Nghề mộc, chạm nay vẫn phát triển, nhiều đình chùa cổ xuống cấp nhưng việc tôn tạo, phục chế, bảo tồn lại không được như xưa.
Nghệ thuật điêu khắc, trang trí trên gỗ phát triển rực rỡ nhất là thời Mạc và Lê Trung hưng. Những mảng chạm độc đáo, quý hiếm của tiền nhân trên đình làng cổ không chỉ phản ánh thế giới tâm linh qua hình ảnh tiên thánh, linh thú mà còn gần gũi, thân thương với người phàm. Qua nhiều thế kỷ, những cấu kiện kiến trúc, những mảng chạm quý đã xuống cấp, hư hỏng theo thời gian…
Một xưởng sản xuất tượng thờ ở làng nghề Sơn Đồng |
Lam Phong |
Nghệ thuật mảng chạm
Đình làng cổ là nơi lưu giữ kho tư liệu dân gian đồ sộ về vẻ đẹp và các kỹ thuật chạm khắc gỗ đỉnh cao. Gần 20 năm tuổi nghề, thợ chạm Phạm Văn Tĩnh - người làng nghề chạm gỗ vùng Hải Minh, Nam Định, kể: “Ở làng bọn em từ hơn 10 tuổi là được làm quen với đục, tự tay chế biến những thứ mình thích và học nghề dần. Bộ đục tay hơn trăm món, mang công năng khác nhau như đục vụm, đục giãng, đục bạt… để quen và sử dụng được cũng mất 5 - 7 năm theo nghề. Kinh nghiệm học qua người đi trước, còn càng đi sâu, thợ nghề thường tìm đình cổ để nghiên cứu thêm kỹ thuật, thủ pháp của các cụ ngày xưa”.
Các ngôi đình cổ ngày xưa khi được chọn thi công, người làng tìm hiệp (nhóm) thợ giỏi để thực hiện, có những đình lớn phải dùng đến hai, thậm chí là ba hiệp thợ nên trong thi công, ngoài việc làm theo giao kèo, còn là sự ganh đua, cạnh tranh ngầm giữa các hiệp thợ. Các chi tiết trang trí đình làng như bảy, kẻ, ván gió, ván nong, vì nách, xà thượng, con rường, đầu dư… chính là nơi nghệ thuật chạm khắc dân gian biểu đạt vốn quý của nó. Những mảng chạm được thể hiện tự nhiên, vượt khỏi giới hạn phân thứ xã hội, đủ gợi về sự đa tầng của thế giới tâm linh, xã hội đời thường, đặc biệt các mảng chạm rất sống động và chân thực.
Thợ chạm Phạm Văn Tĩnh cho biết: “Nghệ thuật chạm thăng hoa nhất phải kể đến thời Lê Trung hưng. Kỹ thuật chạm bong kênh thể hiện đề tài rồng là điểm nhận diện của giai đoạn này với nét phá cách riêng, từ khuôn mặt, miệng cười, đôi tai ngoại cỡ, hàng râu đao lửa. Ở các đầu dư, cảm giác như rồng chui từ trong cột ra như thật. Bây giờ lứa thợ nghề như tụi em loanh quanh với đơn hàng, gia công theo đặt hàng là hết thời gian, muốn sáng tạo lắm nhưng điều kiện không cho phép”.
Thợ trẻ của làng nghề Sơn Đồng được tiếp cận và làm quen với nghề từ nhỏ |
Dù nghề mộc nay đã có thêm nhiều công cụ hỗ trợ, các làng nghề nổi tiếng với kỹ thuật chạm gỗ vẫn tiếp tục phát triển như Chàng Sơn (Thạch Thất), Sơn Đồng (Hoài Đức) rồi Chanh Thôn, Thượng Mạo, Canh Nậu, Đồng Kỵ… nhưng nhiều mảng chạm đẹp ở các đình làng cổ, chùa cổ khi xuống cấp lại khó tìm một ví dụ phục chế, bảo tồn hoàn hảo.
Bảo Thạch - thợ chạm của làng nghề Sơn Đồng - lý giải: “Ngày xưa các cụ làm bằng cả tấm lòng để thể hiện niềm tự hào của làng, tình yêu với vị thành hoàng được thờ tự trong đình. Bây giờ, không hẳn là thợ nghề dở hơn nhưng mọi thứ đều quy về tiền. Muốn chạm theo phong cách ngày xưa, cần đầu tư công sức, thời gian, và thợ được chỉ định phải xứng tầm, trả công tương xứng. Tôi biết nhiều công trình phục chế, bảo tồn, hiệp thợ được chọn không giỏi nghề, chỉ giỏi ngoại giao, nhận thi công những điều quá sức, kinh phí trùng tu 10 đồng thì chia năm xẻ bảy, đến công thợ chẳng còn là bao. Thử hỏi ai còn tâm trí cống hiến nữa”.
