Nghề xưa còn một chút này: Nổi nênh nghề đan thúng chai

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
25/02/2023 07:54 GMT+7

Cách thức đan những chiếc thúng chai từ thân tre dẻo dai, chịu được sóng gió ở Hoàng Sa chỉ còn duy nhất người đàn ông ở làng biển TP.Đà Nẵng nắm biết. Nay ông đan những thuyền thúng theo đơn đặt hàng xuất ngoại mà lòng cũng lắm nỗi niềm.

THÚNG TRE GIỮ BIỂN

Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi cũng được ông Lý Hữu Tiến (49 tuổi, trú tại tổ 103, P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà) tiếp chuyện trong một trại nhỏ ven đường Hoàng Sa, bên bờ biển Đà Nẵng lộng gió. Ông vừa từ biển trở về. Nghề chính của ông là đan thuyền thúng để ngư dân bám ngư trường Hoàng Sa đánh bắt hải sản. Ấy vậy mà sự phất lên của loại thúng composite đã đẩy ông vào cảnh thất nghiệp, trở thành thuyền viên đi "bạn" cho các chủ tàu, loanh quanh gần bờ vài ngày để kiếm ít đồng tiền công.

Nghề xưa còn một chút này: Nổi nênh nghề đan thúng chai - Ảnh 1.

Ông Lý Hữu Tiến, người thợ đan, sửa thúng chai bằng tre cuối cùng của làng biển Thọ Quang

HOÀNG SƠN

"Kể ra thì buồn lắm. Trước đây, nghề của tôi thu nhập khá, lại được người ta săn đón vì cả mấy làng đi biển nhưng người biết đan thuyền thúng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các làng biển ở Quảng Nam giáp Đà Nẵng cũng tìm về đặt hàng. Cách đây vài năm, cụ Liêm ở làng này già yếu nên nghỉ hẳn, các con trai cũng chuyển sang làm nghề khác. Chỉ còn mỗi tôi bám trụ vì tiếc cái nghề cha ông", ông Tiến mở đầu câu chuyện.

Cách đây khoảng 30 năm, khi đã thành thạo nghề chẻ nan, đan thuyền thúng, ông Tiến từ quê ở xã Duy Vinh (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) ra làng biển Thọ Quang lập nghiệp. Vốn là người có bàn tay khéo léo lại sáng ý, thuyền thúng do ông đan được nhiều ngư dân ưa thích. Những người hành nghề câu khơi ở Hoàng Sa thường xuyên đặt ông đan thúng vì cách chọn tre cho đến kỹ thuật đan, nứt vành… của ông làm chiếc thúng rất bền. "Nhiều ngư dân bảo rằng thúng của tôi có độ vững trước sóng biển, đặc biệt không bị gió đánh lắc lư và trôi đi theo gió khi đang hành nghề trên biển. Thúng do tôi đan có độ bền cao hơn, nếu dùng cẩn thận thì đến cả chục năm mới hỏng", ông kể.

Nửa đời người gắn bó với nghề, ông Tiến không nhớ mình đã làm ra bao nhiêu chiếc thuyền thúng. Ông bảo đó là niềm vui và cũng là niềm tự hào của đời vót nan, đan thuyền. Bởi sự hiện diện của những chiếc thúng dù nhỏ bé giữa biển khơi mênh mông cũng đã góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

ƯA THÚNG XUẤT NGOẠI CŨNG VUI, NHƯNG…"

Ngay từ khi dò hỏi những ngư dân ở Thọ Quang về nghề đan thuyền thúng, tôi đã được chỉ ngay đến gặp ông Lý Hữu Tiến không chỉ bởi đây là người cuối cùng theo nghề mà còn bởi tài nghệ của ông. Nói về kỹ năng của một người thợ, ông có thể say sưa hàng giờ mà không biết mệt. "Đan cái rổ, cái rá sao cho đẹp đã khó. Vậy nên đan cái thúng khổng lồ sao cho cân đối, đẹp mắt, nứt vành sao cho chắc, vô dầu sao cho bền... là cả quá trình học hỏi và tích lũy kinh nghiệm", ông Tiến nói.

