Nghề xưa còn một chút này: Nghề dán áo mưa 'tàu ngầm' sắp... chìm

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
24/02/2023 07:22 GMT+7

"Nghề dán áo mưa dễ học, vốn sắm đồ nghề chừng 200.000 đồng là đã có thể ra đường kiếm cơm. Nhưng gắn bó với nghề thì khó. Tôi bỏ nghề, có lẽ Đà Nẵng sẽ không còn ai theo nghề này nữa", thợ dán áo mưa Lê Thị Xuân Lành chia sẻ.

CHỨNG NHÂN NGHỀ, CHỨNG NHÂN PHỐ

Hơn 40 năm bám vỉa hè góc ngã tư Hùng Vương - Ngô Gia Tự (TP.Đà Nẵng) mưu sinh với nghề "dán áo mưa tàu ngầm", bà Lê Thị Xuân Lành (54 tuổi) cũng là người chứng kiến không biết bao câu chuyện thăng trầm, vui buồn với nghề, với phố. Bà là con gái của cụ Lê Ngãi - người đầu tiên làm nghề dán áo mưa tại TP.Đà Nẵng. Nghỉ học năm 12 tuổi, bà theo phụ cha và trở thành học trò đầu tiên của ông.

"Năm 1981, phố xá Đà Nẵng còn thưa vắng lắm. Dù vậy, tuyến đường Hùng Vương từ ngã ba Cai Lang nối xuống chợ Cồn đến chợ Hàn có khá nhiều người đi lại. Đây trở thành nơi cắm dùi mưu sinh của cha tôi và sau đó là của không ít học trò ông", bà Lành nhớ lại.

Nghề xưa còn một chút này: Nghề dán áo mưa 'tàu ngầm' sắp... chìm - Ảnh 1.

Bà Lành bám vỉa hè mưu sinh bằng nghề dán áo mưa suốt 40 năm qua

HOÀNG SƠN

Cụ Lê Ngãi là người phóng khoáng. Nghe ai xin học nghề là cụ gật đầu không chút đắn đo. Bởi vậy, từ chỗ cụ là người đầu tiên làm nghề, đến thời điểm những năm 90 thế kỷ trước, tuyến đường Hùng Vương có rất nhiều tiệm dán áo mưa. Nhiều người khác tỏa ra các tuyến phố dán đủ thứ, ban đầu là áo mưa, sau "biến thể" dán giày dép, thùng, xô nhựa… Trong trí nhớ bà Lành, khoảng thời gian ấy là thời điểm hoàng kim của nghề dán áo mưa. Đời sống kinh tế khó khăn, nhiều nhà có được tấm áo mưa đã rất quý. "Bởi vậy, bị rách đôi chỗ người ta không bỏ đi như bây giờ mà tìm cách vá víu, tận dụng… Vậy là họ tìm đến cha con chúng tôi", bà Lành kể.

Cụ Ngãi không gọi là "dán áo mưa tàu ngầm", nhưng sau đó nhiều người thợ vì muốn khẳng định chất lượng của mỗi miếng dán mới ví von như vậy. "Tàu ngầm thì không được thấm nước. Áo mưa được vá chắc, kỹ càng đến mức không để nước lọt vào bên trong như tàu ngầm vậy. Những người thợ vá áo mưa như chúng tôi cũng có những sự đảm bảo với khách hàng. Treo biển "dán áo mưa tàu ngầm" mà nước thấm vào thì phải trả lại tiền cho khách", bà Lành giải thích.

Nhờ giỏi nghề, lại chọn được vị trí đắc địa sát ngay sân vận động Chi Lăng, nên thời bao cấp, gia đình bà Lành vẫn có thu nhập ổn định. Bà cho biết người dân kéo nhau đi xem đá banh, tranh thủ mang chiếc áo mưa bị rách đến vá trước khi vào sân. "Chính tôi chứng kiến cảnh nghề đìu hiu khi mới khởi nguyên, nghề thịnh khi phố đông lên và nghề suy lúc thợ lần lượt bỏ nghề", bà Lành tâm sự.

