăm ngàn DN làm ăn đàng hoàng đang chật vật “chạy ăn từng bữa” trên thị trường hiện nay. Đó cũng là lý do, nhiều DN ngoại, ở nước họ hay ở những nước có hệ thống luật pháp nghiêm minh thì chấp hành rất nghiêm chỉnh nhưng qua VN lại chầy bửa, thường xuyên vi phạm. Đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường, chuyện xả thải ra sông, biển, không xây dựng hệ thống xử lý môi trường đúng chuẩn, không tham vấn cộng đồng khi làm đề án... đã và đang bị phát hiện khắp nơi.
Nếu chúng ta không nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng này thì nguy cơ nhiều DN coi vi phạm như một nghề kiếm lợi hoàn toàn có thể xảy ra.
Bình luận (0)