Reuters vừa đưa tin Công ty an ninh mạng Cyabra (Israel) và chuyên gia Úc cho rằng nhiều tài khoản mạng xã hội “ma” đã được lập ra để phát tán tấm ảnh do ông Triệu Lập Kiên đăng tải trên mạng xã hội Twitter vào ngày 30.11.
Hành vi “đáng khinh bỉ”
Cụ thể, bức ảnh có hình một người đàn ông ăn mặc như binh sĩ Úc cầm dao dính máu kề cổ một đứa trẻ Afghanistan. Từ bức ảnh này, phát ngôn viên Triệu muốn ám chỉ điều mà ông cho là tội ác chiến tranh liên quan quân đội Úc ở Afghanistan. Nhưng sau đó, tấm ảnh được cho là một “sản phẩm dàn dựng”.
Việc đăng tải tấm ảnh đã bị chính phủ Úc chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng đó là hành vi “ghê tởm”, “đáng khinh bỉ”. Canberra yêu cầu Bắc Kinh phải xin lỗi về việc này, nhưng Bắc Kinh từ chối đưa ra lời xin lỗi.
|
Theo Công ty an ninh mạng Cyabra, qua phân tích thì phát hiện 57,5% tài khoản tương tác với phần ông Triệu Lập Kiên đăng tải trên Twitter đều là tài khoản giả, được lập nên chỉ nhằm chia sẻ, phát tán hình ảnh trên. Cụ thể hơn, Cyabra phân tích thì phát hiện 1.334 tài khoản đã tương tác với nội dung trên đều là tài khoản vừa được lập vào tháng 11 và không hề có hoạt động nào ngoài chia sẻ hình ảnh do ông Triệu Lập Kiên đăng tải nói trên.
Qua đó, phía Cyabra cho rằng đã có “bằng chứng về một chiến dịch được dàn dựng nhằm quảng bá cho thông tin sai sự thật này”. Tuy nhiên, phía công ty an ninh mạng của Israel không đề cập ai đứng sau chiến dịch.
Chuyên gia Tim Graham, Đại học công nghệ Queensland (Úc), cũng vừa công bố nghiên cứu 10.000 phản hồi phần đăng tải của ông Triệu trên tài khoản Twitter. Qua đó, 8% tài khoản tham gia phản hồi chỉ mới được lập trong vòng 24 giờ kể từ khi ông Triệu đăng tấm hình trên. Nhiều phản hồi chứa các câu chữ trùng lặp nên có thể là tài khoản “ma” được vận hành bằng ứng dụng.
Căng thẳng dâng cao
Việc ông Triệu đăng tấm ảnh trên đã khiến cho quan hệ giữa Úc và Trung Quốc càng thêm căng thẳng giữa lúc Bắc Kinh bị cho là liên tục “bắt nạt” Canberra.
Cuối tháng 11, Bộ Thương mại Trung Quốc vừa công bố quyết định đánh thuế chống bán phá giá đối với rượu vang nhập khẩu từ Úc, có hiệu lực từ ngày 28.11. Theo đó, rượu vang Úc nhập khẩu vào Trung Quốc phải chịu mức thuế từ 107 - 212%. Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc đã tiết lộ với báo giới về một xấp tài liệu gồm 14 khiếu nại về các hoạt động “vu khống” đối với Bắc Kinh.
Trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) nhận xét: “Bắc Kinh muốn trừng phạt Úc nhằm tấn công sự hợp tác của “bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ). Trong nhóm này, Úc có thể xem là mắt xích yếu nhất bởi lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc để xuất khẩu nông sản, thực phẩm trong nhiều năm qua. Thực tế, sự lệ thuộc này đã tác động đến định hướng an ninh của Canberra. Hồi năm 2008, cũng từ áp lực của Trung Quốc, Úc đã rút khỏi cuộc tập trận hải quân đa phương thường niên Malabar. Trung Quốc đang muốn “dằn mặt” Úc về rủi ro bị tổn thương kinh tế”.
Thực tế, không chỉ tăng cường hợp tác trong “bộ tứ kim cương”, Úc cũng đã lên tiếng yêu cầu điều tra nguồn gốc của SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 và cho rằng Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm. Và quan hệ hai bên đã liên tục căng thẳng trong những tháng qua.
Bình luận (0)