DÁN ÁO MƯA, "DÁN" KỶ NIỆM…

Đời sống ngày càng phát triển, sự ra đời của nhiều loại áo mưa tiện lợi, rẻ tiền đã đẩy nghề dán áo mưa vào cảnh chỉ còn một người bám vỉa hè mưu sinh như bà Lành. Theo lời bà, nghề dán áo mưa "tàu ngầm" sẽ khó có cơ hội phục hồi nữa nhưng chết đi thì không. Bởi bây giờ mua một chiếc áo mưa mới khá đơn giản, nhưng vẫn có nhiều người, nhất là những người trung niên tìm đến để dán áo mưa. Cũng có những học sinh, sinh viên vá áo mưa để tiết kiệm, vì ý thức bảo vệ môi trường…

Để lại ấn tượng sâu sắc nhất với bà Lành chính là những chiếc áo mưa kỷ niệm của tình bạn bè, tình yêu… Chiếc áo mưa dù rẻ, khách vẫn muốn giữ lại bởi đó là kỷ vật của họ.

"Có hôm, không biết nghe ai kể về tôi, một ông cụ đã một mình vượt hàng chục cây số từ TX.Điện Bàn (Quảng Nam) để mang chiếc áo mưa đến bảo tôi dán. Chiếc áo mưa cũ nhàu, tôi phải vá chằng vá đụp mới được. Tôi nói ông cụ nên mua chiếc mới mà dùng. Ông lắc đầu, rồi kể câu chuyện về chiếc áo mưa vốn ông được một người bạn quá cố tặng cho. Nhiều năm sử dụng, dù đã rách nhưng ông vẫn cố gắng gìn giữ", bà Lành kể lại.

Bà Lành nói, nghề dán áo mưa không khó nhưng để đạt được "cảnh giới" như cha bà từng làm thì đòi hỏi nhiều kỹ năng. Nói đoạn, bà lấy tấm áo mưa của khách ra vừa thao tác vừa chỉ từng công đoạn. Ban đầu, bà cho dùi thép to chừng ngón tay út, đầu đập dẹp đã được bẻ một góc khoảng 70 độ vào lò than. Tiếp đó, bà đặt lỗ thủng trên áo mưa lên một tấm ván phẳng rồi cho lên một miếng ni lông, chồng thêm một miếng ni lông chịu nhiệt lên mặt trên cùng. Tay trái bà giữ chặt tấm áo mưa, tay phải bà lấy dùi thép đang nóng chà qua xát lại cho đến khi 2 miếng ni lông nóng chảy rồi quyện chặt vào nhau.

"Vậy là xong, chỉ mất có 2 phút. Cách thức làm nghề đơn giản. Còn thẩm định tay nghề thì phải chờ phản hồi của khách xem miếng vá có bền không. Nghề này ăn nhau ở chỗ cảm nhận nhiệt độ của que hàn sao cho vừa phải, lực tì tay vừa đủ để vết hàn chắc chắn", bà Lành nói.

Tùy theo kích thước, vị trí áo mưa bị rách mà tiền công dao động từ 10.000 - 30.000 đồng/lần vá. Thu nhập của nghề phụ thuộc vào thời tiết. Trời mưa thì có khách, kiếm được 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Trời nắng, bà bày đồ nghề bọc giấy tờ. Với khí hậu hai mùa mưa nắng trong năm như miền Trung, bà Lành nói vui nghề bà đang làm là "nghề nửa năm".

Bà Lành bảo, nói đam mê nghề này là không thật lòng vì thu nhập thấp. Cứ nhìn những người thợ bỏ nghề thì biết. "Nhưng nói tôi yêu nghề thì đúng. Mấy chục năm qua, từ một cô bé thành cô gái và giờ sắp thành một bà già, tôi cũng ở vỉa hè này tỉ mẩn dán áo mưa cho khách. Thương cha vất vả và cũng thương cái nghề này, tôi làm được ngày nào thì làm…", bà Lành tâm sự. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.