Nghề này cực nhọc và đòi hỏi người thợ luôn chịu khó. Hồi mới vào nghề, đôi tay của ông khi nào cũng tươm máu vì bị tre, rựa cắt phải. Để xong xuôi một chiếc thúng (khoảng 10 ngày), thợ đan ngoài đổ mồ hôi còn đổ cả máu nữa… Người không đam mê, học 2 - 3 năm có khi vẫn không làm được.

Ông Tiến đúc kết một khi thành thạo và quyết tâm theo đuổi thì nghề đan thuyền thúng cũng không phụ mình. "Nhất nghệ tinh", dù nghề không mang lại giàu có nhưng với mức giá dao động từ 7 triệu đồng/thúng nhỏ cho đến 30 triệu đồng/thúng lớn gắn máy, ông Tiến cũng có thu nhập kha khá để nuôi 4 con gái ăn học đàng hoàng. Nhưng rồi công nghệ phát triển, bên cạnh những chiếc thúng composite nhẹ, bền hơn được đưa ra thị trường thì ngư dân cũng có thể tự làm một chiếc thúng bằng việc đắp composite bên ngoài chiếc thúng do chính tay ông Tiến đan trước đó. Và họ tiếp tục sử dụng thúng đó để ra khơi. Còn ông, công việc đan thuyền thúng cứ thế mà dần thưa vắng khách.

Độc đáo hình ảnh linh vật mèo trên thuyền thúng

Dịp tết Nguyên đán vừa qua, để tạo thêm các địa điểm check-in phục vụ người dân và du khách, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng vẽ các khuôn mặt mèo (linh vật năm Quý Mão 2023) lên 10 chiếc thuyền thúng đặt tại công viên Biển Đông, Q.Sơn Trà. Những bức tranh mèo trên chiếc thúng đã nhận được sự đánh giá cao của du khách bởi sự kết hợp thẩm mỹ giữa chiếc thúng và hội họa.

"May thay, ngành du lịch ở các địa phương mạnh lên. Việc sử dụng thuyền thúng để đưa đón khách, biểu diễn đã giúp nghề còn tồn tại. Chẳng hạn, một số cơ sở ở rừng dừa Bảy Mẫu

(TP.Hội An, Quảng Nam) thường diễn lắc thúng cũng đặt tôi đan", ông Tiến nói. Nhờ những đơn đặt hàng như thế cộng với việc thỉnh thoảng có người tới đặt ông đan thúng để xuất ra nước ngoài mà ông còn có việc để làm lai rai. "Có lẽ, ít nơi nào trên thế giới có chiếc thúng chai độc đáo như ở VN ta. Nhiều lần làm thúng ở bờ biển, du khách nước ngoài thích thú lắm. Họ kéo nhau tới xem và sau đó thì đặt hàng, mua mang về nước", ông Tiến tiếp lời.

Năm 2022, ông Tiến đã đan 4 chiếc thuyền thúng xuất sang Lào, 1 chiếc xuất sang Úc. Những năm trước đó, thuyền thúng của ông đã theo chân du khách đến các nước như Đức, Pháp, Nhật Bản… Nhờ những đơn hàng như thế mà nghề đan thúng của ông vẫn còn đất sống dù lay lắt. "Đưa thúng xuất ngoại cũng vui, nhưng về lâu dài tôi lo thúng tre không còn được dùng tới nữa. Nhiều người hỏi tôi có truyền nhân không. Tôi đáp: nếu tìm cho tôi một thanh niên thật sự chịu khó ngồi chẻ tre, vót nan, đan thúng…, tôi sẽ truyền nghề", ông Tiến giọng ngậm ngùi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.