Đầu dư chạm rồng theo phong cách thời Mạc ở đình Thụy Phiêu |
Hiếu Trần |
Ác mộng trùng tu
Ngày xưa, xây dựng đình làng là niềm tự hào của người làng nghề, của ngôi làng sở hữu mái đình tuyệt mỹ. Và công lao hiệp thợ ấy, hiển nhiên được xã hội bù đắp xứng đáng.
Khi đình làng xuống cấp, được trùng tu, các cụ cũng đã làm rất tốt. Thí dụ, đình So, hình thành từ 1673, thời Lê Trung hưng, được trùng tu vào thời Nguyễn nay vẫn giữ nét đẹp riêng mà người đời ca tụng: “Đẹp đình So, to đình Sở”.
Đình cổ Thụy Phiêu là ngôi đình sớm nhất thời nhà Mạc còn hiện hữu, dấu tích ghi trên cột cái gian giữa năm tu sửa đình là ngày 07.12.1531 (niên hiệu Đại Chính thứ 2). Ngôi đình này đã qua nhiều lần trùng tu, có thể thấy các mảng chạm mang phong cách thời Mạc ở vì nách gian bên, gian giữa, vì nóc giá chiêng gian giữa, các đầu dư với tạo hình mềm mại. Đến thời Lê Trung hưng, việc trùng tu thấy rõ ở gác thờ lửng, với phong cách chạm đặc trưng cùng thời, cùng hình tượng người, rồng, hổ, nghê, lợn, chuột, thằn lằn… nổi bật là tích mả táng hàm rồng.
Hoặc đình Tường Phiêu, hình thành từ thế kỷ 17, qua các lần trùng tu ở thế kỷ 18, 19 nhưng sự tiếp biến vẫn hài hòa, liền mạch: hình tượng rồng với hệ đao mác được tỉa nét công phu, uốn lượn theo phong cách chạm thời Mạc, hình tượng nghê, rồng thời Lê Trung hưng, kỳ lân của thời Nguyễn…
Trùng tu hay phá hoại ?
Sáng lập trang Di sản Việt, nhà sưu tập Trương Việt Anh cho rằng trùng tu giản đơn nhất là giữ lại được nguyên trạng, nhưng rất nhiều công trình sau trùng tu mang diện mạo mới, mất đi nét đẹp ban đầu, thậm chí còn hư hại nặng nề và khó coi hơn.
“Thành công của bảo tồn, trùng tu là gìn giữ, lan tỏa vẻ đẹp của di sản. Nhưng nếu người thực hiện trùng tu chỉ chăm lo chạy mánh để được nhận thi công, khi làm thì qua loa, thiếu nghiên cứu thấu đáo, và chỉ tìm cách lấp liếm cho nghiệm thu trôi chảy, giải ngân ngọt ngào, dư luận kín tiếng, và xem đó là thành công thì chẳng khác gì kẻ phá hoại”, ông Việt Anh nói.
Qua thế kỷ 21, tưởng rằng việc trùng tu các di tích cổ, di sản cổ sẽ thuận lợi hơn nhiều so với tiền nhân nhưng kỳ thực lại là “ác mộng” với người yêu nét truyền thống, nguyên bản. Một ví dụ về trùng tu, được đánh giá thành công là đình Chàng (Chu Quyến). Công trình trùng tu này đã đạt giải thưởng quốc tế ở hạng mục Bảo tồn di sản kiến trúc châu Á - Thái Bình Dương (tổ chức ở Tây An, Trung Quốc 2010). Tuy nhiên, với người yêu thích nghiên cứu kỹ thuật chạm xưa trên đình làng cổ, không khó nhận ra nhiều mảng chạm hoặc chi tiết của đình đã biến mất sau trùng tu. Tiêu biểu là mảng chạm sinh động buổi hầu rượu với ngựa, voi, quân hầu, cung nữ trang trí trên hệ ván gió của xà trung nối cột quân. Đây là mảng chạm độc đáo, diễn tả hoạt cảnh thú vị, thiên hạ thái bình. Nếu nhân vật trong mảng chạm là người phàm thì phải là bậc cao nhân, quyền quý. Mảng chạm được xếp trên cả rồng, cho thấy đây còn là hoạt cảnh gợi thần tiên, như gửi gắm ước mong của con người muốn thái bình thịnh trị với thời cuộc. Thế rồi khi trùng tu, mảng chạm quý giá ấy “bốc hơi”. Nghe giới trong nghề đồn đã về kho một bảo tàng, đến nay chẳng hiểu còn hay mất.
Nói đến bảo tồn, phục chế, xã hội mong đợi tìm về giá trị và cái đẹp nguyên bản. Nhưng người thực hiện trùng tu nếu không cẩu thả, thiếu trách nhiệm thì lại tìm kẽ hở tư lợi. Vì thế, đừng để việc trùng tu, bảo tồn di sản trở thành ác mộng của số đông và là “niềm vui trúng quả” của số ít người được giao quyền thực hiện.
(còn tiếp)
Bình luận (0)